“VĂN TUỆ TÔI KHÔNG MAY MẮN, CHƯA TỐT NGHIỆP CẤP 3”
“Trong cuộc đời con người hay doanh nghiệp đều có 3 vấn đề: Một là cái mình biết (đọc sách hoặc người khác dạy mình), tôi hay gọi là văn tuệ. Cái thứ 2 qua suy nghĩ gọi là tư tuệ. Cái thứ 3 mình biết qua thực hành bản thân, tu sửa bản thân gọi là tu tuệ. Văn tuệ tôi không may mắn, chưa tốt nghiệp cấp 3, đi bộ đội về cũng không có cơ hội học hành đầy đủ như bạn bè. Mình đi mon men theo 2 con đường tư tuệ và tu tuệ.”, ông Dũng chia sẻ về con đường học hành của bản thân trong một talkshow cách đây vài năm.
Ông Huỳnh Uy Dũng sinh năm 1961 tại Bình Định. Tự nhận mình có một tính cách kỳ lạ là những gì càng khó thì ông càng say mê không kể ngày đêm, ráng chinh phục bằng được, ông Dũng còn tự trau dồi tư duy học hỏi từ tất cả những người xung quanh, từ anh bảo vệ đến người lái xe.
Trên thực tế, tên khai sinh của ông là Huỳnh Phi Dũng nhưng sau đó ông tự đổi thành Huỳnh Uy Dũng, với mong muốn cuộc đời bớt sóng gió, gian nan.
Ông Huỳnh Uy Dũng. (Ảnh: Internet)
Năm 1979, giống như bao thanh niên cùng thế hệ, ông Dũng gác lại con đường học hành đi nghĩa vụ quân sự. Năm 1983, khi đang giữ vị trí sỹ quan quân đội ông Dũng chuyển sang ngành công an với vị trí trưởng ban tổ chức của công an Thủ Dầu Một.
Những năm 1980 cùng với bối cảnh chung đất nước, đời sống của cán bộ chiến sỹ công an cũng gặp không ít khó khăn. Với mong mỏi cải thiện đời sống cho anh em đồng đội, ông Dũng bắt tay vào làm kinh tế, ban đầu là làm thủy tinh sau đó là lò vôi.
Biệt danh Dũng “Lò vôi” được người dân tỉnh Sông Bé (ngày nay là Bình Dương) đặt vốn gắn với quãng thời gian đầy gian khó của doanh nhân họ Huỳnh và vẫn lưu danh đến hiện tại. Tuy nhiên, làm lò vôi không hề dễ khi nguyên liệu như than thì nhập từ Quảng Ninh, đá từ Kiên Giang. “Đó là cái khùng đầu tiên của tôi”, ông chủ Đại Nam nhớ lại.
Sau lò vôi, ông Dũng tiếp tục làm nhiều thứ khác và gặt hái thành công. Năm 1991, tỉnh Sông Bé mời ông về vực dậy công ty nhà nước đang thua lỗ khó khăn có tên là Thành Lễ.
Ông Dũng từng kể lại, để nhận lời đã đưa ra 3 điều kiện mà chưa ai thực hiện ở thời điểm năm 1991: Con người do ông Dũng tìm quyết định và bổ nhiệm kể cả phó tổng giám đốc; Không nhận ngân sách nhà nước cấp; Kinh doanh lỗ ông Dũng sẽ đền 100% còn nếu lãi thì sẽ được hưởng 10% lợi nhuận.
Về Thành Lễ, năm đầu tiên kinh doanh lãi 28,8 tỷ đồng, lúc này ngân sách tỉnh Sông Bé khoảng 40 tỷ đồng. Thời điểm đó, ông Dũng không nhận lương tại Thành Lễ mà vẫn nhận lương công an.
Theo điều kiện đưa ra, đáng lẽ ông được nhận 2,8 tỷ đồng nhưng không thể thực hiện do quy định nhà nước chỉ được thưởng không quá 6 tháng lương. Sau 3 năm ông Dũng về Thành Lễ, doanh nghiệp này hết lỗ và 3 năm sau có lãi. Lúc này ông xin nghỉ Nhà nước để về điều hành công việc kinh doanh gia đình.
Những năm 1990, nhìn thấy được nhu cầu của doanh nghiệp trong việc có đất để kinh doanh, sản xuất, ông Dũng tiên phong phát triển các khu công nghiệp như Bình Đường, Sóng Thần 1, Sóng Thần 2. Ông Dũng cũng góp ý cho ban lãnh đạo tỉnh Sông Bé tổ chức mời các doanh nghiệp đến dùng cơm và kêu gọi đầu tư.
Thời điểm này cả tỉnh Sông Bé chỉ có 1 trạm điện công suất thấp phục vụ cho toàn tỉnh. Ông Dũng mạnh dạn đề xuất ngành điện đầu tư 2 trạm điện đồng thời ứng tiền cá nhân để xây dựng. Số tiền theo lời ông Dũng lên tới hàng triệu đô la.
Bên cạnh làm điện, ông Dũng cùng 2 lãnh đạo doanh nghiệp lớn khác tại tỉnh Sông Bé lúc này cùng nhau trở thành mũi nhọn làm cơ sở hạ tầng và kêu gọi các doanh nghiệp về đầu tư.
Với những quyết tâm và tầm nhìn của ông Dũng, các khu công nghiệp tại Bình Dương phát triển và lan rộng mô hình ra cả nước. Khi nhiều người tham gia và nhận thấy công nghiệp Bình Dương phát triển nóng, ông Dũng quyết định dừng lại và chuyển sang làm dịch vụ.
Khu du lịch Đại Nam. (Ảnh: Internet)
“TÔI XÂY ĐẠI NAM KHÔNG PHẢI ĐỂ KIẾM TIỀN”
“Tôi xây Đại Nam ngay từ đầu đã nói với nhân viên, người thân, các anh ở tỉnh tôi muốn làm một việc mà không ai làm là du lịch, du lịch Sông Bé rất yếu”, ông Dũng tâm niệm.
Ông nói: “Tôi xây dựng Đại Nam không phải để kiếm tiền, xây dựng khu tâm linh để chia sẻ cho bá tánh, đất nước. Nhìn xa một tý về quy hoạch 20 năm nữa cỡ 2030 để có một mảnh đất lớn như này để phục vụ cho văn hóa thể thao dịch vụ rất khó.”
Tọa lạc tại 1765A Đại lộ Bình Dương, phường Hiệp An, thành phố Thủ Dầu Một, tỉnh Bình Dương, Đại Nam có thể được coi là siêu dự án tâm linh kết hợp du lịch đầu tiên của Việt Nam.
Khởi công xây dựng từ năm 1999 và mất ròng rã 9 năm để có thể mở cửa đón khách lần đầu tiên, siêu dự án Đại Nam tiêu tốn của chủ đầu tư đứng sau tới 6.000 tỷ đồng. Tuy nhiên kết quả mang lại hoàn toàn xứng đáng khi mỗi năm, Đại Nam ghi nhận hàng triệu lượt khách cả trong nước lẫn quốc tế tới thăm quan, doanh thu trung bình hơn 300 tỷ đồng.
Với diện tích 450 ha, Đại Nam là quần thể du lịch tâm linh gồm nhiều đền thờ, với các pho tượng, phù điêu, linh vật thờ cúng được chạm trổ tinh vi, dát vàng. Đi kèm đó là một loạt các công trình như: Khu trò chơi hiện đại, Vườn thú Đại Nam, Dãy núi Bảo Sơn,…
Điểm đặc biệt là công trình hoàn toàn không tốn tiền thiết kế bởi ông Dũng đã tự nghĩ ra phối cảnh, tự hình dung bản mẫu, sau đó đích thân chỉ đạo công việc xây dựng, quản xuyến tới từng viên gạch, từng bao xi măng.
Sau này vợ ông Dũng là bà Nguyễn Phương Hằng góp ý nên làm thêm trường đua để tạo sự phấn khích. Ông Dũng đi tham khảo các trường đua tại Singapore, Malaysia… và quyết định xây dựng Đại Nam có thêm những mô hình mới như biển nhân tạo, trường đua phức hợp “5 trong 1”, nơi có thể tổ chức được cả đua ngựa, đua chó, đua mô tô phân khối lớn lẫn đua xe F1.
“TIỀN BẠC CHỈ LÀ PHƯƠNG TIỆN DUY TRÌ SỰ SỐNG, KHÔNG PHẢI CÁI TÔI ĐI TÌM”
Cách đây vài năm, ông chủ Đại Nam cùng vợ lập quỹ thiện nguyện Huỳnh Hằng Hữu. Ông Dũng quyết định trao toàn bộ khối tài sản của mình cho cậu con trai út Huỳnh Hằng Hữu khi chỉ mới 1 tuổi, trở thành tỷ phú trẻ tuổi nhất và là Chủ tịch Hội đồng giám sáτ Quỹ Thiện nguyện này.
Ông chủ Đại Nam luôn hết lòng làm từ thiện. (Ảnh: Internet)
Theo lý giải của ông Dũng, cậu bé xuất hiện như một định mệnh và thường ăn cơm với nước tương. Ông Dũng cho biết mình cảm nhận sau này con út của ông sẽ đi tu và ông đang chuyển dịch vật chất đang có chuyển về phục vụ cộng đồng, không chiếm hữu.
Quỹ thiện nguyện này ông Dũng cho biết không nhất thiết giao lại cho dòng họ mà sẽ tìm người đủ tâm đủ đức, thật tâm vì cộng đồng, xã hội.
“Tôi thấy tiền bạc chỉ là phương tiện duy trì sự sống, không phải cái tôi đi tìm. Cái tôi đi tìm sâu xa hơn, màu nhiệm hơn, trên nền tảng thánh thiện mới tìm được nó. Tôi đã quyết định dừng lại, và suốt 10 năm trời xây dựng Đại Nam, quyết tâm để lại cho đời một khu du lịch tâm linh”.
“Lấy vật chất làm của, của sẽ rời xa ta. Lấy phúc đức làm của, phúc theo ta suốt đời. Bao nhiêu năm làm kinh doanh, tôi hiểu cɦếτ có mang theo gì đâu, nên biết dừng lại sớm, không chiếm hữu”, ông Dũng cho biết.
Là người hướng về tâm linh, ông Dũng cho biết Đạo Phật là khoa học, lấy trí tuệ làm sự nghiệp, người đi theo học Phật giống như người đi tìm sự thật. Đó là con đường đó để khai mở trí tuệ, không phải mê tín dị đoan.
“Tôi tin tuyệt đối vào Trời Phật và tin tuyệt đối vào triết lý của Phật thì tôi giải mã được hết tất cả những điều u uất trong lòng”, ông chủ Đại Nam khẳng định. Ông cho biết mình đã ngộ ra được luật Nhân quả từ những năm 30 tuổi, từ những năm 1983, 1984 đã có hoài bão làm tiền phục vụ cộng đồng.
Nhìn lại cuộc đời mình, đại gia Huỳnh Uy Dũng tin rằng những gì kết tinh cuộc đời mình đều là nhân quả nhiều đời nhiều kiếp. “Một con người hay một doanh nghiệp khi ngộ ra được cái đó thì sẽ rất hạnh phúc”, ông nhấn mạnh.