Ngày 19-6, sau khi báo Tuổi Trẻ có bài điều tra “Lật tẩy trò gian lận cước taxi ở sân bay”, Thanh tra Sở Giao thông vận tải TP.HCM cùng các đơn vị liên quan vào cuộc.
Đoàn kiểm tra phát hiện thủ đoạn tinh vi của tài xế taxi chỉ cần đi một quãng đường ngắn có thể “kích” giá lên 10 lần.
Tạm ngừng taxi của hai công ty có cước taxi “chặt chém”
Tổ công tác đã kiểm tra taxi biển số 51F-495.26, mã số tài 655. Người lái taxi trên là ông Nguyễn Trung Minh – tài xế hãng taxi Saigontourist thuộc Công ty cổ phần vận chuyển Saigontourist (trụ sở tại số 25 Pasteur, phường Nguyễn Thái Bình, quận 1, không liên quan Tổng công ty Du lịch Sài Gòn – Saigontourist Group).
Ông Minh cũng là tài xế mà báo phản ánh trong bài viết, với quãng đường cuốc xe chưa đến 15,5km nhưng “chặt chém” đến 1,2 triệu đồng (cao hơn khoảng 4,4 lần giá hãng).
Qua kiểm tra, tổ công tác ghi nhận đồng hồ tính tiền cước trên xe “không kẹp chì, có gắn thiết bị làm sai lệch đồng hồ”.
Ông Phan Minh Hải, phó đội thanh tra giao thông số 8, trực tiếp kiểm tra cho biết trên taxi này có thiết bị có thể điều khiển đồng hồ nhảy lên gấp 10 lần giá thực tế.
Theo ông Hải, khi tổ công tác yêu cầu ông Minh chạy thử từ đồn công an Cảng hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất ra đường Trần Quốc Hoàn (khoảng 3km) rồi quay lại, đồng hồ hiển thị 53.000 đồng. Khi tổ công tác yêu cầu ông Minh bật nút (công tắc) lên thì đồng hồ hiển thị 530.000 đồng.
Cùng ngày, ông Trần Quốc Tiến, tài xế taxi xe màu vàng biển số 60E-007.34 (nhân vật khác trong bài báo) của Công ty cổ phần Tập đoàn vận tải Sài Gòn, cũng bị tổ công tác kiểm tra, cũng đi một đoạn khoảng 3km, đồng hồ tính tiền bị “kích” lên 437.000 đồng.
Thanh tra giao thông sở ghi nhận hai taxi này đều có gắn thêm thiết bị tác động làm sai lệch đồng hồ tính tiền cước và Thanh tra sở đều tạm giữ giấy phép lái xe hai trường hợp.
Hai tài xế bị lập biên bản hành chính về hành vi “điều khiển xe taxi có đồng hồ tính tiền cước nhưng không đúng quy định”. Mức phạt mỗi tài xế là 700.000 đồng.
Ngay sau đó, lực lượng chức năng cũng yêu cầu hai công ty tạm ngừng điều xe vào sân bay chở khách để phối hợp xử lý, xác minh.
Hai tổ chức là Công ty cổ phần vận chuyển Saigontourist, Công ty cổ phần Tập đoàn vận tải Sài Gòn chi nhánh Bình Thuận (nơi tài xế Trần Quốc Tiến làm việc) cũng bị xử phạt hành chính, mỗi đơn vị bị xử phạt 11 triệu đồng.
Đề xuất rút giấy phép hoạt động
Ông Phạm Ngọc Dũng, chánh Thanh tra Sở Giao thông vận tải TP.HCM, cho biết bản thân ông rất bức xúc sau khi đọc thông tin trên Tuổi Trẻ. Ông Dũng cho hay việc gian lận tiền cước cũng được nhiều người dân, du khách trước đây từng phản ánh. Trách nhiệm lớn nhất thuộc về các công ty taxi và tài xế gắn thiết bị gian lận của khách.
Thời gian tới, Thanh tra giao thông TP.HCM sẽ đề xuất lãnh đạo sở rút giấy phép hoạt động của công ty taxi mà có tài xế “chặt chém”, yêu cầu các công ty có chế tài thật mạnh nhằm chấn chỉnh những tài xế “móc túi” hành khách.
Cũng theo ông Dũng, đối với một thành phố lớn như TP.HCM không thể để xảy ra tình trạng gian lận như vậy vì làm hình ảnh taxi của TP.HCM xấu đi với người dân và bạn bè quốc tế.
Thời gian tới, Thanh tra sở sẽ duy trì thường xuyên lực lượng, có sự chuẩn bị để chủ động, sẵn sàng kiểm tra, xử lý nếu phát hiện các trường hợp vi phạm.
Sân bay quốc tế không thể là bến xe dù
Sau phản ánh của Tuổi Trẻ, nhiều bạn đọc bức xúc cho biết mình từng là nạn nhân và đề nghị phải xử lý tới nơi tới chốn.
Anh Đ.V.V. (30 tuổi, ngụ quận Bình Thạnh) chia sẻ sự việc này có một phần trách nhiệm của lãnh đạo quản lý sân bay khi để những tài xế taxi này lộng hành, “chặt chém” tiền khách. Sân bay quốc tế không thể giống như bến xe dù được.
Một bạn đọc khác ý kiến việc các hãng taxi chèo kéo khách nhốn nháo, ồn ào như ngoài chợ trời, leo lên rồi kiểu gì cũng “dính”. Sân bay thành phố lớn mà không quản được vụ này thì quá tệ.
Nhiều bạn đọc khác phản ảnh chuyện đi từ sân bay Tân Sơn Nhất về ngã tư Thủ Đức mất 535.000 đồng hay lộ trình sân bay – quận 5 – quận Tân Phú mất gần 500.000 đồng nhưng đi ngược lại lộ trình này với một hãng taxi khác chỉ mất 300.000 đồng.
Ấn tượng xấu cho du lịch
Chuyên gia du lịch Phan Yến Ly chia sẻ từ sau dịch đến nay có đến 40% người đi du lịch chọn hình thức tự túc (không đi theo đoàn), chắc chắn sẽ phải tự túc chọn phương tiện di chuyển khỏi sân bay. Vậy mà ngay khi vừa đặt chân xuống một thành phố mới, họ bị “chặt chém” bởi taxi sẽ là ấn tượng xấu.
Ấn tượng xấu này ảnh hưởng đến hình ảnh một điểm đến du lịch đang được các doanh nghiệp làm ăn chân chính nỗ lực xây dựng trong quá trình phục hồi kinh tế.
Theo bà Ly, du lịch chỉ có thể đón được khách quay lại với môi trường an toàn, thân thiện nên cơ quan quản lý phải có hành động quyết liệt với những trường hợp làm xấu xí môi trường.
Trong khi đó, nhiều doanh nghiệp hoạt động kinh doanh vận tải taxi ở sân bay Tân Sơn Nhất bức xúc khi một số cá nhân của hãng taxi nhỏ có thể làm ảnh hưởng cả một ngành. Tuy nhiên, việc xác định trường hợp để xử lý vẫn còn nhiêu khê.
Ông Nguyễn Nam Tiến, phó giám đốc Cảng hàng không quốc tế sân bay Tân Sơn Nhất, nói việc chèo kéo, ép giá khách hàng không thuộc thẩm quyền xử lý của cảng. Để có cơ sở xử lý, một số lưu ý khách hàng nắm bắt để phản ảnh đúng “địa chỉ” tiếp nhận.
Khi phát sinh tranh cãi về giá cước và có dấu hiệu chèo kéo và ép giá, hành khách cần chụp hình biển số xe, hành trình đi, có clip chứng minh… phản ảnh đến hotline của hãng xe, sân bay Tân Sơn Nhất và Thanh tra Sở Giao thông vận tải TP.HCM. Từ đó sẽ lập biên bản, giải quyết sự việc.