Chủ tịch Tập đoàn BRG – Madame Nguyễn Thị Nga là người đang nắm khối tài sản khổng lồ và là một trong những nữ doanh nhân có tầm ảnh hưởng nhất Việt Nam. Bà Nga từng được Tạp chí Forbes vinh danh là một trong 3 nữ doanh nhân Việt Nam quyền lực nhất châu Á, bà đang sở hữu cổ phần lớn trong ngành ngân hàng, nhiều sân golf, dự án bất động sản lớn trên khắp cả nước.
Từ “đế chế” trong lĩnh vực ngân hàng, “thủ phủ” của những khách sạn đình đám
Bà Nguyễn thị Nga sinh ngày 17/08/1955 tại Hà Nội, tốt nghiệp Đại học Kinh tế Kế hoạch (nay là Đại học Kinh tế Quốc dân). Bên cạnh đó, bà từng theo học nhiều lớp kinh tế tại Pháp, Đức, Nhật Bản, Úc. Bà Nga là người Việt Nam đầu tiên vinh dự được mời học ở George Town (Mỹ) do quỹ tài trợ của bà Hillary Clinton, dành riêng cho các nhà lãnh đạo Tập đoàn kinh tế.
Bà Nguyễn Thị Nga – Chủ tịch HĐQT Tập đoàn BRG. (Ảnh: Internet)
Từ năm 1979 đến năm 2000, doanh nhân Nguyễn Thị Nga thử sức tại nhiều vị trí chủ chốt trong ngành may mặc và xuất nhập khẩu. Năm 2000, bà Nga trở thành cổ đông của Ngân hàng thương mại cổ phần Kỹ thương Việt Nam (Techcombank) và hai năm sau được bầu giữ̃ chức vụ Phó Chủ tịch ngân hàng này. Năm 2005, bà thay thế ông Lê Kiên Thành, trở thành Chủ tịch trong khoảng thời gian trống giữa hai nhiệm kỳ…
Tại thời điểm năm 2006, sau khi thoái vốn khỏi Techcombank, bà Nga đã đầu tư và trở thành Chủ tịch HĐQT SeAbank. Cuối cùng, sau nhiều năm gắn bó bà đã rời chiếc ghế Chủ tịch tại SeAbank vào năm 2019 theo quy định. Bên cạnh đó, bà còn tham gia vào hàng loạt các “hệ sinh thái” khác thuộc Tập đoàn BRG do bà quản lý.
Năm 1993, bà Nguyễn Thị Nga thành lập BRG. Khởi tạo với ngành nghề kinh doanh xuất nhập khẩu. Sau gần 3 thập kỷ, Tập đoàn BRG trở thành một công ty đầu tư và hoạt động tập trung chủ yếu các lĩnh vực: Tài chính – Ngân hàng và sân Golf, bất động sản, khách sạn – nghỉ dưỡng… Tập đoàn BRG với vốn điều lệ là 1.800 tỷ đồng (năm 2015) và hiện đang sở hữu rất nhiều bất động sản “vàng” tại khu vực miền Bắc.
Bà Nguyễn Thị Nga từng được Tạp chí Forbes vinh danh là một trong 3 nữ doanh nhân Việt Nam quyền lực nhất châu Á. (Ảnh: Internet)
Là người phụ nữ “dám nghĩ dám làm” bà Nguyễn Thị Nga đã chi hàng triệu đô la để thâu tóm khách sạn nghỉ dưỡng hạng sang như: khách sạn Hilton Hanoi Opera, Hilton Garden Inn Hanoi (Trần Hưng Đạo), Khách sạn Sông Nhuệ (Hà Đông). Năm 2016, bà Nga mua lại khách sạn Sedona Suites Hanoi (nay là Diamond Westlake Suit) từ Tập đoàn Keppel Land Ltđ của Singapore với giá 31,5 triệu USD.
Tháng 12/2016, Công ty Cổ phần Khách sạn Thắng Lợi cùng với Tập đoàn Hilton Worldwide đã ký kết hợp đồng quản lý tổ hợp hai khách sạn quy mô (Hilton Hanoi Westlake và DoubleTree by Hilton Hanoi Westlake. Dự án này cũng đánh dấu sự ra đời của hình thức tổ hợp khách sạn tại Việt Nam.
Tháng 4/2015, đơn vị thành viên của Tập đoàn BRG là Công ty Cổ phần Phát triển TN đã chính thức bắt tay thực hiện dự án Khách sạn 5 sao, Trung tâm Thương mại và Căn hộ cao cấp – Hilton Hai Phong and Residences, với tổng vốn đầu tư hơn 2.200 tỷ đồng.
Không chỉ ở khu vực phía Bắc, bà Nguyễn Thị Nga cũng thâu tóm các khách sạn lớn nhỏ tại miền Trung và miền Nam như: Khách sạn Mondial Hotel Huế (Thừa Thiên Huế) và khách sạn Asian Hotel tại Thành phố Hồ Chí Minh.
Năm 2017, Tập đoàn BRG và Tập đoàn Marriott International công bố hợp tác về dự án khách sạn Sheraton Đà Nẵng, một trong những dự án trọng điểm phục vụ hội nghị APEC 2017.
Khu tổ hợp Sheraton Grand Đà Nẵng Resort. (Ảnh: Internet)
Đến “bà hoàng” trong lĩnh vực sân golf
Không chỉ là “đế chế” trong lĩnh vực ngân hàng, “thủ phủ” của những khách sạn đình đám mà bà Nga còn được xem là “bà hoàng” trong lĩnh vực sân golf.
Bà Nga đã định hướng Tập đoàn BRG vận hành hàng loạt hệ thống khu tổ hợp golf đẳng cấp như BRG Kings Island Golf Resort, BRG Đà Nẵng Golf Resort, BRG Legend Hill Golf Resort, BRG Ruby Tree Golf Resort – Hải Phòng (tên cũ là sân gôn Đồ Sơn Seaside Golf Resort) … Và dự án quần thể khu biệt thự nghỉ dưỡng BRG Coastal City, có tổng diện tích 350 ha tại Hải Phòng.
“Bà hoàng sân golf” – Madame Nga. (Ảnh: Internet)
Không dừng lại ở các lĩnh vực kể trên, bà Nga còn tiếp tục đầu tư lĩnh vực bất động sản với hàng loạt các dự án như: Khu căn hộ Oriental Palace ở Hồ Tây, Oriental Tower ở Tây Sơn, Oriental West Lake ở Lạc Long Quân – Hà Nội, Thanh Xuân, Hà Nội, Oriental Garden ở Lê Văn Lương, Oriental Pearl ở Hai Bà Trưng, BRG Grand Plaza ở 16 Láng Hạ… Và nhiều dự án bất động sản lớn nhỏ khác.
Ngoài ra, năm 2018, Tập đoàn BRG do bà Nga làm CEO đã nhận giấy chứng nhận Chủ trương đầu tư Thành phố Thông minh thuộc quy hoạch hai bên tuyến đường Nhật Tân – Nội Bài.
Hiện tại, Tập đoàn BRG đang giữ vai trò là đối tác tin cậy của Đài Truyền hình Việt Nam để phát triển dự án tháp truyền hình cao 636m cao nhất trên thế giới. Dự án này có sự chung tay của Tổng Công ty đầu tư kinh doanh vốn Nhà nước. Tổng mức chi phí đầu tư lên tới 900 triệu USD.
Sân Golf của BRG tại Đà nẵng. (Ảnh: Internet)
Bà Nguyễn Thị Nga từng được Tạp chí Forbes vinh danh là một trong 3 nữ doanh nhân Việt Nam quyền lực nhất châu Á, bà Nga đang sở hữu cổ phần lớn trong ngành ngân hàng, nhiều sân golf, dự án bất động sản lớn trên khắp cả nước, tuy nhiên, giá trị tài sản của bà Nga còn là một ẩn số?
Nữ doanh nhân Nguyễn Thị Nga quả thực là một tấm gương sáng về việc tự lực, tự cường dám nghĩ dám làm của người phụ nữ xã hội mới. Bà chính là người tạo động lực giúp nữ giới có thêm tự tin thể hiện năng lực bản thân, trở nên vĩ đại, có thể gây dựng sự nghiệp lớn thành công không thua kém gì những người đàn ông.
Là doanh nghiệp “đằng sau” tòa tháp tài chính cao 108 tầng lấy ý tưởng từ tà áo dài Việt Nam
Tháp Phương Trạch Tower là tòa tháp tài chính cao 108 tầng và dự kiến sẽ là tòa tháp cao nhất Việt Nam và khu vực Đông Nam Á khi được đưa vào hoạt động, nằm trong thiết kế mặt bằng với vị trí trung tâm tại dự án BRG Smart City, dự án được liên doanh bởi 2 tập đoàn đầu tư bất động sản BRG và Sumitomo Nhật Bản.
Tháp Phương Trạch Tower dự kiến sẽ là tòa tháp cao nhất Việt Nam và khu vực Đông Nam Á. (Ảnh: Internet)
Dự án được quy hoạch trên địa bàn hai xã Hải Bối và Vĩnh Ngọc, huyện Đông Anh, thành phố Hà Nội, được xây dựng nằm trên tuyến đường đi từ cầu nhật Tân đến Sân bay Nội Bài.
Tháng 6/2018, hai nhà đầu tư chính thức của dự án là BRG và Sumitomo Nhật bản đã chính thức cấp giấy chứng nhận đầu tư trong hội nghị đầu tư tại Hà Nội.
Dự án có tổng số vốn đầu tư khoảng 4,2 tỷ USD và có diện tích quy hoạch lên đến 2727 ha. Kiến trúc dự án được lấy ý tưởng từ truyền thống Hoàng thành Thăng Long – Hà Nội nhằm tái hiện lại hình ảnh “Rồng đón ngọc” với trục chính là tuyến đường Nhật Tân – Nội Bài, đầu hướng về hồ Tây, đuôi hướng về Nội Bài.
Phối cảnh vị trí dự án BRG Smart City, ngay chân cầu Nhật Tân. (Ảnh: Internet)
Tháp Phương Trạch Tower được coi là điểm nhấn kiến trúc độc đáo của siêu đô thị thông minh BRG Smart City, nằm ngay điểm đầu vào cửa ngõ Thủ đô nhìn về cầu Nhật Tân. Thiết kế tòa tháp lấy ý tưởng từ tà áo dài truyền thống của nước ta, với hình ảnh uyển chuyển, thướt tha, rơi nhẹ của những tà áo dài đem lại cảm giác thanh thoát.
Tại tầng trệt của tòa tháp, sẽ xây dựng một khu rừng nhiệt đới thu nhỏ, bao gồm rất nhiều thảm thực vật, các loại cây tán lớn đặc trưng cho môi trường, khí hậu và hệ sinh thái của Việt Nam. Bên trong tòa tháp cao 108 tầng là hệ thống các căn hộ thương mại, khách sạn và dịch vụ, sòng bạc quốc tế chuẩn chất lượng đạt chuẩn 5 sao. Tại tầng cao nhất của tòa tháp còn sở hữu tầm view cực đẹp khi quan sát được toàn bộ cảnh quan của khu đô thị rộng lớn.
Thiết kế tháp Phương Trạch Tower. (Ảnh: Internet)
Một trong 2 chủ đầu tư của dự án, BRG Group được sáng lập bởi bà Nguyễn Thị Nga từ năm 1993, khởi tạo với ngành nghề kinh doanh xuất nhập khẩu. Đến hiện nay, Tập đoàn BRG đang cung cấp những sản phẩm và dịch vụ trong các lĩnh vực bao gồm khách sạn, vui chơi giải trí, bán lẻ, sản xuất và thương mại dịch vụ, bất động sản, tài chính, sân gôn…
Theo giới thiệu trên website, trải qua hơn 30 năm xây dựng và phát triển, Tập đoàn BRG hiện đang có hàng chục công ty thành viên và liên kết trên khắp đất nước và gần 22.000 cán bộ nhân viên.
BRG được biết đến là 1 doanh nghiệp sở hữu các khách sạn, dự án bất động sản nằm ở những vị trí đắc địa tại Hà Nội.
Từ 2009-2012, BRG đã âm thầm mua lại Hilton Hanoi Opera – một khách sạn có vị trí vàng ngay cạnh Nhà hát Lớn và gần hồ Hoàn Kiếm. Năm 2009, BRG mua lại 70% cổ phần khách sạn này từ hai quỹ đầu tư được niêm yết trên thị trường chứng khoán London là VinaLand Limited (VNL) và Vietnam Opportunity Fund Limited (VOF) thuộc quản lý của VinaCapital. Đến năm 2012, BRG thâu tóm nốt 30% còn lại từ đối tác Đức và Áo.
Năm 2013, BRG thông qua công ty con Ngân Anh khai trương khách sạn mang thương hiệu Hilton thứ 2 là Hilton Garden Inn Hanoi tọa lạc trên đường Phan Chu Trinh.
Năm 2014, BRG mua lại 30% cổ phần của Công ty TNHH Một thành viên Khách sạn Du lịch Thắng Lợi – khách sạn do Cuba xây tặng Việt Nam từ năm 1975, đạt tiêu chuẩn 4 sao, và bao trọn một góc hồ Tây ở đường Yên Phụ. Sau đó khách sạn Thắng Lợi được đổi thành dự án Hilton Hanoi Westlake.
Chủ tịch HĐQT Tập đoàn BRG Nguyễn Thị Nga. (Ảnh: Internet)
BRG cũng đã hoàn tất thâu tóm Intimex Việt Nam, Intimex được cho là đang quản lý quỹ đất lớn với tổng số trên 2,5 triệu m2 đất, chủ yếu là nhà xưởng, thương mại, văn phòng và siêu thị khắp cả nước, cũng như đang sở hữu tới trên 45,5% tại Công ty Địa ốc Hoàng Đức Long Khánh. Đáng chú ý, Intimex còn là chủ đầu tư dự án khách sạn 6 sao Four Seasons tại khu “đất vàng” 22 – 32 Lê Thái Tổ.
BRG còn đang sở hữu trực tiếp và gián tiếp cổ phần của một số công ty khác như: 43% vốn của công ty TNHH MTV Du lịch Dịch vụ Dầu khí Việt Nam (OSC Việt Nam), Công ty TNHH Thung lũng Vua (công ty con của BRG) và CTCP Thương mại và du lịch Ngân Anh là cổ đông lớn đều nắm hơn 27% của Công ty TNHH Một thành viên Thăng Long GTC (góp vốn vào liên doanh đầu tư khách sạn InterContinental West Lake Hà Nội, khu căn hộ cho thuê Pan Horizon Execcutive Residences, dự án Time Square, …).
Trong mảng sân gôn, Tập đoàn đang sở hữu nhiều sân gôn đẳng cấp thế giới với những phong cách thiết kế độc đáo thu hút hàng trăm nghìn lượt khách mỗi năm như Sân golf Kings’ Island Golf Resort (Đồng Mô, Sơn Tây, Hà Nội), Sân golf Đồ Sơn Seaside Golf Resort (Đồ Sơn, Hải Phòng), Sân golf Legend Hill Golf Resort (Sóc Sơn, Hà Nội).
Chủ tịch Tập đoàn BRG, bà Nguyễn Thị Nga cũng đang là Phó Chủ tịch Ngân hàng TMCP Đông Nam Á (SeaBank – mã: SSB), sở hữu hơn 72,1 triệu cổ phiếu SSB.
Còn Tập đoàn Sumitomo là một trong những tập đoàn thương mại và đầu tư lớn nhất Nhật Bản.
Sumitomo hiện đang có 131 văn phòng trên toàn thế giới; tổng tài sản 71,1 tỷ USD, vốn chủ sở hữu 26,6 tỷ USD, thu nhập ròng 3,8 tỷ USD.
Sumitomo Corporation là một trong những tập đoàn thương mại và đầu tư lớn nhất Nhật Bản. (Ảnh: Internet)
Tại Việt Nam, Tập đoàn đã đầu tư, tham gia vào nhiều lĩnh vực khác nhau của nền kinh tế Việt Nam, bao gồm: các khu công nghiệp; đường sắt đô thị; các nhà máy điện; các dự án sân bay, logistics, bất động sản…
Sumitomo ghi dấu tại loạt dự án lớn như: Khu công nghiệp Thăng Long (Hà Nội), Khu công nghiệp Thăng Long 2 (Hưng Yên), tổng thầu xây dựng đoạn trên cao tuyến đường sắt đô thị số 1 TP. HCM (Bến Thành – Suối Tiên), tổng thầu xây dựng các nhà máy nhiệt điện Phả Lại, Duyên Hải 3 mở rộng, Phú Mỹ 2-2…
Công ty TNHH Sumidenso Việt Nam (thành viên của Tập đoàn Sumitomo), hãng sản xuất dây điện dành cho ô tô lớn nhất thế giới với 100% vốn đầu tư của Nhật Bản. (Ảnh: Internet)
Trong lĩnh vực tài chính ngân hàng, cuối năm 2021, SMBC đã hoàn tất thương vụ 1,4 tỉ USD mua 49% vốn FE Credit từ VPBank.
Ngoài các thương vụ kể trên, Sumitomo còn đầu tư vào mảng bảo hiểm của Việt Nam thông qua thương vụ đầu tư và M&A giữa Sumitomo Life và Tập đoàn Tài chính – Bảo hiểm Bảo Việt. Hiện, tỷ lệ nắm giữ cổ phần của Sumitomo Life tại Bảo Việt lên tới 22,09%, là cổ đông tổ chức lớn thứ 2 của Bảo Việt, chỉ sau Bộ Tài chính.
Ngoài dự án BRG Smart City, Sumitomo còn cùng với BRG kí kết Hợp đồng Liên doanh nhằm phát triển toàn diện chuỗi siêu thị FujiMart tại thị trường Việt Nam.