Chị Hồng Hiền (ở Hạ Long) đã chi hơn 200 triệu đồng mua khẩn cấp máy phát điện công suất lớn để duy trì hoạt động của điểm lưu trú du lịch.
“Không mua nhanh thì hết hàng”
Sáng đầu tuần, nhà bị cắt điện đột ngột, anh Trần Chiến (31 tuổi, quận Hà Đông) vội lên cơ quan ở quận Hoàn Kiếm để “trốn” nóng.
Tra cứu lịch tạm ngừng cấp điện trên website của Tổng công ty Điện lực TP Hà Nội, anh nhận thấy ngoài khu vực nhà mình, 10 địa điểm khác trên địa bàn quận cũng bị cắt điện luân phiên từ 7h – 16h30, trung bình từ 2 đến 4 tiếng/lần.
“Do đặc thù công việc chủ yếu làm tại nhà, tôi bắt đầu tìm mua quạt tích điện trên các sàn giao dịch thương mại điện tử, cảm giác như… lạc vào ma trận”, anh Chiến nói.
Người đàn ông cho biết quan tâm 3 vấn đề khi mua quạt tích điện: kích thước, dung lượng pin và loại tích điện (pin hoặc ắc-quy). Anh lo ngại nhiều cửa hàng quảng cáo “ảo” 17 – 20 tiếng mỗi lần sử dụng, nhưng thực tế khấu hao một nửa.
Giá cả sản phẩm tăng gấp đôi so với ngày thường cũng khiến anh Chiến “đau đầu”. Mức giá từ 800.000 đồng đã tăng lên 1 triệu đồng, thậm chí 1,6 triệu đồng vẫn “cháy” hàng. Nếu cơ sở sẵn hàng, mức giá còn bị đẩy lên cao hơn nữa.
“Tôi hiểu nhu cầu lớn, cửa hàng phải bù thêm các khoản chi phí như vận chuyển, giao hàng hỏa tốc,… Nhưng cuối cùng, người tiêu dùng
Hôm trước, anh Chiến vừa mua 3 quạt tích điện loại lớn, nhỏ và mini, tổng 3,2 triệu đồng, gửi về cho gia đình ở Thái Bình trước tình trạng mất điện xuyên đêm.
Nhà anh ở quê đã có sẵn hai máy phát điện, nhưng bố mẹ lớn tuổi không biết cách vận hành, lại sợ tiếng ồn ảnh hưởng hàng xóm và lo ngại cháy nổ, nên không sử dụng.
Chị Hà Anh (33 tuổi, huyện Hoài Đức) đã vội vã bỏ ra 2 triệu đồng mua quạt tích điện khi khu vực bị cắt điện liên tục những ngày qua. Tuần trước, cũng với mặt hàng này, một người bạn của chị mua với giá 1,5 triệu đồng.
Khi thắc mắc với người bán về sự chênh lệch 500.000 đồng, chị sửng sốt nghe câu trả lời: “Còn 2 cái, không mua nhanh thì hết”.
“Họ giới thiệu sản phẩm của Đức, “mát lịm”, sử dụng 8 tiếng, có thể gấp gọn, di chuyển dễ dàng. Khắp Hà Nội loại hàng này… cháy khét”, người phụ nữ nói lý do mua hàng nhanh chóng.
Khảo sát của phóng viên Dân trí tại một số cửa hàng, siêu thị điện máy lớn ở Hà Nội, quạt tích điện hiện là mặt hàng “khan hiếm”. Một nhân viên bán hàng tại cơ sở quận Hoàng Mai cho biết đã hết hàng từ chiều 4/6, “hàng về đến đâu bán hết đến đó”.
“Mức giá đa dạng từ 500.000 đồng đến 1,6 triệu đồng, song không còn hàng để bán. Chúng tôi cũng không thể dự báo khi nào có nguồn cung để tư vấn cho khách”, nữ nhân viên cho hay.
Chi hơn 200 triệu đồng mua máy phát điện
Nắng nóng và cắt điện luân phiên cũng khiến thị trường máy phát điện, quạt tích điện tại Quảng Ninh “cháy hàng”. Đây là địa phương đã cắt giảm điện khẩn cấp từ ngày 1/6 với 78/128 đường dây trung áp cấp điện từ Đông Triều đến Đầm Hà. Trong hai ngày 2 và 3/6, lượng điện cắt giảm lần lượt 186MW và 236MW.
22h ngày 2/6, chị Đỗ Hà (29 tuổi) chở bố mẹ đi từ phường Hoành Bồ (TP Hạ Long) ra trung tâm cách nhà 25km để mua quạt tích điện. Do tối muộn, các cửa hàng đều đã đóng cửa, một số nơi thông báo hết hàng. Hết cách, họ đành quay về nhà, mua tạm một chiếc giá 700.000 đồng từ người quen.
“Mất điện đột ngột trong đêm, nhà toàn người già và trẻ nhỏ nên chúng tôi cần mua gấp. Cứ nghe ở đâu có quạt là chúng tôi lại chạy đến mua”, chị nói.
Hôm sau, chị Hà đến cửa hàng điện máy tìm mua thêm quạt tích điện. Khung cảnh mua bán tấp nập, hàng tiêu thụ liên tục. Sau 30 phút, người phụ nữ cũng “tranh giành” được một sản phẩm cỡ lớn, giá 1,5 triệu đồng.
Những ngày qua, TP Hạ Long liên tục cắt điện khiến cuộc sống của gia đình chị Hà đảo lộn hoàn toàn. Trẻ nhỏ quấy khóc, người già thay phiên đến nhà người quen ngủ nhờ.
“Không thể ngủ nhờ mãi, bố tôi đang tìm mua máy phát điện, nhưng lo sợ hàng không tốt, giá cả leo thang”, Hà trăn trở.
Chị Nguyễn Thị Hồng Hiền, chủ một villa và resort ở Bãi Cháy (TP Hạ Long) cho biết đã chi hơn 200 triệu đồng mua khẩn cấp máy phát điện công suất lớn.
Chị lắp đặt hệ thống điện tương thích nhằm đảm bảo hoạt động cho căn villa 9 phòng ngủ với nhiều thiết bị điện như dàn karaoke, điều hòa, ti vi thông minh, bếp, tủ lạnh, lò vi sóng…
Do mất điện xuyên đêm hoặc từ chiều đến sáng hôm sau, chị Hiền phải chạy máy phát điện liên tục, tốn 1 – 2 triệu đồng/ngày chi phí xăng, dầu.
Nhiều khách sạn, nhà nghỉ, nhà hàng khác ở Hạ Long cũng không kịp trở tay, phải chịu cảnh bị khách hàng “bóc phốt”, “tố lừa đảo”, “đòi hoàn tiền”,… Từng trông chờ kinh doanh khởi phát trong mấy tháng hè, nhưng tình trạng mất điện khẩn cấp đã khiến họ rơi vào cảnh lao đao.
“Chúng tôi chấp nhận lỗ để đảm bảo sự hài lòng cho khách hàng”, chị Hiền nói, cho biết thời điểm này, trước khi đặt phòng, khách thường hỏi cơ sở lưu trú có máy phát điện hay không. Nếu có, họ mới yên tâm cọc tiền, còn không sẽ tìm phương án khác.
Trao đổi với phóng viên Dân trí, ông Lê Quang Vũ, Tổng Giám đốc chuỗi siêu thị điện máy MediaMart, cho biết nhu cầu mua quạt tích điện và máy phát điện hiện tăng cao. Thị trường đã xuất hiện tình trạng “cháy” hàng, sức mua tăng mạnh vào cuối tuần khi người dân rảnh rỗi.
“Dòng máy phát điện công suất nhỏ được khách hàng ưa chuộng, doanh thu tăng đột biến so với các năm trước”, ông Vũ nhận định.
Để sử dụng quạt tích điện bền và đẹp, ông khuyến cáo người dân lựa chọn sản phẩm có thương hiệu, nguồn gốc xuất xứ rõ ràng, chế độ bảo hành tốt. Khi sử dụng, khách hàng đặt quạt nơi khô ráo và thoáng mát, sạc điện đúng cách, vệ sinh thiết bị định kỳ.
Tương tự, người tiêu dùng nên mua máy phát điện chính hãng, không sử dụng trong nhà hay không gian kín. Không nối máy phát điện trực tiếp vào ổ cắm trên tường, bảo quản an toàn nhiên liệu của máy, tránh cháy nổ và ô nhiễm môi trường.
Theo dự báo của Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN), việc vận hành hệ thống điện trong các tháng cao điểm nắng nóng (tháng 5, 6 và 7) rất khó khăn. Hệ thống điện miền Bắc đối mặt với tình trạng không đáp ứng phụ tải đỉnh của hệ thống, công suất thiếu hụt lớn nhất khoảng từ 1.600 – 4.900MW.
Để cấp điện cho miền Bắc trong cao điểm nắng nóng, Trung tâm Điều độ Hệ thống điện Quốc gia đã nâng ngưỡng truyền tải công suất trong ngắn hạn lên tới 2.600MVA trên đường dây 500kV theo chiều Nam – Bắc trong một số giờ cao điểm.
UBND tỉnh Quảng Ninh đã ra Chỉ thị triển khai các giải pháp cấp bách khắc phục tình trạng thiếu điện, đảm bảo cung cấp điện phục vụ sản xuất, sinh hoạt và phát triển kinh tế – xã hội trên địa bàn.
EVN Hà Nội cũng liên tục khuyến cáo khách hàng, các cơ quan công sở và nơi sản xuất sử dụng điện tiết kiệm và hiệu quả, tắt các thiết bị không cần thiết và hạn chế sử dụng các thiết bị có công suất lớn vào khung giờ cao điểm.
Để đối phó với tình trạng chung, anh Trần Chiến dự định ở nhờ nhà người quen hoặc ra quán cà phê làm việc, cho đến khi mua được quạt tích điện.
Còn N.H. (du khách Hà Nội) đã đặt phòng khách sạn ở Hạ Long từ tháng trước, bất ngờ được yêu cầu “đóng thêm 300.000 đồng/đêm nếu khách sạn dùng máy phát điện”.
“Không hài lòng với phương án này, tôi sẽ tìm một cơ sở lưu trú khác”, cô nói.