Những người có điều kiện nhưng vẫn tìm mọi cách tranh mua nhà ở xã hội là thất đức và cần phải bị xử lý về mặt pháp luật.
Nhà ở xã hội ra đời với mục đích cung cấp ngôi nhà giá rẻ cho những người trong danh sách ưu tiên như công chức nhà nước, người có thu nhập thấp phải ở nhà thuê, hoặc gặp các vấn đề về tài chính trong thuê nhà. Qua đó giúp họ an tâm hơn về sự nghiệp, ổn định và cống hiến cho công việc.
Nói một cách ngắn gọn, nhà ở xã hội là giấc mơ đối với những người có thu nhập thấp.
Thế nhưng hiện nay có không ít trường hợp những người khá giả vẫn tìm mọi cách để sở hữu được một ngôi nhà thuộc diện nhà ở xã hội. Họ có ở những ngôi nhà đó không? Lẽ dĩ nhiên là không, bởi lẽ, mục đích chính của họ không phải là mua để ở. Họ có dư điều kiện để ở những nơi rộng rãi, thoáng đãng hơn.
Vậy những người có điều kiện tranh mua nhà xã hội làm gì? Họ mua với mục đích trao đi bán lại để hưởng chênh lệch. Họ cướp mất giấc mơ của những người có thu nhập thấp chỉ để thỏa mãn lòng tham của chính mình.
Người xưa vẫn có câu “an cư thì mới lạc nghiệp”. Một ngôi nhà, không chỉ đơn giản là chốn đi về mà với rất nhiều người, đó giấc mơ về một cuộc sống ổn định, một cuộc sống bình yên. Có ngôi nhà, họ sẽ không còn cảm giác bấp bênh, lo sợ. Con cái của họ có cơ hội được đến trường, vui chơi cùng bạn bè. Bố mẹ của họ có thể cơ hội có được chút bình yên hiếm hoi trong những lúc tuổi cao sức yếu. Còn bản thân họ, cũng có thể ngả lưng một chút nghỉ ngơi, sau những ngày bán sức lao động ở ngoài đường.
Một chốn đi về là ước mơ của hàng triệu, hàng triệu con người. Đối với những người có thu nhập thấp, ước mơ ấy càng mạnh mẽ hơn.
Và nếu nhà nước không đưa ra chính sách nhà ở xã hội, có lẽ giấc mơ về một chốn đi về của họ sẽ mãi mãi không trở thành hiện thực. Vậy hà cớ gì những người có điều kiện lại tìm mọi cách cướp đi ước mơ chính đáng của những người có thu nhập thấp, chỉ để lấp đầy túi tiền của mình?
Cướp đi ngôi nhà của những người có thu nhập thấp, không chỉ là cướp đi giấc mơ của họ về một chốn đi về, mà còn là cướp đi cơ hội được sống một cách tử tế của họ. Và đó chính là một hành động thất đức.
Hơn nữa, nhà ở xã hội là chính sách của nhà nước. Những quy định về việc xây dựng, về đối tượng được hưởng quyền lợi từ chính sách này đã được quy định một cách rõ ràng, cụ thể trong các văn bản của pháp luật.
Việc người có điều kiện tìm những cách khác nhau để sở hữu một căn nhà ở xã hội không chỉ là một hành vi thất đức mà còn là vi phạm pháp luật. Những con người này cần bị xã hội lên án và bị pháp luật xử lý chính đáng.