Cây me cổ dáng ‘mây bay’ với thân như một ngọn thác chảy, cành xum xuê xếp tầng lớp thu hút sự chú ý, dù được trả giá 10 tỷ nhưng chủ cây vẫn không màng.
Vừa qua, cây me cổ thụ làng Ba Cụm, ấp 6, xã Tân Bửu, huyện Bến Lức, tỉnh Long An, được công nhận là Cây di sản Việt Nam dù các chỉ số về độ lớn, chiều cao đều chưa đạt yêu cầu.
Cây me cổ thụ ở Long An được công nhận là Cây Di sản Việt Nam. Ảnh: Báo Long An.
Theo tìm hiểu “cụ” me cổ thụ làng Ba Cụm đã có mặt từ những ngày đầu mở đất, cũng là “chứng nhân” cho tinh thần yêu nước, chống ngoại xâm của người dân làng Ba Cụm và có nhiều ý nghĩa với người dân trong vùng.
Người tìm hiểu, kể lại câu chuyện đó, góp phần thuyết phục Hội đồng xét duyệt để “cụ” me trở thành Cây Di sản Việt Nam chính là nhà báo lão thành Quang Hảo. Ông cũng là người trực tiếp làm hồ sơ đề xuất công nhận cây me làng Ba Cụm và nhiều cây cổ thụ khác trong tỉnh là Cây Di sản Việt Nam.
Vốn là người đam mê cây xanh, ông Hảo sẵn sàng dành nhiều thời gian, tâm sức để cứu những gốc cây bị bỏ đi, nâng niu, chăm chút tạo hình cho chúng. Trong khu vườn của mình, ông kể về hành trình tìm Cây Di sản Việt Nam ở Long An.
Gốc cây me xù xì và đường đường kính rất to.
Vào thời điểm khảo sát, cây me cao 10m, chu vi gốc (cách mặt đất 1,3m) là 2,6m và đường kính tán lá 9,2m. Các tiêu chí trên đều không đạt so với quy định công nhận cây di sản. Tuy nhiên, cây me ấp 6 lại rất có ý nghĩa lịch sử, là chứng nhân cho tinh thần yêu nước, chống ngoại xâm của quân và dân xã Tân Bửu, huyện Bến Lức.
Sau cây một số cây cổ thụ được công nhận, ông Hảo lại tiếp tục lặn lội khắp các địa phương trong tỉnh để tìm những gốc cây cổ thụ, có giá trị về cả văn hóa, lịch sử để làm hồ sơ đề nghị công nhận Cây Di sản Việt Nam.
Khi biết ở đâu có cây cổ thụ là ông sẵn sàng “một mình một ngựa” tìm đến. Ông nói: “Mỗi Cây Di sản Việt Nam đều có tuổi đời trên 200 năm, chứng kiến bao bể dâu của vùng đất đó và cả ký ức của người làng. Việc giữ được Cây Di sản Việt Nam không chỉ có ý nghĩa trong việc giữ gìn những giá trị văn hóa của dân tộc mà còn góp phần trong việc khai thác và phát triển du lịch của địa phương. Cây Di sản Việt Nam thường gắn với các cơ sở tín ngưỡng của người dân như đình, chùa, miếu,… Và nếu giữ được những cội cây trăm tuổi tại các điểm tín ngưỡng, thờ cúng sẽ là một điểm nhấn đặc biệt khi phát triển du lịch tâm linh. Bởi dân ta thường tin tưởng rằng các “cụ” cây cũng có linh hồn”.
Trước đó, cũng có cặp me độc đáo được xác lập Kỷ lục Việt Nam, và có rất nhiều người hỏi mua với giá 10 tỷ đồng nhưng không bán.
Được biết, cây me độc đáo này của anh Nguyễn Phước Lộc, Tp.Sa Đéc, Đồng Tháp.
Gốc cây me cong queo vỏ xù xì nhưng được nhiều người yêu cây cảnh cho là độc đáo. Ảnh: Báo Nông Nghiệp.
Chia sẻ với báo Nông Nghiệp, anh Lộc cho biết, hiện cặp me có tuổi cây hơn 156 năm, hơn 100 năm tuổi kiểng.
Cơ duyên anh Lộc sở hữu cây rất tình cờ, vào năm 1993, anh mua cặp me này với giá 40 triệu đồng tại tỉnh Tiền Giang. Sau mấy chục năm năm chăm sóc, hiện 2 cây đều đạt chiều cao khoảng 6m, bề hoành gốc 1,4m và đường kính tán lớn nhất khoảng 3m. Gốc, rễ 2 cây me kiểng cổ của anh Lộc to và có hình dáng rất đẹp.
Khi cây về tay, anh Lộc dành nhiều năm tâm huyết tạo dáng chăm sóc tỉa tay cành, đến năm 2013, cặp me của anh được xác lập Kỷ lục Việt Nam “Cặp me kiểng cổ nhất”.
Tán cây me cổ thụ rộng, lá xanh tốt.
Theo anh Lộc, cái hay của cặp me này là dáng long và được sửa theo lối sơn thủy. Anh Lộc thuê riêng một nghệ nhân tài giỏi ở khu vực Đồng Bằng Sông Cửu Long về để chăm sóc cây hàng ngày.
Cặp me được chăm sóc theo chế độ đặc biệt, từ bón phân đến phun thuốc và cắt tỉa cành lá… “Lão me” này mỗi năm cho trái rất sai, khi chín trái có vị ngọt chua.
Cặp me cổ quanh năm xanh tốt, mỗi ngày có rất nhiều người chơi kiểng trong và ngoài nước xin đến tham quan.
Cặp me của anh Lộc được xác lập Kỷ lục Việt Nam “Cặp me kiểng cổ nhất” vào ngày 21/9/2013. Ảnh: Báo Nông Nghiệp.
Cũng theo chủ cây, chơi kiểng là niềm đam mê từ nhỏ, chơi lấy niềm vui chứ không buôn bán.
Ngoài những cây me cổ ra anh Lộc đang sở hữu nhiều loại kiểng khác như tùng, nguyệt quế, mai bon sai, cây xanh… giá trị từ vài trăm triệu đến 2 tỷ đồng/cây.