“Doanh thu từ 100 đến 120 triệu/tháng, tạo cơ hội việc làm cho gần 30 người, hỗ trợ sinh kế cho người khuyết tật tại 3 tỉnh Bình Phước, Tây Ninh, Đồng Nai” là những con số được xem là “huy chương” cho hành trình vượt lên nghịch cảnh của chàng trai Nguyễn Trung Hậu (38 tuổi, ngụ TPHCM).
6 năm khởi nghiệp, từ những khởi đầu chưa dày dặn kinh nghiệm, Hậu tự hào vì bản thân có thể lăn bánh xe qua những khó khăn, để đạt được kết quả như ngày hôm nay.
“Đôi lần, tôi đã nghĩ đến chuyện tự tử”
Sinh ra trong một gia đình có truyền thống làm nông, Hậu lớn lên bằng lời dặn dò phải luôn tự lập từ bố mẹ.
Năm 5 tuổi, Trung Hậu trải qua cơn sốt bại liệt “thừa sống thiếu chết”. Nằm viện hơn 1 tháng, cơ thể Hậu lạnh dần rồi mất luôn cảm giác. Bố mẹ khóc không thành tiếng, chạy chữa khắp nơi nhưng vẫn nhận được cái lắc đầu từ bác sĩ. Vốn khỏe mạnh từ bé, gia đình bàng hoàng không nghĩ sẽ có ngày, người ta gọi Hậu cái danh “người khuyết tật”.
Thời điểm đó, cũng là lúc Hậu có được những nhận thức đầu tiên về cuộc đời mình. Cậu mặc cảm, tự ti hơn khi nghe lời phán xét, châm chọc của những người bạn đồng trang lứa. Bỏ ngoài tai những lời châm chọc ấy, Hậu quyết tâm phải học thật giỏi để xóa bỏ ánh nhìn không mấy thiện cảm của người xung quanh.
Vào lớp 1 trễ hai năm, Trung Hậu vẫn theo kịp được các bạn học nhỏ hơn. Không những vậy, chàng trai còn liên tục đạt danh hiệu học sinh giỏi suốt 9 năm liền, đậu vào trường cấp 3 chuyên mà nhiều người mơ ước.
Thế nhưng, đến khi bước chân vào giảng đường cấp 3, sức khỏe của Hậu ngày càng đi xuống do phải ngồi học quá lâu. Từ đau cột sống, Hậu bị sỏi thận và nhiều bệnh khác. Chàng trai phải bỏ học nhiều buổi, mất tiết, không kịp chép bài. Thành tích học tập cũng từ đó bị thụt lùi, khác xa với năng lực trước đây.
Hậu cũng gặp không ít khó khăn do cơ sở vật chất của trường chưa đáp ứng được với một người khuyết tật. “Đôi lúc muốn đi vệ sinh, phải nhịn đến đỏ mặt tía tai. Đến lúc chịu không nổi nữa thì mới nói nhỏ với thầy, nhờ thầy bế đi vệ sinh. Cảm giác đó ê chề lắm”, Hậu bộc bạch.
Bất lực, chàng trai sống theo kiểu bất cần và luôn nhìn mọi thứ theo hướng tiêu cực. Tốt nghiệp cấp 3, Hậu được mẹ đưa đến trường đại học đăng ký vào ngành công nghệ thông tin.
Hứng khởi chưa đầy 2 ngày, Hậu nhận được tin từ mẹ rằng bản thân phải nghỉ học.
“Tôi sốc lắm, vì mơ mộng đủ thứ. Mẹ nói vì điều kiện gia đình, bố mẹ không thể đưa tôi đến trường mỗi ngày được nữa. Tôi buồn nhưng phải chấp nhận, rồi cũng nghĩ đến chuyện xấu nhất”, Hậu kể.
Cuộn tròn trong 4 bức tường của căn phòng nhỏ được 1 năm, Hậu một lần nữa bước ra thế giới khi được bố mẹ mua cho máy vi tính. Thời điểm đó, vì yêu thích môn văn, Hậu kết nối với nhiều bạn bè thông qua những bài viết trên blog của mình.
Tình cờ, Hậu biết được Khánh Uyên. Cô gái này đã giúp chàng trai bước sang trang mới cuộc đời, khi bất ngờ bắt xe từ nhà đến thành phố nơi Hậu ở. Sau đó, Uyên đã đăng ký khóa học tiếng Anh cho Hậu.
Có được ngôn ngữ mới, Hậu như vớ được “cần câu”. Từ huyện Củ Chi, Hậu di chuyển lên trung tâm TPHCM nhiều hơn. Cuộc sống cũng trở nên năng động hơn trước.
Tại nhà, chàng trai còn được bạn hướng dẫn cho học nghề sửa máy vi tính. Có tay nghề chỉ sau 4 tháng học, Hậu kiếm được 7 triệu đồng/tuần. Công việc thu nhập cao, lại không đòi hỏi đi lại nhiều nhưng Hậu vẫn canh cánh trong lòng một đam mê khởi nghiệp.
Đưa cà phê kiểu mới đến vùng nông thôn
Cuối năm 2015, một người bạn ngỏ lời mời Hậu đến cùng khởi nghiệp tại xưởng cà phê. Chàng trai lúc đó không ngại ngùng mà gật đầu, mặc cho bố mẹ phản đối vì sợ đường xa bất tiện, Hậu vội xua tay và khẳng định mình sẽ làm được.
Từ đó, cậu đúc kết ra rằng cà phê ngon là như thế nào. Không những vậy, Hậu còn nhận thấy người dân ở quê hương Củ Chi vốn đã quen uống cà phê trộn đậu, với vị đắng ngắt và đặc sệt. Vì vậy, Hậu quyết tâm đưa hương vị cà phê kiểu mới, đúng chuẩn về vùng nông thôn.
Năm 2016, từ những đúc kết khi làm việc trong xưởng cà phê của bạn, Hậu gom hết số tiền tích cóp về lại huyện Củ Chi (TPHCM) để bắt đầu lối đi riêng. Bắt đầu với số vốn 450 triệu đồng, Hậu đầu tư cho 40m2 đất ngay trong sân nhà để mở quán cà phê.
Nhắm đến đối tượng sinh viên, người trẻ, Hậu thành công đạt được doanh thu 5-6 triệu đồng/ngày, giúp chàng trai thu hồi vốn chỉ sau 9 tháng khởi nghiệp.
Song, lúc này có một thương hiệu lớn đến cạnh tranh. Hậu không đỡ kịp và một lần nữa gục ngã khi dịch Covid-19 bùng phát. Không doanh thu nhưng vẫn phải trả lương. Ngày 28 Tết Âm lịch, Hậu vét hết số tiền trong tài khoản để gửi nhân viên về quê ăn Tết. Còn trong túi chỉ còn vỏn vẹn 700.000 đồng khiến cho cậu chỉ nghẹn ngào, cười trừ.
Những tưởng khó khăn sẽ làm chùn bước, nhưng mọi thứ dường như tiếp thêm động lực cho Hậu bước tiếp.
Dịch bệnh lắng xuống, chàng trai tận dụng sàn thương mại điện tử, thói quen mua hàng trực tuyến để phát triển các sản phẩm cà phê. Từ đó, càng có nhiều người biết đến thương hiệu của Hậu hơn. Quá trình sản xuất, phân phối cà phê nguyên chất cũng ngày càng được lan rộng.
Đến nay, Hậu đã điều hành một khu phức hợp bao gồm nhà xưởng, văn phòng, khu lưu trú, nơi làm việc rộng khoảng 1.200m2. Không dừng lại ở đó, 6 tháng trước, Hậu cùng người bạn đời của mình vừa mở một trung tâm Anh ngữ. Tại đây, Hậu cũng chính là giám đốc điều hành của cả trung tâm. Với hành trình vượt qua nghịch cảnh, Hậu cũng được thường xuyên được mời đến các buổi nói chuyện truyền cảm hứng cho cộng đồng.
Đạt được những thứ hôm nay, Hậu vẫn chưa dám nhận bản thân đã thành công. Chàng trai 8X cho hay: “Cuộc sống là một chuỗi những điều không như ý. Chúng ta phải tận hưởng cuộc sống, nếu vui thì hãy vui, còn buồn thì phải mặc định đó là lẽ đương nhiên. Mọi thứ rồi cũng sẽ đâu vào đấy”.