Từ khi thị trường BĐS rơi vào trầm lắng nửa cuối năm 2022, nhiều nhà đầu tư sử dụng đòn bẩy tài chính cao “mắc cạn”. Ngay cả những người đầu tư bằng tiền nhàn rỗi cũng tiếc nuối vì lựa chọn sai thời điểm xuống tiền.
Không chỉ những nhà đầu tư BĐS sử dụng đòn bẩy tài chính cao gặp khó, những người đầu tư bằng số tiền nhàn rỗi cũng tiếc nuối khi vì lựa chọn sai thời điểm để xuống tiền.
Anh Thành (Hà Đông, Hà Nội) cho biết trong cơn sốt đất cuối năm 2021, đầu năm 2022 gia đình anh đã dồn toàn bộ tiền tiết kiệm và vay thêm ngân hàng 500 triệu đồng để xuống tiền mua một lô đất dịch vụ khu vực gần nhà với giá 3,4 tỷ đồng hy vọng giá đất tiếp tục tăng sẽ chốt lời lấy vốn làm nhà và mở rộng hoạt động kinh doanh.
Mức độ quan tâm tới đất nền nhiều nơi vẫn trầm lắng kể từ đầu năm đến nay
Tuy nhiên, kể từ giữa năm 2022 thị trường BĐS có dấu hiệu chững lại, mức độ quan tâm tới BĐS trong khu vực anh xuống tiền đầu tư cũng giảm mạnh. Anh Thành cho biết sau 1 năm 2 tháng xuống tiền đầu tư lô đất, giá đất khu vực này đã ghi nhận mức giảm từ 10 đến 20%. Anh cho biết dù chấp nhận giảm giá nhưng giao dịch tại khu vực cũng khá trầm lắng khi người xem, tham khảo giá là nhiều hơn người mua. Nhiều khách vẫn kỳ vọng giá đất trong khu vực giảm thêm trước khi quyết định xuống tiền.
Không thể bán được đất với giá như kỳ vọng, anh Thành cho biết bản thân “thiệt đơn, thiệt kép” khi xuống tiền đầu tư vào BĐS nhưng không đúng thời điểm. Theo đó, ngoài việc phải hủy bỏ kế hoạch xây nhà như dự kiến ban đầu, khoản đầu tư 3,4 tỷ đồng vào đất nền của gia đình đến nay tạm thời ghi nhận khoản lỗ khoảng 600 triệu đồng. Trong khi đó nếu mang số tiền 2,9 tỷ đồng nhàn rỗi gửi tiết kiệm trong quãng thời gian hơn 1 năm qua, gia đình anh còn có thể thu được khoản lãi suất đáng kể.
Không chỉ chịu lỗ vì “đu đỉnh” đất nền, thời gian qua gia đình anh cũng phải trả khoản lãi đáng kể cho cho số tiền vay ngân hàng 500 triệu đồng. Nhà đầu tư này thừa nhận, thời điểm này cũng có rất nhiều sự lựa chọn khi nhiều lô đất vị trí đẹp trong khu vực được rao bán với mức giá rẻ hơn rất nhiều so với thời điểm anh xuống tiền cách đây hơn một năm.
“Không như nhiều nhà đầu tư khác đang phải rao bán cắt lỗ khoản đầu tư vào BĐS của mình, nhưng tôi cũng thấy rằng mình cũng bị “thiệt đơn, thiệt kép” và bỏ lỡ nhiều cơ hội khi quyết định xuống tiền đầu tư vào BĐS không đúng thời điểm”, anh Thành thừa nhận.
Chia sẻ về kinh nghiệm đầu tư BĐS của mình, anh Sỹ – một nhà đầu tư với gần 15 năm kinh nghiệm tại Hà Đông, Hà Nội cho biết thời gian qua nhiều người đã lỗ nặng khi xuống tiền đầu tư vào BĐS trong cơn sốt đất nửa cuối năm 2021 đầu năm 2022. Tuy nhiên, anh Sỹ cũng cho rằng việc thời gian qua hàng loạt giải pháp tháo gỡ khó khăn cho BĐS đã được công bố, thị trường BĐS sẽ sớm ấm trở lại. Những sản phẩm BĐS phục vụ nhu cầu ở thực và có mức giá tốt vẫn đang nhận được sự quan tâm của nhiều người.
Chuyên gia bất động sản Trần Khánh Quang cho rằng “đây có thể không phải thời điểm tốt để bán nhưng là thời điểm tốt để đi mua. Không lúc nào dễ mua nhà như lúc này”, ông Quang cho hay.
Lý giải điều này, chuyên gia bất động sản Trần Khánh Quang cho rằng, người mua nhà đang được chủ đầu tư hỗ trợ “mạnh tay” về chính sách thanh toán. Hiện các dự án bất động sản đã cân bằng lại mức giá khá hợp lý khi đưa ra thị trường. Đây chính là cơ hội mua bất động sản để ở lẫn đầu tư.
Về phần mình, ông Nguyễn Văn Đính, Chủ tịch Hội môi giới bất động sản Việt Nam cũng cho rằng đây là giai đoạn thích hợp, là cơ hội để vào thị trường. Theo ông Đính, cơ hội “gom hàng” càng mạnh với các nhà đầu tư chuyên nghiệp, có kinh nghiệm, nắm bắt thông tin thị trường, có dòng tiền nhàn rỗi, sẵn sàng đầu tư 3-5 năm với kỳ vọng lợi nhuận cao hơn lãi suất ngân hàng.