Đi theo trào lưu bỏ phố về vùng ven, không ít “nhà giàu” bỏ hàng chục tỷ để mua đất, đầu tư xây homestay với giấc mơ “vừa có khu nghỉ dưỡng cuối tuần, vừa có cỗ máy in tiền đều đặn”. Thế nhưng, sau nhiều năm theo đuổi trào lưu này, không ít chủ homestay đang ngậm đắng vì khoản lỗ.
Dù mùa hè đã tới và dù bỏ ra hàng chục triệu đồng để chạy quảng cáo trên nền tảng mạng xã hội và trang diễn đàn quảng cáo phòng, nhưng homestay của chị M. (chủ homestay tại Hoà Bình) luôn trong tình trạng vắng khách. Thu không đủ bù chi là tình trạng diễn ra trong vòng hơn 3 năm trở lại đây. Năm 2019, vợ chồng chị M. đầu tư hơn 10 tỷ đồng để mua mảnh đất rộng hơn 2000m2 ở Hoà Bình, xây homestay.
Theo kế hoạch định ra, vợ chồng chị M. đều muốn có đưa gia đình đến nghỉ dưỡng vào cuối tuần, hay dịp hè. Trong thời gian không sử dụng đến homestay, chị tính toán cho thuê, với mức giá trung bình 500-800.000 đồng/phòng.
Đến năm 2020-2021, dịch Covid-19 bùng phát, hoạt động kinh doanh của homestay luôn trong tình trạng lỗ chồng lỗ. Ngoài chi phí xây dựng, do làm việc và sống tại Hà Nội, vợ chồng chị M. phải chi tiền để thuê người dọn và bảo dưỡng homestay.
Đến năm 2022-2023, hoạt động kinh doanh cũng không có nhiều tín hiệu khả quan. Nhất là năm 2023, dù đã chạy quảng cáo, nhưng tỷ lệ lấp đầy phòng vẫn thấp. Trung bình mỗi tháng, vợ chồng chị M. phải bỏ ra gần 20 triệu đồng để “nuôi” homestay, trong khi nguồn doanh thu từ cho thuê phòng thu về như nước nhỏ giọt.
Rơi vào tình cảnh tương tự, anh T. (chủ khu nghỉ dưỡng quy mô gần 3000m2 ở khu vực Thạch Thất, Hà Nội) đang chấp nhận bù lỗ. Trước đó, anh dự tính chỉ cho khách đoàn thuê, để đảm bảo khâu cung cấp dịch vụ đảm bảo cho khách cũng như thu trọn khoản tiền lớn. Thời gian đầu mới mở homestay, nhờ bạn bè, người thân ủng hộ, khu nghỉ dưỡng của anh luôn trong tình trạng lấp đầy. Nhưng đến năm 2023, nhiều thời điểm, dù là cuối tuần, anh buộc phải cho khách thuê lẻ.
Với 8 phòng nghỉ, giá trung bình 800.000 đồng/ đêm. Trung bình cuối tuần, nếu lấp đầy các phòng, anh T. thu về khoảng 10 – 12 triệu đồng. Tuy nhiên, nếu trừ chi phí thuê người chạy quảng cáo, nhân viên phục vụ dọn phòng, nhân viên giám sát khu nghỉ dưỡng hỗ trợ khách sử dụng dịch vụ trong nội khu, khoản tiền lợi nhuận ròng mỗi tháng chỉ vài triệu đồng.
Đó là may mắn nếu tháng đó, lượng khách thuê đông. Nhưng nếu tính trừ đi toàn bộ khấu hao vận hành, anh T. xác định lỗ.
Chưa kể, khoản tiền đầu tư khu nghĩ dưỡng sau thời gian ước tính lên tới gần 30 tỷ đồng, bao gồm chi phí mua đất, xây dựng nhà, thiết kế cảnh quan nội khu.
Anh Mạnh (nhà đầu tư, kiêm môi giới bất động sản) cho biết, khoảng 4 năm trở lại đây, homestay ở khu vực như Ba Vì, Thạch Thất, Sóc Sơn (Hà Nội) hay Lương Sơn, Đà Bắc (Hoà Bình) mọc lên như nấm. “Trước đó chúng tôi khảo sát một xã ở huyện Thạch Thất, trung bình khoảng 1km chắc có 1 homestay”, anh Mạnh cho biết.
Theo nhà đầu tư này, mô tuýp chung của homestay mọc lên tự phát đều quảng cáo dựa vào lợi thế thiên nhiên như góc view đẹp, có bể bơi, điểm đốt lửa trại, nướng BBQ… Rất hiếm homestay có dịch vụ hay tiện ích độc đáo.
Nhà đầu tư này thừa nhận, tình trạng vắng khách, ế khách diễn ra ở rất nhiều homestay. “Tôi lựa chọn khảo sát trong tuần và ngày cuối tuần. Gần như ngày trong tuần, các homestay đều vắng bóng người thuê. Còn đến ngày cuối tuần, lượng khách thuê đông hơn nhưng không phải trong tình trạng chật kín phòng. Nhiều chủ homestay kêu lỗ và không đủ sức gồng chi phí. Nếu để không, các tài sản cũng bị hao mòn”.
Anh Mạnh còn tiết lộ thêm rằng, nhiều chủ homestay đang phải rao bán nhưng thực tế, ngay cả khi cắt lỗ, thanh khoản của các khu nghỉ dưỡng này rất thấp.