Một cặp vợ chồng về quê xây nhà trên mảnh đất được bố mẹ cho bị nhiều người đánh giá “của không tự làm, không đáng khoe”.
Tuần trước, trong một hội nhóm về chủ đề bỏ phố về quê, tôi thấy một bài viết rất hấp dẫn. Đó là một bài viết chia sẻ quá trình thay đổi cuộc sống của hai vợ chồng trẻ khi thấy ở thành phố không còn hấp dẫn, mua nhà là một việc khó khăn. Nếu muốn có chỗ an cư họ phải hy sinh nhiều niềm vui khác.
Bài viết đó cũng chia sẻ nhiều hình ảnh về ngôi nhà của họ ở quê, mảnh vườn xinh xắn, cây trái sum suê. Tôi mẩn mê đọc hết bài viết thật dài và đúng như dự đoán của tôi, mảnh đất của cặp vợ chồng này được bố mẹ cho.
Ở phía dưới, nhiều người bày tỏ thất vọng: “Tưởng thế nào, nếu được cho một mảnh đất tôi cũng về quê sống như thế”, “Cứ tưởng hai vợ chồng tự bỏ tiền ra mua mảnh đất”, “Không có gì để đáng khoe cả”…
Dù rằng, trong bài viết đã đề cập đến việc họ chỉ được cho riêng một mảnh đất, còn tiền xây nhà là tự dành dụm mà có trong những năm làm việc ở thành phố. Nhìn ngôi nhà ấm cúng của cặp vợ chồng đó, tôi đoán việc xây cất cũng tốn kém nhiều.
Giả sử nếu họ lấy tiền xây nhà đi mua một mảnh đất khác (nếu không được cho), thì tôi tin là với năng lực của họ, vài năm sau cũng sẽ có tiền xây nhà. Chỉ là khi được cho, họ sẽ rút ngắn giai đoạn, có thời gian hưởng thụ cuộc sống sớm hơn mà thôi.
Điều trùng hợp là tôi cũng thấy một bài viết, đại ý nói rằng giới trẻ ngày nay khó mua nhà vì đã bị thế hệ trước giành mua hết rồi. Họ “giành mua” vừa để đầu tư, vừa làm tài sản cho con cái sau này nên khiến đất tăng giá theo từng năm.
Theo tôi, điều này chỉ đúng một phần. Thế hệ trước có của cải tích luỹ, đòn bẩy tài chính cao thì họ chỉ giành mua nhà đất ở chỗ đẹp, vị trí trung tâm để tiện đi lại, hưởng thụ tiện ích. Trong khi đó, dư địa cho thế hệ trẻ vẫn còn, chỉ là ở những vị trí không đẹp, xa trung tâm hơn mà thôi.
Thị trường bất động sản luôn biến động và có sự chuyển đổi liên tục. Việc mua bán nhà đất phụ thuộc vào nhiều yếu tố khác nhau như vị trí, giá cả, tình trạng kinh tế, nhu cầu của khách hàng và sự cạnh tranh giữa các nhà đầu tư.
Có nhiều người mua và giữ nhà đất trong một thời gian dài để làm của cho con cái. Việc này có thể làm cho số lượng nhà đất có sẵn trên thị trường ít hơn, gây ra một số khó khăn cho người mua nhà đất mới.
Tuy nhiên, việc mua nhà đất phụ thuộc lớn vào khả năng tài chính và kế hoạch đầu tư của từng người. Tôi không thấy họ “giành” của ai cả và mong ngày càng có nhiều phụ huynh “xí chỗ” nhà đất cho con cái. Vì như thế, những thế hệ sau sẽ không phải đau đầu vì nhà ở.