Ngôi làng này đã tồn tại hàng trăm năm qua và chỉ lưu truyền 1 nghề “cha truyền con nối” nhưng cũng đủ để khiến ai cũng trầm trồ.
Việt Nam từ xa xưa vẫn trải qua nhiều thời kỳ hưng thịnh, mỗi thời kỳ khác nhau lại có sự lên ngôi của một xu hướng, văn hóa hay một nghề nghiệp khác nhau. Thế nhưng riêng một ngôi làng dưới đây trải qua nhiều thời kỳ thì vẫn rất “thăng hoa”, người dân ở đây có cuộc sống ổn định và đặc biệt là vẫn giữ một nghề truyền thống đến hiện tại.
Đó chính là Làng Cựu – một trong những làng từng nổi tiếng với nghề may, nơi sản sinh ra những nhà may đệ nhất Hà Thành. Trải qua nhiều thăng trầm, làng Cựu đã có thời gian tồn tại gần 500 năm, đến nay ngôi làng vẫn giữ được nét đẹp yên bình, cổ kính của làng quê Bắc Bộ thời xưa.
Ông Trần Đức Tiến (67 tuổi) – trưởng thôn làng Cựu cho hay, khoảng năm 1920, trong làng đã xảy ra cuộc hoả hoạn khiến nửa làng gần như bị thiêu trụi. Những ngôi nhà trong làng chủ yếu làm bằng tre nứa nên lửa lan rất nhanh. Sau đó là đói kém mất mùa xảy ra khiến cuộc sống của dân làng ngày càng trở nên khó khăn.
Thời điểm đó, nhiều người dân đã khăn gói hành trang ra Hà Nội để kiếm kế sinh nhai. Nghề đầu tiên và cũng là nghề làm nên tên tuổi của làng Cựu đó là nghề cắt may quần áo, âu phục. Với sự khéo léo, cần cù chịu khó chỉ một thời gian sau việc buôn bán đã diễn ra tốt đẹp, khách kéo đến đây ngày càng đông. Tài may thêu của người dân làng Cựu được người Pháp và giới người giàu Hà Nội tín nhiệm và dần dà, họ ngày càng nổi tiếng, được mệnh danh là làng thợ may “đệ nhất Hà Thành”.
Khoảng những năm 1930 – 1940, khi kinh tế ổn định hơn, nhiều người dân đã trở về xây dựng lại làng. Từ đây, những công trình nhà Việt cổ kết hợp với kiến trúc phương Tây được tạo ra, biến làng Cựu trở thành một “làng Tây sang trọng”. Nghề này sau đó cũng được truyền dạy, người đi trước còn mở lớp dạy, truyền nghề cắt may cho lớp trẻ trong làng. Cứ thế, năm này qua năm khác, nghề cắt may quần áo không chỉ giúp nhiều hộ dân thoát nghèo mà còn mang đến cho làng Cựu cái tên “làng người giàu”.
Đến hiện tại, dù thời đại mới, cuộc sống đã hiện đại hơn và có vô số sự thay đổi nhưng người dân nơi này vẫn giữ nghề may, thêu đến tận bây giờ như một nét đẹp văn hóa truyền thống của ông cha.