Hàng chục ngàn người con xứ Thanh trên khắp Đông Âu đã quyết định ở lại xứ người sau quá trình hợp tác lao động- một quyết định chắc hẳn rất khó khăn. Họ đều đã đi qua gian khó, nhọc nhằn và cay đắng. Không phải ai cũng thành công. Nhưng tất cả họ đều đáng được ghi nhận bởi nỗ lực vượt khó đi lên từ hai bàn tay trắng, nơi xứ người lạ xa, với bao khó khăn vây bủa xung quanh.
Gian nan buổi đầu
“Mình chỉ là con thiêu thân, không biết sẽ bay về phía nào của cuộc đời”.
Đó là điều Nguyễn Văn Dục nghĩ khi mở cánh cửa trên con tàu đêm trôi lênh đênh giữa những dòng kênh miên man vòng quanh thành phố Venice nước Ý. Khi ấy, chàng trai người Nông Cống chưa đầy 30 tuổi. Khi ấy, chủ nghĩa xã hội vừa sụp đổ tại Đông Âu. Những thanh niên xuất khẩu lao động theo diện hợp tác quốc tế như Dục trải qua một giai đoạn sang chấn tâm lý nghiêm trọng. Đó cũng là thời kì mà nhóm “Đầu trọc” với chủ nghĩa dân tộc cực đoan trỗi dậy ở Nga, Tiệp Khắc, Ba Lan, Ucraina… và nhiều nước khác. Mỗi người ngoại quốc như Dục đều phải đối mặt với nguy cơ bị tấn công khi bước chân ra ngoài căn hộ. Họ được khuyến khích ở trong nhà sau những giờ làm việc tại phân xưởng, mang theo vũ khí phòng thân khi đi ra ngoài. Những bất ổn trong đời sống cùng sự hoang mang trong tinh thần đã khiến các “sòng bài trong nhà” được thành lập. Nhiều thanh niên Việt Nam tại Tiệp Khắc trắng tay, không phải từ biến cố cuộc đời, mà từ những sòng bài trong nhà ấy.
Khi vài đồng nghiệp vùi đầu bên chiếu bạc, Nguyễn Văn Dục quyết định bước chân ra khỏi căn hộ của mình ở Praha, vượt biên giới để đến nước Ý, trong một hành trình không tưởng, mang theo trong đầu câu hỏi: Trở về quê nhà hay ở lại đất nước mình đã gắn bó nhiều năm, giữa tình hình chính trị, kinh tế, xã hội đầy biến động? Ở Ý, Dục trải qua 18 ngày đói khát, lang thang trên khắp hang cùng ngõ hẻm. Chỉ với một chiếc áo khoác da làm chăn đắp, một tấm bản đồ, một cuốn sổ tay nho nhỏ, Dục đi trên hành trình vô định. Trong một đêm, lần đầu tiên được đi tàu thủy trên sông ở Venice, anh vô tình mở cánh cửa tàu, đàn thiêu thân cùng mùi nồng nồng của biển ùa vào khoang hành khách. Những con thiêu thân hỗn loạn chấp chới giữa ánh sáng rực rỡ của ánh đèn điện. Khi ấy, Dục đã nghĩ mình không khác gì một con thiêu thân… Nếu cứ bay theo bản năng và sự vô định, rồi một ngày nào đó, anh sẽ rã cánh trên đường đời…
Khi Dục lênh đênh trên chuyến tàu Venice, cũng là lúc ở Berlin, thủ đô nước Đức, một thanh niên người Thanh Hóa khác là Lê Đình Bính bắt đầu lao ra đường phố. Từ một công nhân nhà máy, bỗng trở nên không có việc làm do chính quyền sở tại giải thể cơ sở sản xuất, Bính buộc lòng phải nghĩ cách mưu sinh. Như nhiều thanh niên mất phương hướng lúc bấy giờ, anh quyết định liều lĩnh buôn thuốc lá lậu, gia nhập vào dòng người kiếm tiền phi pháp. Hành trình kiếm tiền của Bính không chỉ có mồ hôi, mà còn có cả máu và nước mắt. Bính từng bị bắt, bị đẩy vào trại giam, trả giá cho những tháng ngày nông nổi của mình. Lê Đình Bính không có sự mẫn cảm văn chương như Nguyễn Văn Dục để nghĩa mình là một con thiêu thân. Nhưng anh có những trải nghiệm cay đắng hơn, hiểm nguy hơn trong những tháng ngày gian khổ ấy.
Có rất nhiều thanh niên Việt Nam nói chung và Thanh Hóa nói riêng đã trải qua khoảng thời gian vất vả như Nguyễn Văn Dục và Lê Đình Bính. Sự sụp đổ của Chủ nghĩa xã hội ở Đông Âu gây nên một cơn sang chấn to lớn trong đời sống của họ. Những xí nghiệp Xã hội chủ nghĩa bị giải thể đẩy họ ra đường, đồng thời để lại trong trái tim của những con người ấy tổn thương tinh thần cực kỳ sâu sắc. Trong cuộc mưu sinh đầy khó khăn nơi xứ người, nhiều người Việt ở Đông Âu, trong đó có hàng ngàn người xứ Thanh, đã phải trả giá bằng mồ hôi, nước mắt, máu, và thậm chí cả sinh mạng của mình.
Song, gậy gộc tàn bạo của bọn đầu trọc, nguy cơ bất an khi bước chân ra khỏi nhà, sự bất ổn về chính trị, kinh tế của Đông Âu thời kỳ ấy không thấm tháp gì so với nỗi cô đơn, buồn tủi của những người con xa xứ….
Định hình những giấc mơ
Trong ánh nắng rất đẹp của Praha, thủ cộng hòa Séc, anh Nguyễn Văn Dục chở chúng tôi đi thăm những công trường khai thác cát của mình trải dọc trên khắp Cộng hòa Séc. Anh bây giờ đã trở thành ông chủ lớn, là một trong những nhà khai thác và sản xuất vật liệu xây dựng hàng đầu của Séc. Sức mạnh nào đã đưa Nguyễn Văn Dục rời khỏi con tàu lênh đênh ở cùng bầy thiêu thân và suy nghĩ bi quan về phận người trong đêmVenice ấy? Anh bảo đó chính là là gia đình và quê hương. Khi sự mất phương hướng lên đến đỉnh điểm, Dục chợt nhớ tới mẹ cha, những người anh chị em của mình ở ngôi làng nghèo khó nơi quê nhà Nông Cống; nghĩ về những kỳ vọng của họ khi tiễn chân anh lên máy bay đến một chân trời xa lạ. Những ý nghĩa ấy đã cứu rỗi cuộc đời Nguyễn Văn Dục, khiến anh quyết định xách ba lô, mang theo cuốn nhật ký và chiếc áo khoác da từ Ý quay trở lại nước Séc.
Tại đất nước mà Dục đã biết tiếng, đã quen nếp sinh hoạt cũng như có nhiều năm gắn bó, anh bắt đầu khởi nghiệp. Trong giai đoạn tay trắng ấy, Dục trải qua rất nhiều nghề lao động chân tay, việc gì cũng làm, miễn có thể kiếm tiền theo cách chân chính. Đến những năm đầu thế kỷ XX, khi đã có một số vốn nhất định, anh quyết định thành lập công ty, đầu tư vào lĩnh vực khai vật liệu xây dựng. Nguyễn Bá Dục có một nhãn quan làm ăn tinh tường. Trước mỗi một dự án, anh đều có những kế hoạch và chiến lược rõ ràng. Bởi thế, gần 2 thập niên lăn lộn trong lĩnh vực khai thác cát, Nguyễn Văn Dục đã có trong tay một gia tài, với 16 mỏ khai thác cát trải dọc trên toàn CH Séc. Doanh nghiệp của anh hiện cung cấp ¾ lượng cát cho thủ đô Praha và 1/3 lượng cát cho toàn nước Séc.
Trên các công trường của anh Dục, những chiếc máy hút cát rửa cát, phân loại cát trị giá hàng trăm triệu EURO hoạt động gần như suốt ngày đêm. Điều đặc biệt, là trong quá trình khai thác, cũng như khi đã khai thác xong, Công ty của anh Nguyễn Văn Dục luôn chú trọng đến vấn đề bảo vệ và cải tạo môi trường, để biến những công trường khai thác cát thành vùng du lịch sinh thái.
Một trong những máy hút cát của anh Dục.
Trước khi đặt máy hút cát ở mỗi một địa điểm nào đó, lớp đất màu mỡ phía trên sẽ được gạt ra, tập kết riêng tại nơi quy định. Lớp đất ấy, theo anh Dục, có giá trị quý hơn vàng. Đất màu sẽ được dùng để cung cấp cho các địa phương, hoặc hộ gia đình muốn cải tạo đất canh tác nông nghiệp. Cát hút lên sẽ tạo thành những hố sâu. Ở mỗi hố khai thác, những ta luy vững chắc được dựng lên nhằm tránh sạt lở đất. Mỗi công trình khai thác xong, người ta lại thấy xuất hiện những hồ nước trong xanh, được thả đầy cả, có tác dụng điều hòa không khí. Anh Dục chỉ cho chúng tôi những cánh rừng mà doanh nghiệp của anh trồng lại bên trên các công trường khai thác cát. Những đồi thông, đồi sồi xanh ngút tầm nhìn đem đến cho người ta cảm giác an lành của môi trường tái sinh, của sự phát triển công nghiệp mang tính bền vững.
Khi Nguyễn Văn Dục khởi nghiệp thành công, Lê Đình Bính cũng bắt đầu rời đường phố. Sau bao sóng gió, Bính dường như đã hiểu, con đường cũ mà anh đi không an toàn cho bản thân anh, và không được xã hội chấp nhận. Anh quyết định làm lại cuộc đời. Cơ duyên đưa anh đến với nghề chế biến vịt- thứ thực phẩm cực kỳ thân thuộc của người Việt Nam. Cách Berlin hơn 100km, chúng tôi băng qua những cánh đồng xanh bát ngát để đến Milower, một làng quê nơi Lê Đình Bính mở cơ sở chế biến vịt của mình. Trong xưởng của anh, có khoảng hơn chục công nhân đều là người Thanh Hóa đang làm việc. Sản phẩm chính của công ty anh Bính là vịt quay. Vịt sống được anh thu mua từ cơ sở giết mổ, sau đó đem về gia công, tẩm ướp, quay chín và bóc tách lấy riêng phần thịt, cấp đông rồi xuất bán cho các nhà hàng, khách sạn trên nhiều nước châu Âu.
Vịt quay – Sản phẩm của công ty anh Lê Đình Bính.
“Mỗi ngày có khoảng 20.000 người trên khắp châu Âu sử dụng sản phẩm thịt vịt của công ty tôi”, Lê Đình Bính tự hào nói. Người đàn ông vóc dáng nhỏ bé ấy chưa dừng tham vọng tại đó. Cách Milower khoảng hơn 100 Km nữa, ở Neutrebbin, có cơ sở sản xuất Vịt quay mới mà Lê Đình Bính đang xây dựng. Anh mua lại một phân xưởng sản xuất vịt quay của người Đức, với chiếc máy chế biến Vịt quay được thiết kế duy nhất trên toàn nước Đức. Khi phân xưởng đi vào hoạt động, sản lượng vịt xuất bán của công ty anh có thể lên đến trên 15 tấn/ ngày, gấp đôi sản lượng hiện tại. Ngoài ra, Lê Đình Bính đã hoàn thiện một trung tâm mua sắm mà anh mới dựng lên tại trung tâm thành phố Berlin, cách Trung tâm thương mại Đồng Xuân không xa. Trung tâm ấy khi đi vào hoạt động, hứa hẹn sẽ trở thành một trong những trung tâm thương mại lớn nhất của người Việt giữa lòng nước Đức. Lê Đình Bính bây giờ là một doanh nhân thành đạt, hoàn thành mọi nghĩa vũ nộp thuế, trở thành một công dân tốt mà nước Đức ghi nhận và trân trọng.
Toàn cảnh cơ sở sản xuất của anh Lê Đình Bính.
Hàng chục ngàn người con xứ Thanh trên khắp Đông Âu, như anh Bính và anh Dục đã quyết định ở lại xứ người sau quá trình hợp tác lao động- một quyết định chắc hẳn rất khó khăn. Họ đều đã đi qua gian khó, nhọc nhằn và cay đắng. Không phải ai cũng thành công. Nhưng tất cả họ đều đáng được ghi nhận bởi nỗ lực vượt khó đi lên từ hai bàn tay trắng, nơi xứ người lạ xa, với bao khó khăn vây bủa xung quanh.
Trong văn phòng làm việc của Nguyễn Văn Dục ở Praha, có hai cây chuối mang từ Việt Nam sang. Anh hy vọng chúng có thể phát triển ở xứ lạnh như cộng hòa Séc. Cất công mang cây chuối lên chuyến bay gần 10000 km, mục đích của Nguyễn Văn Dục không có gì khác, là vơi đi nỗi nhớ quê hương. Hiện nay, anh Dục có một số dự án đầu tư về Việt Nam, trong đó có trại cá cảnh tại Thành phố Hồ Chí Minh, mỏ đá tại Yên Bái và Tĩnh Gia Thanh Hóa… Trại cá cảnh của anh được xem là một trong những trại cá lớn nhất trên thế giới. Mẫu đá ở Yên Bái, Tĩnh Gia anh cũng đã đem sang nước Séc để giới thiệu mặt hàng. Những dự định tương lai của Nguyễn Văn Dục còn rất lớn và rất xa…
Một góc trại cá cảnh của anh Nguyễn Văn Dục tại Thành phố Hồ Chí Minh.
Lê Đình Bính chưa có dự án nào cụ thể về Việt Nam, nhưng cơ sở sản xuất Vịt quay của anh đang nuôi sống mấy chục hộ gia đình người Thanh Hóa trên đất Đức. Tại hội đồng hương Thanh Hóa khu vực Berlin và vùng lân cận, nơi Lê Đình Bính làm hội viên, anh luôn được xem là một trong những Mạnh Thường Quân rộng lòng đối với hoạt động của cộng đồng người xứ Thanh.
“Quê hương là chùm khế ngọt”
Cả anh Dục và anh Bính đều không nói ra câu nói ấy. Nhưng họ vẫn giữ giọng nói đặc trưng của người xứ Thanh dù đã bôn ba nhiều thập niên nơi đất khách quê người. Tiếng nói là điều gì đó rất thiêng liêng. Nó cho ta biết nguồn cội (và xa hơn là tâm hồn, bản chất) của mỗi con người. Người xứ Thanh quen ăn sóng nói gió, giọng nói âm vang như tiếng gầm của dòng Mã Giang hay của sóng nước duyên hải chồm bãi cát. Anh Dục, anh Bính và hàng ngàn người con xứ Thanh giữ tiếng nói của quê mình nơi trời Tây là để có động lực vươn lên khẳng định mình, cũng là để gìn giữ những giá trị văn hóa truyền thống của mảnh đất địa linh nhân kiệt giữa lòng châu Âu xa hoa, tráng lệ…