Địa phương thuộc vùng Duyên hải Nam Trung Bộ sẽ có sân bay nội địa, góp phần đẩy mạnh tăng trưởng kinh tế địa phương và liên vùng.
Cụ thể, theo quyết định phê duyệt của Thủ tướng ngày 7/6, hệ thống cảng hàng không toàn quốc thời kỳ 2021-2030 được quy hoạch theo mô hình trục nan với hai đầu mối chính tại Thủ đô Hà Nội và TP HCM.
Bên cạnh 14 cảng hàng không quốc tế, quy hoạch đề cập 16 cảng hàng không quốc nội. Trong đó, sân bay Thành Sơn (tỉnh Ninh Thuận) – cùng với sân bay Biên Hòa (Đồng Nai) – được quy hoạch để khai thác lưỡng dụng gồm quân sự, dân sự.
Trước đó, tỉnh Ninh Thuận đã phối hợp với Bộ Giao thông vận tải và các bộ ngành liên quan hoàn thiện hồ sơ bổ sung Cảng hàng không Thành Sơn vào Quy hoạch tổng thể phát triển hệ thống cảng hàng không, sân bay toàn quốc thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, trình Hội đồng thẩm định quy hoạch cảng hàng không, sân bay.
Bên cạnh đó, UBND tỉnh Ninh Thuận chủ trì phối hợp với các cơ quan chuyên môn, Trung đoàn không quân 937 và bộ ngành thực hiện đề án xã hội hóa đầu tư, khai thác Cảng hàng không Thành Sơn. Ninh Thuận cũng phối hợp với Cục Hàng không Việt Nam thực hiện lập quy hoạch chi tiết Cảng hàng không Thành Sơn. Đồng thời tỉnh phối hợp với Bộ Giao thông vận tải, Bộ Quốc phòng chuyển đổi đất quốc phòng để thực hiện đầu tư xây dựng dự án.
Ninh Thuận thuộc vùng Duyên hải Nam Trung Bộ, phía Bắc giáp tỉnh Khánh Hòa, phía Nam giáp tỉnh Bình Thuận, phía Tây giáp tỉnh Lâm Đồng và phía Đông giáp biển Đông.
Theo Cổng thông tin điện tử tỉnh Ninh Thuận, tỉnh này có diện tích tự nhiên 3.358 km 2 , có 7 đơn vị hành chính gồm một thành phố và 6 huyện.
Trong đó, TP Phan Rang – Tháp Chàm là thành phố loại 2 thuộc tỉnh, trung tâm chính trị, kinh tế và văn hóa của tỉnh, cách TP Hồ Chí Minh 350 km, cách sân bay Cam Ranh 60 km, cách TP Nha Trang 105 km và cách TP Đà Lạt 110 km, thuận tiện cho việc giao lưu phát triển kinh tế – xã hội.
Tăng trưởng kinh tế của tỉnh Ninh Thuận
Theo báo cáo của Cục Thống kê tỉnh Ninh Thuận, tổng sản phẩm trong tỉnh (GRDP) quý 1/2023 tăng 7,67% so với cùng kỳ năm 2022. Trong đó, nông, lâm nghiệp và thủy sản tăng 2,88%, đóng góp 0,62 điểm phần trăm vào mức tăng trưởng chung. Khu vực công nghiệp và xây dựng tăng 9,95%, đóng góp 3,99 điểm phần trăm. Dịch vụ tăng 9,24%, đóng góp 3,11 điểm phần trăm.
Về cơ cấu GRDP quý 1 năm 2023, khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản chiếm tỷ trọng 20,4%; khu vực công nghiệp và xây dựng chiếm 47,0%; khu vực dịch vụ chiếm 28,3%.
Với chỉ số trên, Ninh Thuận đang tăng trưởng cao hơn 4/5 thành phố trực thuộc trung ương. Cụ thể, Đà Nẵng tăng 7,12%. GRDP của Hà Nội tăng 5,80%. Cần Thơ có tốc độ tăng trưởng GRDP đạt 4,02%. Tăng trưởng của Thành phố Hồ Chí Minh chỉ đạt 0,7%. Riêng TP Hải Phòng tăng 9,65%.
Bình diện cả nước, theo Báo cáo Tình hình kinh tế – xã hội quý 1/2023 của Tổng cục Thống kê, tốc độ tăng GDP quý 1/2023 đạt 3,32% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản tăng 2,52%, đóng góp 8,85% vào mức tăng trưởng chung; khu vực công nghiệp và xây dựng giảm 0,4%, làm giảm 4,76%; khu vực dịch vụ tăng 6,79%, đóng góp 95,91%.
Trong đó, khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản tăng 2,52%, đóng góp 8,85% vào mức tăng trưởng chung; khu vực công nghiệp và xây dựng giảm 0,4%, làm giảm 4,76%; khu vực dịch vụ tăng 6,79%, đóng góp 95,91%.
Trở lại với kinh tế tỉnh Ninh Thuận, chỉ số IIP toàn ngành công nghiệp quý 1/2023 ước tính tăng 7,59% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, ngành sản xuất và phân phối điện có quyền số giá trị tăng thêm chiếm 88% tỷ trọng quyền số sản xuất công nghiệp toàn ngành, chỉ số sản xuất ước tăng 8,21%, đóng góp tăng 6,11 điểm phần trăm vào chỉ số toàn ngành công nghiệp. Ngành Chế biến, chế tạo tăng 3,24%, là nhóm ngành có chỉ số sản xuất thấp nhất trong 4 nhóm ngành cấp 1, đóng góp tăng 0,65 điểm phần trăm. Ngành Khai khoáng tăng 23,58% so cùng kỳ, đóng góp tăng 0,71 điểm phần trăm.
Sản xuất đường ước tăng 42,9%, do nguồn nguyên liệu đáp ứng đủ nhu cầu sản xuất của doanh nghiệp. Sản phẩm may mặc ước tăng 30%, do các công ty có nhiều đơn đặt hàng, thêm đơn vị sản xuất mới. Điện sản xuất tăng 8,17%, trong đó sản lượng điện tái tạo tăng 8,5% (riêng điện mặt trời giảm 7,3% do sự điều tiết giảm nguồn phát). Sản xuất tinh bột mì tăng 2,9%, nguyên liệu cung cấp để sản xuất đáp ứng đủ cho yêu cầu sản xuất.
Tôm đông lạnh không tăng không giảm so cùng kỳ. Muối biển giảm 14,2%. Bia đóng lon giảm 21,6% do chi phí nguyên liệu đầu vào tăng, thị trường tiêu thụ trong nước giảm, phải sản xuất theo chỉ tiêu tổng công ty giao. Hạt điều khô giảm 55,4%, do trong quý số lượng đơn đặt hàng tăng. Một số sản phẩm xây dựng giảm (khai thác đá xây dựng giảm 18,8%; xi măng giảm 39,5%; đá granite giảm 59,2%).
Trong quý 1/2023, Ninh Thuận có 84 doanh nghiệp đăng ký mới với số vốn đăng ký 317 tỷ đồng, giảm 30,0% số doanh nghiệp và giảm 96,7% số vốn đăng ký so cùng kỳ năm trước. Có 48 doanh nghiệp quay trở lại hoạt động, giảm 36,8%; 15 doanh nghiệp hoàn tất thủ tục giải thể tự nguyện, giảm 25,0%; và 107 doanh nghiệp tạm ngừng hoạt động, tăng 25,9%.
Vốn đầu tư phát triển thực hiện quý 1/2023 của tỉnh ước đạt 3.135,0 tỷ đồng, giảm 22,8% so với cùng kỳ năm trước, trong đó: nguồn vốn nhà nước 618,7 tỷ đồng, chiếm tỷ trọng 19,7% tổng nguồn vốn và tăng 27,5% so với cùng kỳ năm trước; vốn ngoài nhà nước 2.472,0 tỷ đồng, chiếm 78,9% và giảm 30,3%; vốn đầu tư nước ngoài 44,3 tỷ đồng, chiếm 1,4% và tăng 52,3%.