Dạy bơi đã trở thành một trong những công việc hot nhất mỗi mùa hè, trở thành nghề tay trái giúp nhiều người gia tăng thu nhập.
Không chỉ là mùa của các loài hoa rực rỡ mà hè sang còn là thời điểm lý tưởng cho những hoạt động vui chơi, giải trí của các gia đình.
Khi các con không phải đến trường, bố mẹ thường ưu tiên lựa chọn các lớp năng khiếu, kích thích vận động để trẻ có một mùa hè bổ ích. Một trong những lớp học được các gia đình ưu tiên chọn lựa nhất là bơi. Bởi đây không đơn giản chỉ là học để vui mà nhiều gia đình đã nhận thức được bơi là một trong những kỹ năng sinh tồn cần phải có trong cuộc sống.
Từ cuối tháng 4, chị Minh Hà (Thanh Xuân, Hà Nội) đã phải cất công đi xếp hàng ở nhà văn hoá thiếu thi gần nhà để đăng ký cho 2 con học lớp bơi. “Vì bể bơi của nhà văn hoá không quá lớn, nhân lực dạy bơi cũng có hạn nên chỉ mở được 3 lớp dạy bơi, sau 2 con tôi thì chỉ còn đúng 3 chỗ trống trong danh sách đăng ký”.
Trong khi đó, chị Thúy Ngà (Cầu Giấy) hẹn lịch trước với giáo viên dạy bơi của mình để hè cho con trai theo học. “Vợ chồng tôi đã học với thầy từ tháng 2, khi con nghỉ hè đã đăng ký cho con 3 tháng để thầy kèm. Thầy dạy theo nhu cầu cá nhân nên cũng phải xếp lịch từ tháng trước, chúng tôi chọn bể ngay trong tòa nhà, thầy sẽ tới tận nơi dạy. Các năm trước con đã học vẽ, học bơi, năm nay con đã mạnh dạn hơn nên tôi muốn cho con có thêm kỹ năng mới”, chị nói.
Thầy giáo Hà Nội một ngày dạy bơi 9-10 ca
Ngoài công việc chính là giáo viên thể chất tại một trường học ở Hà Nội, Phạm Tiến Đạt (26 tuổi) còn nhận dạy bơi lội cho các lứa tuổi. “Mình dạy quanh năm nhưng cao điểm đông học viên nhất vẫn là vào mùa hè, khoảng từ tháng 6 đến tháng 9. Tuy nhiên, năm nay cũng có các phụ huynh hẹn lịch dạy từ tháng 5 vì nhiều trường đã sớm hoàn thành chương trình học, các con đã thi xong”.
Khi chưa kết thúc năm học, Đạt vẫn duy trì công việc cố định trên trường. Thế nhưng, sau giờ làm, những buổi chiều tối từ 17 giờ đến 20 giờ các ngày trong tuần, anh đều có mặt ở bể bơi.
“Mỗi ca dạy của mình sẽ kéo dài từ 50 phút đến 70 phút. Nhu cầu bây giờ người học không thích đông đúc mà rất thích thuê riêng giáo viên cho nên mình cũng chủ yếu dạy 1-1 hoặc các nhóm nhỏ như gia đình, nhưng hầu như mỗi giáo viên sẽ dạy không quá 3 học viên/ca. Dạy như này, phụ huynh muốn thầy sẽ chú ý và dạy kèm cặp cặn kẽ cho từng người, thời gian để học viên thành thạo cũng nhanh hơn“, Đạt nói về xu hướng học bơi hiện nay.
Anh cho biết thêm, học viên cũng có hai lựa chọn, tùy thỏa thuận và nhu cầu của hai bên, một là học ở bể bơi thầy chỉ định, hai là thầy giáo sẽ đến tận nhà. “Tùy vào vị trí của các học viên, mình thường xếp những ai nhà ở cùng một khu vực thì mình sẽ chọn bể bơi cố định, lo luôn chuyện mua vé và các chi phí, học viên chỉ việc tới”. Nhưng nếu gia đình muốn chủ động chọn bể bơi thì anh sẽ tự chạy xe đến để dạy. Đạt thường nhận học viên ở khu vực quận Ba Đình, Tây Hồ, Cầu Giấy, cũng có lúc đến nhà học viên ở Thanh Xuân, Hoàng Mai.
Riêng 2 ngày cuối tuần, anh Đạt dồn hết công suất, tuần cuối tháng 5 là một ngày dạy 7-8 ca, gần như ăn nghỉ ở các bể bơi. Còn những ngày này, khi vào cao điểm tháng 6, mỗi ngày anh sẽ dạy 9-10 ca. Và được biết, mấy năm nay, nhịp độ dạy đều duy trì, ngoại trừ những ngày đi coi thi hay làm công việc khác của trường.
Phí dạy học bơi dựa trên nhiều tiêu chí và không dễ dàng để lấy được lòng tin của học viên
Nhu cầu học bơi không giới hạn với bất cứ độ tuổi nào, song, theo Phạm Tiến Đạt, dù đã có hơn 5 năm theo đuổi nghề tay trái này nhưng với mỗi học viên, anh đều phải lên lịch trình dạy riêng.
“Dạy những bạn dưới 5 tuổi, các con chưa tự lập hoàn toàn nên lắm khi thầy dạy, bố mẹ phải xuống cùng, hoặc là ở trên bờ động viên. Còn các bạn 6 tuổi trở lên dễ chỉ dạy nhất, các con không nhanh chán nếu thầy biết khuấy động, tổ chức các trò chơi dưới nước. Học viên lớn thì cơ xương khớp đã phát triển đầy đủ, cần ôn kỹ hơn và chia nhọ động tác hơn để có thể thích nghi và thả lỏng trong môi trường nước”. Không chỉ có vậy, với các học viên là nữ thì thầy giáo cũng cần lưu tâm và cẩn trọng nhiều vấn đề trong quá trình dạy bơi hơn so với học viên nam.
Nếu như các bể bơi bán vé tháng, nhiều trung tâm dạy bơi cũng thu theo tháng thì những người dạy bơi cá nhân như anh Đạt thường tính học phí theo buổi hơn. “Thường sẽ có một hoặc nhiều hơn một buổi để mình trao đổi và làm quen với học viên, với phụ huynh và xem xét. Học phí sẽ dựa vào một số tiêu chí nhất định như lứa tuổi, học viên có sợ nước hay không, giới tính, yêu cầu của lớp học.”
Theo khảo sát của chúng tôi, trung bình, một buổi học bơi với giáo viên cá nhân như anh Đạt, các học viên sẵn sàng chi trả từ 300.000đ – 500.000đ/ca. “Trước kia còn là sinh viên đi dạy thêm, có những lớp mình chấp nhận dạy lấy kinh nghiệm, đến bao giờ học viên biết thở và thực hiện các động tác bơi cơ bản mình mới dám thu phí của phụ huynh. Hiện tại, may mắn được phụ huynh tin tưởng, nên số tiền từ công việc dạy bơi trong 3 tháng hè cũng chiếm phần lớn trong thu nhập mỗi năm của mình, Đạt nói.
Tuy nhiên, không phải vì chạy theo nhu cầu mà Phạm Tiến Đạt bị cuốn vào cường độ làm việc không ngừng nghỉ. Dạy môn thể thao, anh luôn giữ kỷ luật ăn uống, tập luyện. “Mình được đào tạo bài bản nên mình rất hiểu chế độ dinh dưỡng quan trọng thế nào trong tập luyện. Mình sẽ sắp xếp lịch dạy làm sao để có những khoảng nghỉ giữa các ca, cũng là thời gian để cơ thể thư giãn, phục hồi các cơ. Nếu hôm nào dạy cả ngày, mình sẽ mang theo đồ ăn và chuẩn bị thêm đồ ăn lót dạ cho các học viên”.
“Đôi khi phải gác lại một số cuộc vui với bạn bè, hay thậm chí nếu có đám cưới bạn vào những ngày này, mình cũng chấp nhận cáo lỗi không về được vì không thể đổi lịch của học viên”, anh nói thêm.
Sự kỷ luật và tinh thần dạy học của thầy giáo cũng là một trong những yếu tố quyết định để các phụ huynh, học viên trao lòng tin. Phạm Tiến Đạt đã gặp không ít trường hợp một số bố mẹ của các bạn nhỏ tới quan sát thầy dạy các lớp khác cả một tuần trời, sau đó gặp trực tiếp “khảo sát” rồi mới ngỏ ý đăng ký cho con. “Thấy các học viên, có người từng rất sợ nước nhưng sau này đã biết bơi và còn rất thành thạo, đó là thành tựu lớn nhất, là động lực để mình theo đuổi nghề dạy bơi”.