Thuở mới lập gia đình, một ngày của anh Nguyễn Viết Tuấn bắt đầu bằng rượu, luôn say khướt vào giữa buổi sáng và đầu chiều, nhưng nay đã khác.
Chiều một ngày đầu tháng 3, trang trại rộng một ha của gia đình anh Tuấn, 40 tuổi, trú xã Hương Thủy, huyện Hương Khê, phảng phất mùi hoa bưởi Phúc Trạch, xung quanh là một số cây ăn quả khác như cam bù, cam chanh mọc xen kẽ theo hàng lối, ở giữa vườn là căn nhà gỗ kiên cố. Năm 2008, khi anh Tuấn lấy vợ và ra ở riêng, nơi đây là khu vườn tạp, cây dại mọc cao hơn một mét, chỉ có căn nhà tạm rộng 20 m2 quây bằng những tấm bạt nằm lọt thỏm.
Cùng năm, vợ anh, chị Nguyễn Thị Long, sinh con trai đầu. Anh Tuấn thỉnh thoảng đi núi làm thuê, đào hố trồng cây cao su cho người dân trong xã, thu nhập một ngày 75.000 đồng. Số tiền công này không đủ để anh uống rượu nên chị Long phải làm thêm nhiều việc khác để nuôi con, lo chi phí sinh hoạt.
Năm năm đầu sau khi lập gia đình, một ngày mới của anh Tuấn luôn bắt đầu bằng rượu. Chủ quán tạp hóa nhỏ trong thôn đã nhẵn mặt anh, bởi đầu giờ sáng chưa mở hàng đã gặp vị khách “lè nhè” đến hỏi thăm. “Khi thì ngồi uống một mạch tại quán với một vài người bạn, lúc thì đưa về nhà. Một ngày tôi uống hai chai, mỗi chai hơn nửa lít. Buổi sáng 8h là say khướt, tỉnh dậy được vài chục phút để ăn trưa, xong rồi lại say tiếp lúc 13h cùng ngày”, anh Tuấn kể.
Luôn đắm chìm trong hơi men, vợ nói gì anh Tuấn cũng mặc kệ. Năm 2010, một lần say rượu ngã xe bị thương gãy xương vai, tỉnh dậy trong bệnh viện nhìn vợ con đứng bên khóc, anh hứa cai rượu, “thề sau hôm nay không đụng đến một giọt”. Tuy nhiên, khi lành bệnh, nhiều lần đi làm về chị Long lại thấy chồng nằm bẹp trên giường, hơi men nồng nặc khắp nhà.
“Tiền làm ra không đủ mua rượu, tôi thường ra quán mua nợ. Rượu vào thì lời ra, ngoài tiền rượu thì còn nợ luôn cả thẻ điện thoại. Số nợ cho hai khoản trên trong khoảng 5 năm lên đến hàng chục triệu đồng. Lúc say, tôi buôn điện thoại hàng tiếng với bạn bè, có hôm họ tắt máy rồi mà điện thoại mình vẫn còn để vậy không tắt. Tỉnh dậy không còn nhớ ra đã nói gì”, anh Tuấn nhớ lại.
Năm 2012, sau khi sinh con thứ hai, quá khổ tâm trước cuộc sống thiếu thốn, chồng rượu chè bê tha, chị Long đã viết đơn ly hôn gửi lên tòa án. Ban đầu bố mẹ chị biết chuyện phản đối, nói nên nghĩ đến hai con nhỏ. Tuy nhiên, sau thời gian dài thấy con rể “không thể sửa”, ông bà chấp nhận cho con gái “làm lại”. Nhưng khi chính quyền đến hòa giải, chị Long đã rút đơn với hy vọng nhỏ nhoi chồng sẽ thức tỉnh. Một lần tha thứ nhưng thấy anh Tuấn không lay chuyển tâm ý, chị gửi hai con lại cho bên ngoại, vào miền Nam làm thuê một thời gian.
Sống cảnh không vợ con, nhiều lúc tỉnh rượu giữa đêm, nhìn ra khu vườn trống với cây bụi bao phủ, chỉ nghe thấy tiếng côn trùng kêu, anh Tuấn có lúc suy nghĩ “hay là mình sẽ cải tạo vườn tược trồng cây ăn quả, chăn nuôi thêm gia súc, gia cầm để cải thiện sinh kế”. Nhưng ý nghĩ thoáng qua đó đến sáng hôm sau đã mất hút khi anh tìm đến rượu. Bước ngoặt đến vào năm 2013, khi chính quyền xã Hương Thủy có phong trào phát động người dân phá bỏ vườn tạp, phát triển kinh tế vườn. “Anh sẽ thay đổi. Mong em tin, chỉ lần này nữa thôi”, anh Tuấn nhớ lại cuộc điện thoại thuyết phục vợ từ miền Nam về quê.
Cưới nhau nhiều năm nhưng không hề có một đồng vốn tích lũy, vợ chồng anh Tuấn bắt đầu cuộc hồi sinh đồi hoang bằng 50 gốc bưởi Phúc Trạch do mình tự chiết cành và xin thêm của họ hàng. Các bụi cây dại cao gần lút đầu người, hàng ngày anh Tuấn thức dậy sớm dùng dao phát quang, sau đó cùng vợ dùng cuốc đào hố trồng cây. Tiền phân bón và các chi phí liên quan đều nợ.
Thời gian đầu bỏ rượu, anh Tuấn mô tả bản thân như người mất hồn. “Những lúc đói bụng là thèm vô cùng. Nhìn từ vườn sang thấy hàng xóm đang xây công trình, rượu để cả chai giữa sân, mồi ngon nhiều, tôi phải nghiến răng để cơn thèm chóng qua”, anh Tuấn kể. Những lúc như vậy, anh vác cuốc ra làm vườn. Có những hôm làm việc miệt mài, vợ gọi về ăn trưa cũng không muốn, vì sợ trong lúc ăn không làm chủ được bản thân lại mua rượu về uống. Sau một năm, anh Tuấn đã từ bỏ được “ma men”, thấy rượu hoặc nước ngọt có ga cũng sợ.
Ngoài trồng cây ăn quả, vợ chồng anh Tuấn tận dụng vườn rộng để nuôi nhiều gà, lợn, trâu, bò. Hàng tháng họ bán để lấy tiền trang trải, lo cho con cái ăn học. Anh Tuấn áp dụng chiến lược “lấy ngắn nuôi dài, mèo nhỏ bắt chuột nhỏ”, không có tiền mua cây giống thì anh tự chiết cành cây cam, bưởi trong vườn để trồng. Khi tích lũy được ít vốn thì mua thêm vài chục cây, con giống tốt dự trữ, số tiền còn lại anh đem trả những khoản nợ nần rượu chè trước đây.
Năm 2016, 50 gốc bưởi Phúc Trạch cho thu hoạch lứa đầu tiên, thu về 52 triệu đồng. Cầm khoản tiền lớn nhất từ sau ngày kết hôn, anh Tuấn nói với vợ: “Bố đã bỏ lỡ rất nhiều thời gian, đáng lẽ ra cuộc sống mình sẽ khác hơn”. Chị Long nghe xong quay mặt vào tường cười mỉm. Thanh toán hết nợ ngày xưa, anh Tuấn mua một chiếc xe máy để tiện bề đi lại, mua vật liệu dựng ngôi nhà gỗ mới, căn nhà cũ rộng 20 m2 bên cạnh được giữ lại cải hoán làm phòng bếp.
Nhờ áp dụng thâm canh, xen canh, lấy ngắn nuôi dài, đến nay vườn đồi rộng một ha ở thôn 7 đã được phủ bởi hàng nghìn gốc bưởi Phúc Trạch, các loại cam bù, chanh, sành… Cách nhà chính một km, anh Tuấn còn trang trại rộng gần một ha khác, cũng do bố mẹ để lại, đang trồng 400 gốc bưởi. Các loại cây cho quả xen kẽ trong 9-10 tháng, một năm vợ chồng thu về khoảng 200 triệu đồng.
Chị Long tâm sự, nay kinh tế tạm ổn, không còn nghèo xơ xác như xưa, hai con đầu luôn chăm ngoan, học tốt. Gia đình chuẩn bị đón thêm thành viên mới. Vợ chồng chị dự tính dồn tiền phủ xanh hết một ha trang trại trống còn lại. Anh Tuấn từ chỗ ngày nào cũng chìm trong rượu, nay một buổi luôn dành 4-5 tiếng chăm sóc vườn tược. “Anh ấy luôn tránh xa các buổi tụ tập. Thỉnh thoảng có tiệc cưới hoặc đám giỗ, tôi ép lắm mới đi, song cũng chỉ ngồi mâm phụ nữ để tránh khỏi bị chúc rượu”, chị Long nói.
Ông Đỗ Công Anh, Phó chủ tịch UBND xã Hương Thủy, cho hay hàng chục năm trước, khi chị Long gửi đơn ly hôn, ông đại diện chính quyền đến hòa giải, và có niềm tin anh Tuấn sẽ bỏ rượu. “Dù mức thu nhập hiện tại của họ từ trang trại hoa quả và chăn nuôi của vợ chồng anh Tuấn chưa phải là nhiều so với nhiều hộ dân khác trong xã, nỗ lực vươn lên cải thiện kinh tế từ con số không của họ là rất đáng ghi nhận”, ông Công Anh nói.