3 năm rao bán dù không khách mua, nhưng điều kỳ lạ, đó là chủ nhà mỗi năm đều tăng giá thêm vài trăm triệu đồng. Lý do mà chủ nhà đưa ra: Họ sẵn sàng được giá nhà mới bán.
Một câu chuyện thực tế xảy ra khá nhiều trên thị trường địa ốc. Không ít chủ nhà/đất rao bán tài sản nhiều năm không ai chốt mua. Thế nhưng, mỗi năm, họ đều tăng giá bán.
Anh T.M (môi giới chung cư tại khu đô thị lớn ở Nam Từ Liêm, Hà Nội) kể lại một vị khách của anh nhờ rao bán căn hộ chung cư diện tích 64m2, nằm ở tầng trung, vị trí quay vào nội khu 3 năm qua.
Năm 2021, đúng thời điểm dịch Covid-19, chủ nhà chào bán 2,45 tỷ đồng. Nhưng, so với giá thời điểm này, mức giá chênh 50 triệu đồng-100 triệu đồng với loại hình căn hộ 64m2 trên thị trường nên chỉ lác đác khách hỏi. Đến năm 2022, đúng thời điểm giá chung cư tại Hà Nội tăng đột biến, chủ nhà cũng tăng giá căn hộ lên 2,65 tỷ đồng. Anh T.M cho biết, nhiều khách đến xem nhưng không chốt mua do lắc đầu vì giá cao. Một số khách mặc cả giảm 100 triệu đồng, chủ không đồng ý. Đến giữa năm 2023, chủ nhà nhờ anh T.M rao bán nhưng mức giá lần này tăng thêm 200 triệu đồng, tức 2,85 tỷ đồng.
“Bác chủ nhà là một người có sẵn tiền mang đi đầu tư. Họ không phải nhóm nhà đầu tư lướt sóng. Bác cũng thông báo với tôi không cần tiền gấp, và sẵn sàng đợi được giá mới bán. Đó là lý do họ tăng giá bán mỗi năm cho căn hộ của mình. Nếu không có khách mua, chủ nhà tiếp tục cho thuê”, anh T.M nói.
Trường hợp chủ nhà rao bán nhiều năm không khách chốt nhưng vẫn tăng giá đều đặn qua mỗi năm không phải trường hợp hiếm gặp. Anh Trần Minh, CEO doanh nghiệp bất động sản ở Hà Nội kể, thời điểm thị trường sôi động, rất nhiều trường hợp tăng giá theo năm. Thậm chí, chủ nhà còn tăng giá theo tháng.
“Một khách hàng của tôi nhờ rao bán căn nhà phố, view ra hồ Linh Đàm. Giá năm 2019, nhà đầu tư rao bán với giá 14 tỷ đồng. Năm 2020, họ tăng lên 16 tỷ đồng mới bán. Trước khi tăng giá, chủ nhà cũng đã đầu tư 100 triệu đồng để sơn lại nhà và sửa một số thiết bị. Đến năm 2021, họ kỳ vọng giá thu về khoảng 17 tỷ đồng. Nhưng khách đến xem mà không chốt, chỉ trá giá 15 tỷ đồng nhưng chủ không bán. Hiện tại, do thị trường chững lại, căn nhà phố tiếp tục cho thuê, chủ giữ nguyên giá 17 tỷ đồng”, anh Trần Minh kể.
Theo anh Minh, những chủ nhà rao bán không thành nhiều năm, nhưng mỗi năm đều tăng giá đều là người có tiềm lực kinh tế. Với họ, bán thành công hay không có khách chốt mua không quan trọng. Họ chỉ quan tâm đến mức lợi nhuận thu được bao nhiêu.
“Thông thường, khách rao bán không thành do mức giá chênh cao so với thị trường. Trong khi người mua có nhiều lựa chọn, không xuống tiền vào căn này, có thể tìm được sản phẩm tương đương về vị trí, thấp hơn về giá. Nhưng về phía người bán, do không tiền gấp, họ sẵn sàng đợi bán “được giá”.
Nhiều năm làm nghề, tôi còn gặp không ít chủ nhà rất may mắn. Họ rao bán đất không thành vì phát giá quá cao. Vài tháng sau hoặc nhiều người phải mất 1-2 năm, khu đất nơi họ rao bán xảy ra sốt đất, giá bất ngờ tăng thêm vài chục %, thậm chí có nơi tăng gấp đôi. Chủ nhà bán được giá cao nhưng trường hợp này chỉ xảy ra thời điểm sốt đất”, anh Minh kể.