Bộ Công an đang chỉ đạo Công an các đơn vị, địa phương xác minh thông tin liên quan đến nhóm ‘Năng lượng gốc’ tại Việt Nam.
Ngày 30-6, tại buổi Họp báo thông báo tình hình, kết quả công tác công an 6 tháng đầu năm 2023, Trung tướng Tô Ân Xô cho biết, công tác đấu tranh, phòng chống tội phạm, bảo đảm trật tự, an toàn xã hội được thực hiện đồng bộ, xuyên suốt, góp phần từng bước xây dựng xã hội trật tự, kỷ cương, an ninh, an toàn, lành mạnh.
Làm rõ 19.000 vụ phạm tội về trật tự xã hội
Trong sáu tháng đầu năm 2023, công an đã điều tra, làm rõ 19.000 vụ phạm tội về trật tự xã hội, đạt tỉ lệ hơn 82%, triệt phá 99 băng, nhóm phạm tội, bắt và vận động đầu thú gần 2.300 người truy nã.
Công an triển khai các phương án, kế hoạch đấu tranh, trấn áp tội phạm về ma túy trên các tuyến, địa bàn trọng điểm, khu vực biên giới, phát hiện bắt giữ hơn 15.000 vụ, hơn 23.000 đối tượng, thu giữ 300kg heroin, giữ hơn 2.000kg, hơn 1 triệu viên ma túy tổng hợp và hơn 200kg cần sa.
Lực lượng còn tập trung đẩy tiến độ điều tra, xử lí các vụ án lớn, vụ án mới, nhất là các vụ án, vụ việc thuộc diện Ban chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực theo dõi, chỉ đạo.
Trung tướng Tô Ân Xô phát biểu tại buổi họp báo. Ảnh CTV
Qua đó, phát hiện 2.502 vụ với 3.311 đối tượng phạm tội về trật tự quản lí kinh tế, 466 vụ với 1.283 đối tượng phạm tội về tham nhũng… Tăng cường tổ chức tuyên truyền về phương thức, thủ đoạn hoạt động của tội phạm để người dân nâng cao cảnh giác, không để các đối tượng lợi dụng thực hiện các hành vi phạm tội.
Công an cũng tập trung triệt phá các chuyên án, làm rõ âm mưu, phương thức thủ đoạn mới của tội phạm lừa đảo, chiếm đoạt tài sản, đánh bạc, kinh doanh đa cấp, giao dịch tiền ảo, vàng, ngoại hối, chứng khoán trên không gian mạng.
Lực lượng Công an Nhân dân đã phát huy vai trò thường trực, tiên phong, gương mẫu đi đầu, quyết liệt trong thực hiện chuyển đổi số quốc gia, thực hiện hiệu quả, đảm bảo tiến độ, mục tiêu, yêu cầu nhiệm vụ được giao trong Đề án 06 của Chính phủ về mặt phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử.
Quyết liệt tham mưu, triển khai nhiều giải pháp bảo đảm trật tự, an toàn giao thông, nâng cao hiệu quả tuần tra, kiểm soát, xử lý vi phạm giao thông; tập trung xử lý vi phạm theo năm nhóm chuyên đề, nhất là xử lý các vi phạm về nồng độ cồn.
Lực lượng gương mẫu đi đầu trong công tác xây dựng Đảng, xây dựng lực lượng CAND, trọng tâm là thực hiện có hiệu quả Nghị quyết số 12 của Bộ Chính trị; tiếp tục siết chặt kỷ luật, kỷ cương; xử lý nghiêm minh, kịp thời đối với các trường hợp cán bộ, chiến sĩ tiêu cực, vi phạm pháp luật, kỷ luật theo đúng phương châm “không có vùng cấm, không có ngoại lệ”…
Xác minh nhóm “Năng lượng gốc”
Liên quan đến vấn đề báo chí phản ánh nhóm “Năng lượng gốc” tự xưng chữa bách bệnh, có dấu hiệu lừa đảo, Đại tá Đinh Việt Dũng, Phó Cục trưởng Cục An ninh nội địa cho biết nhóm này do Lê Văn Phúc lập ra tại Mỹ năm 2016.
Quá trình tuyên truyền, chia sẻ về “Năng lượng gốc” này, Lê Văn Phúc đã đề cập đến nhiều nội dung liên quan đến tâm linh, tín ngưỡng.
Tại Việt Nam, Lê Văn Phúc đã tuyên truyền mở rộng hoạt động của nhóm “Năng lượng gốc” nhằm thu hút người Việt Nam tham gia, đồng thời lợi dụng một số giáo lý để tuyên truyền một số luận điệu mang màu sắc mê tín dị đoan.
Đại tá Đinh Việt Dũng, Phó Cục trưởng Cục An ninh nội địa. Ảnh BCA
Bộ Công an đã nắm được các thông tin phản ánh về hoạt động này. Bên cạnh việc trao đổi, phối hợp với các bộ, ngành chức năng quản lý nhà nước để xác định tính chất hoạt động có yếu tố mê tín để tuyên truyền, vận động người dân không tin theo, Bộ Công an cũng đã chỉ đạo Công an các đơn vị, địa phương rà soát thông tin liên quan đến hoạt động này để tuyên truyền, vận động các tổ chức, cá nhân liên quan tuân thủ pháp luật, không có hoạt động gây phức tạp về an ninh, trật tự.
Đối với thông tin về việc nhóm “Năng lượng gốc” tại Việt Nam có dấu hiệu hoạt động lừa đảo, chiếm đoạt tài sản, hiện Bộ Công an đang chỉ đạo Công an các đơn vị, địa phương xác minh thông tin liên quan.
Nếu các thông tin có căn cứ và xác định có hành vi vi phạm pháp luật, Bộ Công an sẽ chỉ đạo các đơn vị chức năng tiến hành điều tra, xử lý theo quy định pháp luật.
Cảnh báo về đồng tiền ảo Pi
Trước câu hỏi của về đồng tiền ảo Pi, Thiếu tướng Lê Xuân Minh, Phó Cục trưởng Cục An ninh mạng và phòng chống tội phạm sử dụng công nghệ cao (A05) cho biết, lực lượng chức năng đang tiến hành điều tra về đồng tiền này.
“Đây là một vấn đề rất lớn đối với các hoạt động tín dụng trên không gian mạng, hiện nay chúng ta chưa quản lý được” – Thiếu tướng Lê Xuân Minh khẳng định.
Đối với đồng tiền ảo Pi, Cục A05 đã phối hợp với công an các địa phương để điều tra, làm rõ.
“Sẽ không có hoạt động kinh doanh nào có mức lợi nhuận cao như vậy. Dấu hiệu về các hoạt động lôi kéo, đa cấp như vậy tiềm ẩn rất nhiều rủi ro”, Thiếu tướng Lê Xuân Minh nói.
Trước đó, ngày 25-6, tại tỉnh Bắc Ninh, hơn 1.500 người tham gia buổi gặp mặt về tiền ảo Pi tại một nhà hàng ở TP Từ Sơn.
Buổi gặp mặt này có chủ đề: “Việt Nam GCV 314.159$ Event” để bàn về giá cho Pi; cùng hô hào, tuyên bố giá trị 1 đồng Pi bằng 7 tỉ đồng, tương đương 314.159 USD.
Cục A05 đưa ra cảnh báo với người dân phải hết sức thận trọng khi tham gia các hoạt động giao dịch tiền ảo với lợi nhuận cao bất thường, có dấu hiệu lôi kéo, đa cấp.