Ông Lê Xuân Tùng, Chủ tịch Vàng Phú Quý bị khởi tố về tội “Trốn thuế”. Trong khi ông Nguyễn Ngọc Phương, Chủ tịch Vàng Phú Cường bị bắt tạm giam để điều tra về tội “vận chuyển trái phép tiền tệ qua biên giới”.
Ông Lê Xuân Tùng, Chủ tịch Vàng Phú Quý bị khởi tố
Ngày 23/6/2023 Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an đã ra Quyết định khởi tố vụ án hình sự “Buôn lậu” và “Trốn thuế” xảy ra tại Cửa khẩu Lao Bảo, tỉnh Quảng Trị; Công ty cổ phần Đầu tư Vàng Phú Quý do Lê Xuân Tùng làm Chủ tịch HĐQT và các đơn vị liên quan.
Cùng với đó, cơ quan này đã ra Quyết định khởi tố bị can và áp dụng biện pháp ngăn chặn đối với 18 đối tượng về tội “Buôn lậu”, gồm: Nguyễn Thị Hóa, Nguyễn Thị Gái, Nguyễn Thị Thiên, Trương Thị Huyền, Nguyễn Thị Thủy, Đỗ Thị Thủy, Nguyễn Thị Vân (Quảng Trị), Nguyễn Văn Thương, Nguyễn Hữu Phương, Nguyễn Hữu Bình, Lê Thế Hải, Trần Anh Sơn, Đặng Văn Định, Nguyễn Thị Vân (điều hành Cửa hàng vàng Kim Linh), Trần Công Quán, Lê Minh Tuân, Đàm Anh Tuấn, Nguyễn Khắc Bồng.
Cơ quan Cảnh sát điều tra cũng ra Quyết định khởi tố bị can và áp dụng biện pháp ngăn chặn đối với Lê Xuân Tùng, Lê Thúy Quỳnh về tội “Trốn thuế”, quy định tại khoản 3, Điều 200 Bộ luật hình sự.
Theo đó, kết quả điều tra đã xác định, từ năm 2022 đến nay, Nguyễn Thị Hóa (trú tại số 19, Lê Quý Đôn, khóm An Hà, thị trấn Lao Bảo, huyện Hướng Hóa, tỉnh Quảng Trị) và Nguyễn Thị Gái đã tổ chức đường dây buôn lậu trên 3 tấn vàng, có tổng trị giá khoảng 5.000 tỷ đồng từ Lào về Việt Nam qua Cửa khẩu Lao Bảo, tỉnh Quảng Trị để bán cho các cửa hàng vàng tại Việt Nam thu lời bất chính.
Công ty cổ phần Đầu tư Vàng Phú Quý đã kê khai và báo cáo quyết toán thuế năm 2021 không trung thực, vi phạm quy định tại khoản 2 Điều 143 Luật quản lý thuế số 38/2019/QH14 về các hành vi trốn thuế, gây thiệt hại cho Nhà nước, bước đầu xác định là 6.145 tỷ đồng.
Theo tìm hiểu của người viết, Công ty Cổ phần đầu tư Vàng Phú Quý thành lập năm 2003, chuyên sản xuất, phân phối vàng bạc, trang sức, kim cương. Phú Quý còn nổi tiếng bởi bán lẻ vàng miếng, vàng 9999, nhẫn cưới.
Công ty Cổ phần đầu tư Vàng Phú Quý do ông Lê Xuân Tùng (sinh năm 1980) làm Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng Giám đốc, và có trụ sở tại số 30 Trần Nhân Tông, Phường Nguyễn Du, Quận Hai Bà Trưng, Thành phố Hà Nội, Việt Nam.
Ngoài Công ty Cổ phần đầu tư Vàng Phú Quý, ông Lê Xuân Tùng cũng là người đại diện theo pháp luật của nhiều doanh nghiệp khác như CTCP Tập đoàn Phú Quý, CTCP Xây dựng và Phát triển Đầu tư Bất động sản Đất Việt, CTCP Đầu tư Sông Hinh.
Ông Nguyễn Ngọc Phương, Chủ tịch Vàng Phú Cường bị bắt
Ngày 23/6, Bộ Công an cho biết, Cơ quan An ninh điều tra Bộ Công an đã thực hiện lệnh bắt tạm giam, khám xét chỗ ở và nơi làm việc đối với ông Nguyễn Ngọc Phương (SN 1979), Chủ tịch Hội đồng quản trị CTCP Vàng Phú Cường để điều tra về tội “vận chuyển trái phép tiền tệ qua biên giới”.
Theo đó, ông Phương được xác định có liên quan trong vụ án hình sự “Vận chuyển trái phép tiền tệ qua biên giới; Làm giả tài liệu của cơ quan, tổ chức; sử dụng tài liệu giả của cơ quan, tổ chức” xảy ra tại Hà Nội và các địa phương khác.
Trước đó, ngày 15/6, nhà chức trách đã ra quyết định khởi tố vụ án hình sự, khởi tố bị can.
Hiện cơ quan An ninh điều tra đang tiếp tục điều tra, làm rõ vụ án, hành vi vi phạm pháp luật của bị can Nguyễn Ngọc Phương và những người có liên quan.
CTCP Vàng Phú Cường thành lập vào tháng 06/2004, có địa chỉ tại phường Mai Dịch, quận Cầu Giấy, Hà Nội. Đại diện pháp luật là ông Nguyễn Ngọc Phương (SN 1979) với lĩnh vực kinh doanh chính là xuất/nhập khẩu, gia công, chế tác và kinh doanh vàng, trang sức, đá quý. Ngoài ra, doanh nghiệp này cung cấp cả dịch vụ kiểm định kim cương, đá quý và được biết đến là nhà cung cấp, mua – bán kim cương lớn ở Hà Nội.
Ngoài Công ty Vàng Phú Cường, ông Nguyễn Ngọc Phương còn là đại diện của các pháp nhân như Công ty cổ phần Đầu tư TPC, Công ty cổ phần Đầu tư và Phát triển Dự án Võ Gia, Công ty cổ phần Tập đoàn Phú Minh, Công ty cổ phần phát triển Đầu tư Phú Cường.
Trước đó, Công ty Vàng Phú Cường từng bị Công an Hà Nội khám xét để làm rõ nghi vấn buôn lậu kim cương vào năm 2016.