Không có giao dịch thành công, nhiều môi giới bất động sản phải bỏ việc hoặc chuyển sang công việc mới để kiếm sống.
Thị trường bất động sản vẫn giữ nhịp độ trầm lắng, tâm lý e ngại của người mua khiến thanh khoản sụt giảm. Theo đó, nhiều môi giới suốt một thời gian dài bám trụ vẫn không có giao dịch. Do vậy, không ít môi giới “quần là áo lượt” trước kia nay phải bỏ nghề đi tìm công việc mới.
Đơn cử, anh Nguyễn Khải (sinh năm 1996, quê Nam Định) cho biết, trước năm 2021, anh là nhân viên văn phòng tại Hà Nội với mức lương vỏn vẹn 10 triệu đồng/tháng. Nhận thấy với mức thu nhập thời điểm đó muốn bám trụ tại Hà Nội rất khó, trong khi gia đình anh vốn không mấy khá giả. Nhìn nhưng bạn bè học cùng thời cấp 3 khi đó làm môi giới bất động có mức thu nhập khủng tới hàng trăm triệu đồng mỗi tháng. Điều này càng thôi thúc anh Khải bỏ công việc đang làm.
Ảnh minh hoạ.
“Giữa năm 2021, khi đó dịch bệnh vẫn hoành hành, công ty khó khăn tôi bị cắt giảm lương. Cùng thời điểm đó, tôi cũng xin nghỉ việc và xin làm tại một sàn môi giới bất động sản tại Hà Nội, chuyên phân phối nhà đất tại vùng ven”, anh Khải nói.
Theo anh Khải, thời điểm đó thị trường bất động sản diễn biến nóng. Do vậy, anh nhanh chóng có những giao dịch đầu tiên, tiền hoa hồng thu về mỗi tháng vài chục triệu đồng, có tháng lên tới gần 100 triệu đồng.
“Việc môi giới thuận lợi, các đồng nghiệp cũng khuyên tôi làm nghề này phải có ô tô riêng để đưa đón khách hàng. Từ đó, dễ dàng chốt đơn khách hàng hơn. Đầu năm 2022 trong tay cũng có số vốn khoảng hơn 400 triệu đồng, tôi nhanh chóng xuống tiền mua một chiếc ô tô trị giá hơn 800 triệu đồng, số tiền còn thiếu tôi đi vay. Trong khi đó, tôi vẫn đang đi ở thuê”, anh Khải nói.
Sau khi mua xe, hàng ngày anh Khải sử dụng để đưa đón khách đi xem đất, biệt thự, liền kề…Vì có nhiều thời gian đi cùng khách để trò chuyện hơn nên anh Khải nhanh chóng chốt được một căn liền kề tại vùng ven với mức giá 7 tỷ đồng. Tưởng rằng, mọi việc sẽ thuận lợi từ đây nhưng thị trường đột ngột rơi vào trầm lắng.
“Làm nghề môi giới bất động sản nhiều khi cũng phải phông bạt hơn, dù đang ở thuê nhưng chiếc xe cũng là công cụ hỗ trợ cho công việc. Tuy nhiên, từ tháng 4/2022 thị trường rơi vào trầm lắng, bất động sản trở nên khó tìm khách mua. Từ đó, thi thoảng tôi mới có giao dịch nhỏ, cũng chỉ đủ ăn và nuôi xăng xe.
Khoảng 3 tháng trở lại đây, gần như tôi không có giao dịch, nghĩ chán nản nên tôi quyết định bỏ nghề. Ở quê tôi mấy năm nay cũng có nhiều khu công nghiệp nên tôi về quê xin đi làm công nhân. Rất muốn ở Hà Nội nhưng khó bám trụ, hơn nữa gia đình tôi cũng không đủ khả năng mua nhà”, anh Khải nói.
Mới đây, anh Khải đã vào làm tại khu công nghiệp ở quê, còn xe ô tô cũng nhanh chóng bán lại cho một người bạn lỗ 100 triệu đồng so với thời điểm mua. “Sau khi thanh toán hết nợ mua xe, tôi còn lại một khoản nhỏ để trang trải thời gian đầu ở quê. Bây giờ thị trường khó khăn, nếu cố bám trụ thêm cũng khó có giao dịch”, anh Khải chán nản nói.
Thực tế, không riêng anh Khải bỏ nghề, thời gian qua nhiều môi giới không có giao dịch, lay lắt suốt một thời gian cũng khiến họ cảm thấy chán nản. Thậm chí, nhiều doanh nghiệp bất động sản phải chủ động cắt giảm nhân sự.
Theo Hội Môi giới bất động sản Việt Nam, hiện các doanh nghiệp vẫn đang cố gắng “vùng vẫy, quẫy đạp” và sẵn sàng “bấu víu” vào bất cứ chiếc phao cứu sinh nào. Tuy nhiên, những chiếc phao để cứu thị trường mà Chính phủ đưa ra vẫn chưa đến được với doanh nghiệp. Trong khi sức chống đỡ của các doanh nghiệp có giới hạn, nếu không “ngoi lên” kịp thời, chắc chắn sẽ bước sang giai đoạn “sặc nước, ngừng thở” đồng loạt.
Số liệu khảo sát của VARS cho thấy, trong 5 tháng đầu năm, có 554 doanh nghiệp bất động sản giải thể, tăng 30,4% so với cùng kỳ năm trước. Trong khi số lượng doanh nghiệp bất động sản thành lập mới giảm 61,4% so với cùng kỳ, chỉ còn 1.744 đơn vị.
Hiện tượng sụt giảm số lượng môi giới bất động sản trở thành làn sóng càn quét trên quy mô rộng khắp các địa phương trên cả nước. Số lượng môi giới hoạt động chỉ còn khoảng 30 – 40% so với thời điểm cuối năm 2022.
Thị trường ghi nhận 1 lượng lớn môi giới bất động sản phải nghỉ việc cả vì lý do chủ động (do thu nhập không đủ sống), và bị động (do Doanh nghiệp sa thải, Doanh nghiệp tạm dừng hoạt động, Doanh nghiệp phá sản…). Số môi giới bất động sản bám trụ lại với nghề phải vận dụng linh hoạt đủ mọi hình thức để có thể tồn tại như đa dạng hóa lĩnh vực, tìm kiếm việc làm thêm…