Nguyễn Văn Thịnh sinh ngày 14/2/1964 tại thôn Xuân Dục, xã Xuân Ninh, huyện Quảng Ninh, tỉnh Quảng Bình. Anh sinh trưởng trong một gia đình làm nghề chài lưới. Thịnh là con thứ chín trong gia đình có mười một anh chị em. Cuộc sống gia đình anh nghèo khổ, lênh đênh, bất định, nay đây mai đó trên sông nước.
Cho đến năm 1955, khi Nhà nước thực hiện chính sách cải cách ruộng đất, gia đình anh được chia ruộng, cả nhà kéo nhau lên bờ sinh cơ, lập nghiệp. Thật không may, tháng 7/1967, một quả bom Mỹ đã ném trúng nhà, khiến ba anh chị em và một người họ hàng của anh thiệt mạng. Lúc đó, Thịnh mới 3 tuổi.
Anh Nguyễn Văn Thịnh (Ảnh: VTV)
Năm Thịnh lên 7 tuổi, các chị đều đi lập gia đình, bố thì thường phải đi làm xa, chỉ còn anh và cậu em út ở nhà với mẹ. Mẹ thì đau yếu triền miên, nên Thịnh cũng phải gánh vác các công việc cày, cuốc, chăn trâu, chăn bò.
Tuy nhiên cũng nhờ đó mà năm lên 11 tuổi, anh đã tự lập và có thể tự nuôi sống bản thân. Hàng ngày, ngoài giờ học văn hóa, Thịnh giúp đỡ mẹ việc đồng áng và chài lưới để kiếm mớ tôm, mớ cá bán lấy tiền phụ giúp gia đình.
Năm 1984, Thịnh đi lính. Năm 1990 anh về phục viên và lập gia đình tại quê hương. Một thời gian sau, hai vợ chồng anh được bố mẹ cho ra ăn riêng.
Hai người quyết định mở một cửa hiệu may nhỏ, nhưng dù chăm chỉ làm ăn họ vẫn nghèo. Với quyết tâm thay đổi số phận, Thịnh ôm mộng đi buôn.
Thịnh khởi nghiệp với nghề bán kem, do công việc cần ít vốn. Anh vay mượn gia đình, mua hai thùng kem để hành nghề. Hàng ngày, anh đi vào sâu trong vùng bà con dân tộc Vân kiều để bán. Đoạn đường rừng vừa đi vừa về dài khoảng 70km, có lúc anh đạp xe, có đoạn đi nhờ xe chở gỗ, cũng có nhiều đoạn phải xuống gánh bộ.
Thịnh không chỉ bán mà còn dùng kem để đổi sợi thuốc lá, sắt vụn, đồng nát. Để cạnh tranh với những người bán kem khác, Thịnh đã nghĩ ra một chiêu thức quảng cáo khá thú vị. Anh đóng vai một chú hề, kèm theo lời rao dí dỏm: ”Ai tươi mát đây, tươi mát đây.”
Có lẽ vì những yếu tố mới lạ này nên bà con thường hay mua kem của Thịnh hơn. Anh bán hàng rất chạy, lại đổi được nhiều sản vật quý.
Một năm trời làm ăn chăm chỉ và cần mẫn, Thịnh đã dành dụm được chút vốn liếng. Nhưng anh vẫn chưa giàu và giấc mơ đổi đời vẫn còn nguyên đó.
Vượt lên số phận
Năm 1998, Thịnh theo chân một người bà con sang Hungary làm ăn và khởi nghiệp lại ở đây, bằng vốn vay 1.000 USD của người chị vợ. Hàng ngày, anh lấy quần áo ở đầu chợ rồi mang xuống cuối chợ bán.
Ngày đầu tiên anh kiếm được 2.000 Forint tiền lãi (tương đương với 15 USD). Số tiền đó bằng một ngày làm công của 5 người thợ xây ở quê. Thịnh mừng lắm, nhưng chỉ một thời gian ngắn sau, anh đã nhận ra rằng cuộc sống ở trời Tây không hề đơn giản, nhiều lúc còn vất vả, cực khổ hơn ở quê.
Buôn bán lúc được, lúc mất, không trường vốn kinh doanh, khí hậu khắc nghiệt, không biết ngoại ngữ, gia đình ở xa, nhờ vả anh em thì cũng có hạn, tiền bạc không có, nhiều khi Thịnh chỉ dám mua mấy thứ đồ ăn mà người dân ở đó không thèm ăn như đầu gà, chân gà, còn lại thì ăn mỳ tôm trừ bữa…
Những ngày tháng ấy đầy khổ cực, tủi hờn, nhưng không thể hạ gục được người đàn ông từng trải như anh.
Không giống nhiều người khác từng “đi Tây,” Thịnh là một trường hợp điển hình về việc không cam chịu số phận.
Sau khi tạm ổn định ở nơi đất khách, anh tiếp tục vay mượn số tiền 15.000 USD, mua một kiốt bán hàng rộng 4m2. Sau đó anh chăm chỉ đi làm sớm về khuya, nhanh chóng có nhiều khách hàng thân thiết và trả hết nợ sau 3 năm.
Năm 2005, sau 7 năm sống ở xứ người, Thịnh quyết định mở rộng quy mô kinh doanh, thành lập Công ty Trách nhiệm hữu hạn TTEURO-KFT, chuyên kinh doanh đồ gia dụng gia đình nhập khẩu từ Trung Quốc.
Công việc làm ăn ngày càng phát đạt, anh tiếp tục thuê thêm 3 cửa hàng nữa, một cái rộng 140m2, hai cái còn lại lần lượt 120m2, 500m2 và một tổng kho.
Thịnh tuyển thêm hàng chục nhân viên, cho người sang Trung Quốc học nghiệp vụ sau đó về Hungary học tiếng rồi bố trí vào những vị trí phù hợp.
Mỗi trường hợp như thế, công ty anh đều phải tạo mọi điều kiện, từ chuyện việc làm, mức lương ổn định, đóng thuế, tài khoản tiết kiệm, mua nhà, nhập quốc tịch… để giúp các nhân viên an cư, lập nghiệp.
Do đã từng trải và thấu hiểu sự cùng cực nơi xứ người nên anh luôn hết lòng chỉ bảo, dạy dỗ, lo toan cho các nhân viên như con cái của mình. Anh đã giúp đỡ họ từng bước hiện thực hóa giấc mơ trên đất khách.
Hiện nay, TTEURO-KFT đã liên kết với rất nhiều đại lý ở Hungary, Cộng hòa Séc, Áo, Ukraine, Romania… và là một trong những công ty kinh doanh đồ gia dụng xuyên quốc gia, đứng tốp đầu tại khu Trung tâm thương mại 25 ở Budapets.
Ông Béni Mihály, giám đốc công ty Kambiel Kft, đối tác lâu năm của Thịnh chia sẻ: ”Trước đây, tôi từ một người làm công, với hai bàn tay trắng, dưới sự giúp đỡ và dìu dắt của anh Thịnh nay tôi đã sở hữu một tài sản mà trước đấy dù có mơ cũng không thấy. Có thể người khác chỉ nhếch mép cười khi biết trị giá khối tài sản vài ba triệu USD mà tôi có. Nhưng với tôi, ngoài giá trị có thể đo đếm được còn có một thứ khác, một thứ không thể tính bằng tiền mặt. Đó là tình cảm anh em đồng chí mà chúng tôi đã dành cho nhau. Tôi rất tự hào và hãnh diện khi hợp tác với công ty và biết anh Thịnh cùng gia đình đã coi Hungary là Tổ quốc thứ hai của mình.”
Trong vòng 5 năm tới, Thịnh dự kiến sẽ phát triển công ty trở thành tập đoàn, đồng thời, hoạch định chiến lược vươn ra một số thị trường tiềm năng ngoài châu Âu.
Đặc biệt, anh đang chú trọng vào việc nâng cao chất lượng đội ngũ nhân viên, tuyển mộ thêm những nhân viên có trình độ cao tại Hungary và Việt Nam. Ngoài ra, anh cũng dự định đưa hai người con trai đi du học tại Trung Quốc, để chuẩn bị cho thế hệ kế cận.
”Tôi không vội vàng. Tôi làm từng bước một. Ngày xưa, tôi đâu có ngờ là mình sẽ sang Tây. Sang Tây rồi tôi cũng đâu có ngờ là mình sẽ có được một công ty buôn bán đa quốc gia, có được một đội quân như thế này…,” anh chia sẻ.
Khi được hỏi bí kíp thành công là gì, Thịnh nói rằng đó là “sự cần cù, chịu khó và phải luôn luôn thật thà, uy tín với khách hàng.”
Ngoài ra, người doanh nhân phải làm sao để trong lòng khách hàng luôn có ”hình bóng” của đơn vị mình, phải tạo ra mối nhân duyên và tình cảm sâu sắc với khách hàng.
Đi thật xa để trở về
Giống như nhiều người Việt thành công khác, Thịnh ”đi là để trở về.” Việc ”trở về” của anh, không chỉ là đóng góp, ủng hộ tiền bạc cho địa phương để xây dựng các công trình công cộng như đường xá, nhà văn hóa, cổng trào… hay quyên góp ủng hộ đồng bào nghèo, lũ lụt… hay đầu tư tiền bạc để xây dựng khu sinh thái gia đình, mà còn là việc ”nhìn lại” và sửa chữa những sai lầm.
Thịnh tâm sự, ngày còn ở quê, anh đã phá cả một quả đồi tự nhiên (được nhà nước giao khoán) để trồng bạch đàn. Nay anh mới hiểu ra rằng đó là việc làm sai lầm. Anh đã quyết định cắt bỏ toàn bộ rừng bạch đàn và tái tạo lại thành rừng tự nhiên.
Bên cạnh đó, anh cho xây ba quả núi tại khu sinh thái gia đình, xây dựng các công trình kiến trúc Á-Âu và xây dựng lâu đài theo phong cách kiến trúc châu Âu. Anh chia sẻ: ”Đây là công trình tâm huyết của tôi, để tôi có thể đón tiếp bạn bè lúc tuổi già.”
Ở Hungary, Thịnh cũng nổi tiếng là người luôn giúp đỡ tận tình các đoàn Việt Nam sang nước bạn công tác.
Ông Phạm Ngọc Chu (Chủ tịch Hội doanh nghiệp Việt Nam tại Hungary), chia sẻ: ”Công ty TTEURO-KFT là thành viên của Hội doanh nghiệp Việt Nam tại Hungary. Ông Nguyễn Văn Thịnh đã có nhiều đóng góp quan trọng cho sự lớn mạnh của Hội, là nhân tố tích cực trong các hoạt động của Hội, cộng đồng Việt tại Hungary và nước ngoài. Ông Thịnh xứng đáng là hạt nhân tiên tiến, thành đạt trong cộng đồng Việt Nam tại Hungary.”
Hai mươi năm lao động xa xứ, với đức tính cần cù, chịu khó, chân thành và có chiến lược kinh doanh khác biệt đã giúp Thịnh, từ một anh chàng bán kem ở vùng núi nghèo trở thành một doanh nhân thành đạt tại Hungary.
TTEURO-KFT hiện là một trong những công ty kinh doanh hàng gia dụng xuyên quốc gia, thuộc tốp đầu của Khu Trung tâm thương mại 25.
Có thể nói rằng, giám đốc Nguyễn Văn Thịnh là một trong những hình ảnh tiêu biểu của người Việt Nam hiện đại ở nước ngoài./.