Trở thành chủ cơ sở bánh dân gian Nam bộ ở độ tuổi còn rất trẻ, chàng trai này đã mang lại thu nhập cho những cô chú lớn tuổi để thoát khỏi cảnh bấp bênh và làm cho mùi bánh lá dừa quê hương bay đi xa.

Chỉ với hơn 1 năm khởi nghiệp với món bánh lá dừa, Nguyễn Hữu Đức (24 tuổi), ngụ tại xã Tam Phước, H.Châu Thành (tỉnh Bến Tre) đã đưa hương vị dân dã này đến cả nước và xuất khẩu ở nhiều quốc gia với doanh thu hơn trăm triệu đồng/tháng.

Khởi nghiệp từ món bánh quê

Hữu Đức vốn là sinh viên ngành văn hóa học của Trường ĐH Khoa học xã hội và nhân văn TP.HCM, sau khi ra trường chàng trai này nghĩ mình sẽ làm một công việc văn phòng nào đó tại thành phố nhưng rồi một bước ngoặc lớn đã diễn ra.

Khởi nghiệp với bánh lá dừa, chàng trai đạt doanh thu 130 triệu đồng/tháng - Ảnh 1.

“Mình về quê vào tháng 5.2021, lúc giai đoạn dịch Covid-19 bùng phát, do nhiều tháng trời không biết làm gì nên mình mới đi nhập bánh lá dừa ở các lò gần nhà để bán trực tuyến. Sau một thời gian, mình thấy bánh được nhiều người yêu thích nhưng người làm bánh lại sống bấp bênh nên quyết định khởi nghiệp”, Hữu Đức kể lại.

Nghĩ là làm, đầu năm 2022, Hữu Đức mạnh dạn xin cấp nguồn vốn từ gia đình để bắt đầu cho “giấc mơ” xây dựng một cơ sở sản xuất và kinh doanh bánh lá dừa với nguồn nhân công chủ yếu là những cô chú thợ bánh lớn tuổi. Nhưng những bước đi đầu tiên luôn vô cùng khó khăn.

“Trước đây, mình không biết cách làm bánh lá dừa cũng như không bao giờ chuộng ăn loại bánh này nên khi khởi nghiệp thì mình phải học, chứ nói làm chủ mà lại không biết gì về thứ mình làm thì không được. “Người thầy” của mình chính là những cô chú nhân công mình tìm đến, nhờ vậy mới biết được cách chọn nguyên liệu, cách nấu và cách gói bánh sao cho ngon, cho đẹp”, Hữu Đức bày tỏ.

Khởi nghiệp với bánh lá dừa, chàng trai đạt doanh thu 130 triệu đồng/tháng - Ảnh 2.

Mất hơn 1 năm, Đức mới có được công thức riêng cho sản phẩm khởi nghiệp

THƯỢNG HẢI

Để tìm ra công thức riêng cho bánh, Đức đi đến rất nhiều lò bánh không chỉ ở tỉnh Bến Tre mà còn ở nhiều tỉnh, thành miền Tây khác như: Vĩnh Long, Cần Thơ… để nếm thử và tự tìm nguồn nguyên liệu làm bánh sao cho có hương vị đặc trưng nhất.

“Mình lấy nguồn chuối tỉnh Bến Tre để đảm bảo độ ngọt, còn ở vùng khác do chuối bị xâm nhập mặn nên bánh nấu ra bị chát. Gạo nếp thì mình nhập trực tiếp từ các vựa gạo lớn để lấy nếp sáp ngỗng, nếp sáp Thái; còn dừa chắc chắn ở Bến Tre mới ngon, vì ở vùng khác không có độ béo bằng dừa trồng ở vùng đất này”, Đức chia sẻ.

Khởi nghiệp với bánh lá dừa, chàng trai đạt doanh thu 130 triệu đồng/tháng - Ảnh 3.

Đức tự học làm bánh và tự mình học cách làm chủ

Từ một chàng trai vốn thư sinh, đến nay Hữu Đức đã có nhiều kinh nghiệm trong việc làm bánh và cho ra công thức bánh của riêng mình chỉ trong 1 năm.

“Kỹ thuật khó nhất là “rút nếp”, phải vo nếp đến khi nước thật trong rồi chà thêm với muối và khi bánh đã gói thành phẩm, phải tranh thủ cho vào nồi điện nấu liền vì nếu để lâu quá thì nếp sẽ bị sình, hôi dầu và với bánh cấp đông sang nước ngoài nếu bảo quản nhiệt độ không đủ lạnh thì khi rã đông, bánh sẽ hư. Điểm khác là mình luộc bánh với nước bột nghệ thay vì chỉ nước sôi thông thường, từ đó bánh sẽ đẹp hơn và có mùi đặc trưng”, Đức mô tả cách làm bánh của mình.

Trung bình mỗi tháng sản xuất 250.000 cái bánh, tạo việc làm cho hàng chục công nhân

Khi được hỏi về lý do: “Tại sao lại lựa chọn nhân công là những cô chú lớn tuổi?”, Hữu Đức bày tỏ rằng mình muốn mang lại thu nhập cho những người vốn có cuộc sống khó khăn và bấp bênh.

“Các cô chú vốn là những thợ bánh lành nghề, nhưng do đầu ra của bánh lá dừa không nhiều cho nên cuộc sống rất bấp bênh, có người một mình phải nuôi 4 miệng ăn. Bây giờ kiếm người trẻ biết gói bánh là rất hiếm, họ lại không thể chịu được việc thức khuya 2-3 giờ sáng, ngồi 5-6 tiếng để làm bánh và lại không đam mê bằng những người làm nghề lâu năm”, Đức kể.

Khởi nghiệp với bánh lá dừa, chàng trai đạt doanh thu 130 triệu đồng/tháng - Ảnh 4.

Đức tìm đến những cô chú lớn tuổi lành nghề để tạo thu nhập cho họ

Là người làm việc cùng với Đức, anh Nguyễn Tuấn Tài (33 tuổi) bày tỏ: “Đức muốn phát triển ngành nghề đặc sản của Bến Tre nên rất quyết tâm, có đợt mỗi ngày làm 10.000 cái bánh, Đức làm nhiều đến nỗi ngất xỉu”.

Khi khởi nghiệp với món bánh này, anh chàng cũng không ngại chia sẻ những khó khăn, nhất là giai đoạn chưa biết cách bảo quản bánh. “Do một số kỹ thuật bảo quản bánh lúc đó mình chưa rõ nên có thời điểm bánh bị hư rất nhiều, mỗi ngày có khi phải bỏ từ 1.000 – 2.000 bánh, lỗ cũng hết chục triệu đồng. Lúc đó, mình rất nản muốn bỏ nhưng mà đã quyết tâm khởi nghiệp và nghĩ chuyện mình đang làm còn mang lại thu nhập cho nhiều người nên mình miệt mài tìm cách để khắc phục”, Đức cho hay.

Khởi nghiệp với bánh lá dừa, chàng trai đạt doanh thu 130 triệu đồng/tháng - Ảnh 5.

Đức trong lần phát bánh miễn phí trong đợt dịch Covid-19

Dù nhập rất nhiều máy móc để đỡ thời gian làm bánh, nhưng chỉ riêng việc gói bánh là Đức vẫn giữ cách làm truyền thống vì chính những người thợ làm bằng đôi tay mới có thể tạo ra góc bánh đẹp, cân chỉnh nguyên liệu phù hợp nhất.

Khởi nghiệp với bánh lá dừa, chàng trai đạt doanh thu 130 triệu đồng/tháng - Ảnh 6.

Món bánh lá dừa đến đất Hà Giang

NVCC

Đến nay, bánh lá dừa của Đức, ngoài các vùng núi phía bắc thì đã phân bổ từ Cà Mau ra Hà Nội và còn xuất khẩu sang nhiều nước như: Mỹ, Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan, Singapore, Malaysia… Trung bình mỗi tháng sản xuất 250.000 cái bánh, thu nhập dao động từ 100 – 130 triệu đồng và tạo công ăn việc làm cho 15 nhân công độ tuổi 40-70 có hoàn cảnh khó khăn.

Nói về thành quả của mình, chàng trai thành công với món bánh lá dừa bày tỏ: “Công việc này thay đổi cuộc sống của mình rất nhiều, vừa tạo ra thu nhập cho bản thân, vừa mang lại việc làm cho những cô chú lớn tuổi. Mong muốn của mình là sẽ đưa bánh lá dừa đến với nhiều người hơn, mình muốn gìn giữ món bánh truyền thống của quê hương và mang những giá trị văn hoá ẩm thực Bến Tre vươn xa hơn nữa”.