Bỏ học đi làm ‘cò đất’, em tôi giờ tự tin khoe sổ đỏ, sổ hồng đầy tay, chê cười mấy người làm Thạc sĩ, Tiến sĩ mà vẫn nghèo.

Thực tế hiện nay, có rất nhiều người phất lên từ buôn đất chỉ trong vài năm, dù họ chẳng học cao hay tài năng gì đặc biệt. Tôi có một người bà con. Nói về học vấn, người này chẳng bằng ai (chỉ học xong lớp 12 là bỏ ngang), cũng chẳng qua trường lớp nào về chuyên ngành kinh doanh, kinh tế nói chung, và buôn bán bất động sản nói riêng.

Sau khi rơi vào cảnh thất nghiệp từ lúc bỏ học, em bập bẹ tham gia thị trường bất động sản bằng cách ngồi “mài đũng quần” ở quán cà phê – nơi tụ tập quen thuộc của dân “cò đất” từ sáng tới tối để tìm kiếm vận may. Rồi dần dần, em cũng kiếm được vài mối bán buôn đất cát, chia năm xẻ bảy tiền lời với các “cò” đi trước.

Đến nay, em được xem như một “tay cò” có tiếng trong giới, với rất nhiều thương vụ thành công. Em liên tục đăng tải các giao dịch thành công với hàng số tiền “khủng” kiếm được lên trang cá nhân. Em còn khoe mỗi năm dư được vài cái sổ hồng và lượng lớn vàng.

Về kiến thức chuyên môn, tôi không rõ em am hiểu đến đâu, nhưng tôi hiểu rằng em thành công như vậy một phần lớn là dựa vào sự khôn khéo, mà nói thẳng ra là có chút “lươn lẹo”. Em từng hình cầm một xấp sổ hồng và tuyên bố “không có bằng cấp nào sánh bằng cái bằng này” (tức là sổ đỏ, sổ hồng), thường xuyên cười nhạo khi có ai đó đăng hình bằng tốt nghiệp Thạc sĩ, Tiến sĩ nhưng “nghèo” hơn mình. Với em, học nhiều chưa chắc kiếm được nhiều tiền bằng kẻ ít học nhưng thức thời.

Với những người làm “cò đất” hay đầu cơ “lướt sóng” bất động sản, mục tiêu duy nhất của họ là tiền lời chứ không ai quan tâm đến hệ lụy đến xã hội. Vì thế, để thành công trong lĩnh vực này, họ thường chỉ tìm cách chớp lấy thời cơ để làm giàu. Còn những kinh nghiệm về nắm bắt thị trường, về kinh doanh, thậm chí là về rủi ro, họ không học qua trường lớp mà học từ trường đời, qua việc tích lũy kinh nghiệm dần dần.

Thực tế, một người học hành bài bản, bằng cấp đàng hoàng mà tâm và khẩu ngay thẳng như ruột ngựa thì cũng rất khó để có thể thành công trong lĩnh vực bất động sản, nhất là khi làm dân buôn “lướt sóng” hoặc “cò đất”. Tóm lại, trong thị trường nhà đất ở ta, học vấn không quyết định thành công hay thất bại, thế nên người người đi buôn đất, nhà nhà “lướt sóng” đất.

Chỉ khi nào chúng ta tạo được một môi trường kinh doanh bất động sản thật lành mạnh, thì những tư duy chụp giật, cơ hội, đầu tư may rủi, coi thường bằng cấp chuyên môn… như trên mới bị triệt tiêu. Và lúc đó, tư tưởng làm giàu nhanh từ đầu cơ đất, đổ xô đi làm “cò đất” mới không còn chi phối số đông trong xã hội.