“Làm được điều gì cho nông dân tôi đều rất hạnh phúc”
Ông Trần Mạnh Báo là người con của quê lúa, sinh ra trong gia đình có truyền thống làm nông tại tỉnh Thái Bình. Ông là con cả trong nhà, dưới ông còn 9 người em, nên chuyện cơm độn khoai sắn, bữa đói bữa no không hề hiếm với gia đình ông. Năm 15 tuổi, ông tham gia Đội dân quân tự vệ, bắt đầu cầm súng đi đánh giặc ở khu vực cửa sông Diêm Điền, huyện Thái Thụy.
Năm Mậu Thân 1968, mang phẩm chất Anh bộ đội cụ Hồ, ông Trần Mạnh Báo nhập ngũ rồi vào miền Nam, trở thành lính Sư đoàn 320 trên chiến trường máu lửa Quảng Trị. Sau đó, ông cùng đồng đội vượt Trường Sơn, trở thành lính Sư đoàn 1 chiến đấu giải phóng 6 tỉnh phía Nam Campuchia và 3 tỉnh miền Tây Nam bộ. Ông Báo nhớ lại: “Là anh bộ đội cụ Hồ, tôi không nề hà bất cứ gian khổ, khó khăn nào, hoàn thành tất cả nhiệm vụ do cấp trên giao. Hàng chục lần đối diện với cái chết, nhưng chưa bao giờ trong tôi xuất hiện ý nghĩ thoái lui. Được đứng trong hàng ngũ của Đảng là một niềm vinh dự rất lớn”.
Sau giải phóng, ông trở về quê hương với thương tật 2/4. Sau đó, thương binh Trần Mạnh Báo được nhận vào làm công nhân chăn nuôi lợn ở Trạm Truyền giống lợn Hưng Hà và làm tạp vụ Công ty Giống cây trồng Thái Bình. Ông là người ham đọc sách, tuy công việc vất vả, nhưng ông nghĩ nếu không học hành tử tế thì chẳng mấy chốc mình biến thành con hạc gỗ trong đình “Muốn bay không cất nổi mình mà bay”. Vậy nên, ông đã dành cả cuộc đời và tâm huyết của mình để nghiên cứu sản xuất giống lúa, từng bước thăng chức, đưa Tổng công ty Giống cây trồng Thái Bình (ThaiBinh Seed) trở thành doanh nghiệp lớn, có tầm ảnh hưởng toàn quốc như hôm nay. Nhận xét về ông, Cựu Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc từng nói: “Người như thế rất hiếm, xứng đáng Anh hùng”.
Chính mục tiêu đó đã thúc giục người thanh niên 26 tuổi năm ấy xin học lại cấp III, miệt mài đèn sách rồi tốt nghiệp đại học Nông nghiệp. Không uổng sự cố gắng, năm 1987, ông Báo được đề bạt làm Trại phó Trại Giống lúa cấp 1 Đông Cơ (huyện Tiền Hải) trong tình trạng sản xuất không hiệu quả. Ông trăn trở, suy nghĩ phải thay đổi cách làm và xây dựng phương án đổi mới quản lý thì may ra mới khá lên được.
Từ quyết tâm đó, ông xây dựng đề án “Khoán sản phẩm cuối cùng đến người lao động trong sản xuất nông nghiệp quốc doanh”. Sau một năm, kết quả vượt xa mong đợi khi người lao động từ chỗ hưởng 16kg gạo/tháng đã tăng lên 40 kg/tháng. Trên diện tích 56 ha của trại đã sản xuất được trên 600 tấn thóc, tăng gấp 10 lần so với năm 1987, trong 2 năm 1988 – 1989, Công ty xóa bỏ chế độ tem phiếu.
Tiếp nối thành công, ông đã giúp công ty mở tung cánh cửa bao cấp sang hạch toán kinh doanh. Trở thành đơn vị dẫn đầu ngành nông nghiệp tỉnh Thái Bình và được tặng thưởng Huân chương Lao động hạng Ba. Từ một anh công nhân chăn nuôi lợn “không số, không má”, ông đã nỗ lực phấn đấu trở thành người đứng đầu công ty Giống cây trồng Thái Bình. Về sau, ông Trần Mạnh Báo đã cùng cộng sự của mình nghiên cứu ra nhiều giống lúa được công nhận là giống lúa quốc gia.
Khó khăn cũng là thách thức
Ngay khi nhà nước có chủ trương về đổi mới và nâng cao hiệu quả doanh nghiệp Nhà nước, ông đã thực hiện bước đi táo bạo tiến hành cổ phần hóa công ty. Với sự tiên phong này ông nhận được sự đồng tình của các cấp lãnh đạo tỉnh Thái Bình lúc bấy giờ.
Biết rằng việc thay đổi mô hình kinh doanh từ doanh nghiệp nhà nước sang cổ phần hóa sẽ phải trải qua rất nhiều khó khăn khi công ty lúc bấy giờ thiếu thốn nhân lực, cơ sở vật chất thì nghèo nàn, trình độ quản trị cũng yếu kém, khoa học công nghệ lại lạc hậu… Muốn cổ phần hóa thì phải thay đổi cả bộ máy vận hàng. Nhưng ông Báo tin rằng: “Dù cuộc lột xác đau đớn nhưng công ty chắc chắn lớn lên và phát triển mạnh mẽ”.
Việc chuyển đổi cổ phần hóa Công ty diễn ra nhanh chóng trong thời gian 3 tháng. Ngày 26/9/2004, ThaiBinh Seed chính thức đổi tên thành CTCP Tổng công ty Giống cây trồng Thái Bình. Ông Trần Mạnh Báo được bầu giữ chức vụ Chủ tịch Hội đồng Quản trị, kiêm Tổng giám đốc. Đến ngày 10/9/2018, CTCP Tổng công ty Giống cây trồng Thái Bình đổi tên thành Công ty cổ phần Tập đoàn ThaiBinh Seed.
Trải qua nhiều vị trí lãnh đạo, doanh nhân Trần Mạnh Báo vẫn luôn chỉ nhận mình là nông dân vì cả cuộc đời ông gắn bó với đồng ruộng, với bà con nông dân. Trong hành trình nửa thế kỷ qua, có không ít khó khăn, thử thách song với bản lĩnh kiên cường, sự quyết đoán của bộ đội cụ Hồ, ông Báo đã xây dựng ThaiBinh Seed từ một trại giống thành một tập đoàn đa ngành, có vị thế, diện mạo như ngày nay.
Trong suốt thời gian làm nghề, Thaibinh Seed đã nghiên cứu, chọn tạo thành công và được công nhận gần 20 giống cây trồng mới, gồm TBR225, TBR279, Đông A1, TBR89, A Sào, Phúc Thái 168, QL301… Đặc biệt, ông Báo và đội ngũ ThaiBinh Seed đã nghiên cứu thành công giống ngô lai TBM18, chuyển gen kháng đạo ôn vào giống lúa BC15, chuyển gen kháng bạc lá vào giống lúa TBR225, góp phần quan trọng vào quá trình đổi mới cơ cấu cây trồng, mùa vụ trong nông nghiệp Việt Nam.
Hiện nay, Thai Binh Seed đã mở rộng hoạt động trên 3 lĩnh vực: giống cây trồng, kinh doanh lương thực và thương mại dịch vụ với 12 chi nhánh, đơn vị thành viên trên toàn quốc. Công ty sở hữu bản quyền 21 giống cây trồng, góp phần quan trọng vào quá trình đổi mới cơ cấu cây trồng của Thái Bình nói riêng và cả nước nói chung. Hiện 20% diện tích sản xuất lúa của cả nước sử dụng giống lúa của ThaiBinh Seed.
Năm 2021, Công ty đã thực hiện liên kết với 70 điểm trong cả nước với diện tích 8.000ha, sản lượng đạt gần 30.000 tấn, lượng giống cung ứng cho nông dân đạt gần 26.000 tấn. Với hai nhà máy chế biến hạt giống, ThaiBinh Seed trở thành đơn vị đầu tiên thực hiện thành công công nghiệp hóa ngành giống.
Để vượt qua khó khăn, ông Báo đã điều cán bộ có chuyên môn giỏi về làm phó giám đốc, trưởng các phòng, ban nghiệp vụ, người lao động trong môi trường ổn định, thu nhập cao, xây dựng các chi nhánh ở nhiều vùng miền, xây dựng Trung tâm Nghiên cứu phát triển.
Chính sự cứng cỏi, tư duy dám nghĩ dám làm của người đứng đầu Trần Mạnh Báo đã giúp Thaibinh Seed có tốc độ phát triển nhanh và là một trong 500 doanh nghiệp có tốc độ phát triển nhanh nhất Việt Nam, cổ tức trong năm đạt 100% đến 300% vốn điều lệ.
Với niềm đam mê khoa học, dành trọn tâm huyết để nghiên cứu giống lúa, ông Báo luôn nghĩ: “Trong sản xuất nông nghiệp, giống không phải là khâu đắt nhất, cũng không phải yếu tố quyết định đến năng suất nhưng lại là khâu quan trọng không thể thiếu như nước để nấu cơm”.
Chính những tâm huyết, khát khao giúp nông dân, những năm qua công ty đã nghiên cứu, chọn tạo, sản xuất thành công nhiều loại giống cây trồng cho năng suất, chất lượng cao. Đặc biệt, có 9 giống cây trồng mới được công nhận giống quốc gia.
Hiện Công ty có 2 dây chuyền chế biến hạt giống chất lượng cao theo công nghệ tiên tiến của châu Âu, công suất 30.000 tấn/năm, sản phẩm đạt tiêu chuẩn quốc tế. Không chỉ vậy, ThaiBinh Seed còn đẩy mạnh liên kết sản xuất tại hơn 60 điểm trong cả nước với diện tích 5.500 – 6.000 ha/năm, mỗi năm tiêu thụ 20.000 – 22.000 tấn sản phẩm cho nông dân. Nhiều hộ nông dân liên kết với Công ty sản xuất giống lúa thu nhập trên 100 triệu đồng/ha/năm.
Là Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc nhưng vẫn xắn quần, lội ruộng cùng nông dân để tìm kiếm những “mùa vàng”
Trong suốt quãng thời gian làm bạn với lúa giống, ông Trần Minh Báo không bao giờ xem mình là cấp trên mà đứng chỉ việc. Ông không ngại cùng anh em trong công ty tự tay xuống ruộng, trồng lúa… việc gì cũng không nề hà.
“Con người sinh ra phải có lý tưởng. Một khi đã chọn được lý tưởng rồi thì phải xả thân cho lý tưởng đó. Con người sống không chỉ có mưu sinh mà còn phải cống hiến cho xã hội và trả ơn cho những người đã cho ta cuộc sống này” – đó là những lời mà ông Trần Minh Báo bộc bạch tâm huyết trong cuốn tự truyện “Đối thoại với cánh đồng” của chính mình.
Doanh nhân, cựu chiến binh Trần Mạnh Báo chia sẻ sở dĩ ông chọn con đường nghiên cứu, tạo giống lúa bởi lúa là cây trồng cung cấp lương thực lớn nhất. Ông luôn xem nông dân là người ăn cùng một mâm cơm, đi chung một con thuyền với doanh nghiệp mình. Chính vì thế nông dân được mùa cũng là thành công, hạnh phúc của ông.
Chia sẻ cảm nhận khi được Đảng và Nhà nước trao tặng danh hiệu Anh hùng Lao động thời kỳ đổi mới, doanh nhân Trần Mạnh Báo bộc bạch: “Đây là một vinh dự, nhưng cũng là trách nhiệm lớn mà tôi sẽ phải cố gắng nhiều hơn nữa trong mọi mặt để xứng đáng với danh hiệu cao quý, giữ vững vẻ vang này cho Tổng công ty. Chúng tôi sẽ tiếp tục phấn đấu hơn nữa, đưa ThaiBinh Seed ngày càng phát triển bền vững, tạo ra nhiều sản phẩm, kết quả nghiên cứu mới, đem lại hiệu quả tốt hơn, đóng góp tích cực vào quá trình phát triển của ngành nông nghiệp Việt Nam trong thời kỳ hội nhập quốc tế sâu rộng”.