Siêu dự án khởi công, bất động sản “ăn theo” vẫn đìu hiu  

Ngày 25/6, dự án đầu tư xây dựng đường Vành đai 4 – Vùng Thủ đô dài 112 km, gồm cả đường trên cao, dưới thấp chính thức khởi công đồng loạt tại 6 vị trí thuộc ba địa phương Hà Nội, Bắc Ninh, Hưng Yên.

Tại TP Hà Nội, 4 điểm khởi công gồm vị trí giao cắt giữa Vành đai 4 với quốc lộ 2, thuộc xã Thanh Xuân, huyện Sóc Sơn; giao cắt với đường gom đại lộ Thăng Long, thuộc xã Song Phương, huyện Hoài Đức; giao trục phía nam tại Km45+700, thuộc xã Tam Hưng, huyện Thanh Oai và nút giao với quốc lộ 1A cũ tại Km52+600, thuộc xã Văn Bình, huyện Thường Tín.

Cách đây khoảng 1,5 năm, thông tin về chủ trương đầu tư dự án đã khiến thị trường nhà đất ven khu vực quy hoạch diễn biến sôi động. Giá đất các khu vực “

ăn theo” dự án như Sóc Sơn, Thường Tín, Thanh Oai, Hoài Đức… tăng vọt. Tại huyện Sóc Sơn, giá đất tăng gấp 2-3 lần. Ở huyện Thường Tín có lô được rao bán tới 63 – 84 triệu đồng/m2…

Thế  nhưng, ghi nhận ở thời điểm hiện này, khi dự án chính thức khởi công, bất động sản “ăn theo” dự án lại rơi vào cảnh đìu hiu. Thậm chí nhiều nhà đầu tư chấp nhận cắt lỗ vẫn không có thanh khoản.

Thị trường địa ốc trầm lắng thời gian dài, bất động sản “ăn theo” đường Vành đai 4 cũng rơi vào cảnh ảm đạm (Ảnh: Hồng Khanh) 

Chị Minh Thuỳ (Cầu Giấy, Hà Nội) cho biết, đầu năm 2022, gia đình chị mua một lô đất mặt đường Tây Thăng Long thuộc xã Tân Hội, huyện Đan Phượng để “đón đầu” Vành đai 4 với giá 75 triệu đồng/m2. Nhưng chỉ vài tháng sau thị trường địa ốc rơi vào cảnh trầm lắng. Giữa năm 2022, bất động sản “ăn theo” đường Vành đai 4 cũng rơi vào tình trạng ảm đạm.

“Rao bán lô đất suốt 1 năm qua, chấp nhận giảm giá 10 triệu đồng/m2 nhưng tôi vẫn chưa thể thoát hàng. Vừa qua, dự án chính thức khởi công, nhiều nhà đầu tư hy vọng sẽ tạo lực đẩy cho thị trường quanh dự án được sôi động hơn song làn sóng cắt lỗ cục bộ vẫn diễn ra, thanh khoản ở khu vực này vẫn èo uột” – chị Thuỳ cho biết.

Trên các trang rao bán nhà đất, thông tin các nhà đầu tư rao bán cắt lỗ đất nền khu vực Vành đai 4 xuất hiện ngày càng nhiều.

Ghi nhận của PV VietNamNet tại huyện Mê Linh, một số lô đất ven quốc lộ 23 tại xã Đại Thịnh hiện đang được chào 35 – 45 triệu đồng/m2. Theo môi giới khu vực này, giá hiện nay giảm 10 – 15 triệu đồng/m2 so với thời điểm cuối năm 2021.

Khu vực Yên Nghĩa (Hà Đông), những vị trí hưởng lợi từ đường Vành đai 4 cũng chứng kiến mức giảm đáng kể khi giá đất từ mức dao động 72 triệu đồng/m2 nay xuống khoảng 62 triệu đồng/m2.

Một căn liền kề khu vực này có diện tích 100m2 được rao bán 9,5 tỷ đồng vào năm ngoái, hiện chủ nhà giảm còn 8 tỷ đồng.

“Ăn theo” Vành đai 4, giá đất nền ở các xã Bích Hòa, Cự Khê, Bình Minh, Tam Hưng, Mỹ Hưng… huyện Thanh Oai từng tăng chóng mặt, có nơi tăng gấp đôi thì nay cũng giảm mạnh

.

Tại huyện Hoài Đức, Sóc Sơn giá nhà đất tại các khu vực có đường vành đai 4 – Vùng Thủ đô chạy qua cũng giảm khoảng 15-20%. Chỉ một số lô đất nằm ở mặt đường khu vực trung tâm mức giảm không đáng kể, đi ngang so với trước đó.

Nhà đầu tư có nên xuống tiền? 

Ông Nguyễn Sơn, một môi giới chuyên về bất động sản vùng ven Hà Nội đánh giá, với thông tin khởi công các nút giao đường Vành đai 4, nhiều nhà đầu tư đang kỳ vọng thị trường sẽ hồi sức.

Người dân có tiền đền bù có thể sẽ có xu hướng bỏ tiền ra mua đất để giữ. Tuy nhiên, ông Sơn cho rằng, thời điểm này việc tăng giá hay có “sóng” mạnh khó xảy ra.

 

Giá đất tại xã Cự Khê, huyện Thanh Oai sau thời gian tăng nóng cũng đang hạ nhiệt (Ảnh: Hồng Khanh)

“Nhiều khu vực “ăn theo” dự án Vành đai 4 đã tăng nóng từ cả năm trước. Hiện thị trường bất động sản vẫn khá trầm lắng nên dù có thông tin chính thức khởi công nhưng sóng rao bán, cắt lỗ vẫn tiếp tục diễn ra. Thậm chí có dấu hiệu lan rộng hơn song gần như không có thanh khoản”, ông Sơn cho hay và hy vọng, bất động sản nằm ở khu vực dân cư, nơi đang có sự thay đổi về hạ tầng, giá sẽ tăng lên trong thời gian tới.

Ông Đăng Duy – Giám đốc một sàn giao dịch bất động sản tại Thanh Oai nhìn nhận, biến động giá đất hiện nay chịu tác động bởi nhiều lý do, như sự bùng nổ hạ tầng, công bố quy hoạch, hình thành các dự án mới, chỉnh trang đô thị, đầu cơ tích trữ đất đai…

Ông Duy chỉ ra, những cơn sốt đất trong thời gian qua diễn ra ở những khu vực có thông tin quy hoạch hay đang triển khai đầu tư hạ tầng. Tuy nhiên, tình trạng này qua nhanh khiến nhiều nhà đầu tư “mắc cạn”.

“Đầu tư “ăn” theo quy hoạch hạ tầng là cách đầu tư được ưa chuộng lâu nay bởi lợi ích mà nó mang lại rất lớn. Dù vậy, đối với dự án Vành đai 4, câu chuyện sốt đất không còn “ăn” theo hạ tầng là bức tranh chung của thị trường bất động sản hiện nay. Nhà đầu tư cần cân nhắc, nhất là khi sử dụng đòn bẩy tài chính bởi không phải nhà đầu tư nào cũng đủ sức “ăn” theo” – ông Duy nhận định.