Là những
Ông Đoàn Nguyên Đức – Chủ tịch Hoàng Anh Gia Lai
Ông Đoàn Nguyên Đức có biệt danh là bầu Đức (sinh 1962), quê quán tại xã Nhơn Mỹ, huyện An Nhơn, tỉnh Bình Định. Hiện ông đang giữ chức vụ Chủ tịch Tập đoàn Hoàng Anh – Gia Lai.
Năm 1982, sau khi tốt nghiệp cấp 3 hệ 10 năm, Đoàn Nguyên Đức vào TP.HCM thi đại học. Năm ấy, ông Đức thi trượt. Không nản lòng, bầu Đức tiếp tục vừa làm vừa học, quyết thi đại học, nhưng tới lần thi thứ 4, ông vẫn không đậu.
Sau 4 lần thi trượt đại học, bầu Đức nhận ra có nhiều con đường để dẫn đến thành công. “Con đường học vấn không mỉm cười với mình thì nên chọn con đường khác. Mọi con sông đều dẫn ra biển lớn, mọi con đường đều chia ra những lối rẽ riêng”, bầu Đức nói. Và rồi, ông chọn con đường khởi nghiệp bằng trường đời. Ông làm đủ nghề để kiếm sống và tích cóp kinh nghiệm.
Năm 1990, ông mở một phân xưởng nhỏ có tên Xí nghiệp tư nhân Hoàng Anh chuyên đóng bàn ghế cho học sinh tại quê nhà. Xí nghiệp này chính là tiền thân của Công ty cổ phần Hoàng Anh Gia Lai bây giờ. Với ý tưởng kinh doanh độc đáo táo bạo và ý chí hơn người, doanh nghiệp của ông Đức đã phất lên như diều gặp gió. Ông mở rộng hoạt động kinh doanh sang nhiều lĩnh vực và sở hữu khối tài sản đáng nể. Từ đó đến nay, cái tên Bầu Đức càng nổi như cồn sau những sự kiện lớn trên hầu hết các báo Việt Nam và cả trên thế giới.
Bầu Đức từng chia sẻ: “Tôi không có bằng đại học là đúng nhưng người ta tưởng tôi không học là hiểu lầm. Ở trường đại học, các bạn chỉ học có 5 năm còn tụi tôi học trường đời tới 35 năm rồi”.
Ông chủ HAGL tâm sự rằng: “Tôi không có bằng Đại học nhưng có khoảng 10 nghìn cử nhân đã làm việc cho tôi. Có những người học ở Mỹ tốt nghiệp Đại học loại xuất sắc…”.
Bà Nguyễn Thị Như Loan – Chủ tịch HĐQT công ty Quốc Cường Gia Lai
Bà Nguyễn Thị Như Loan (còn gọi là Loan Méng) sinh năm 1960, quê gốc ở Phú Yên. Chỉ học hết lớp 12, không hề có một tấm bằng đại học nào nhưng bà Loan vẫn là một “nữ tướng” đáng nể trên thương trường Việt Nam.
Hiện tại, bà là Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc công ty cổ phần Quốc Cường Gia Lai sở hữu khối lượng tài sản khoảng 454,4 tỷ đồng. Năm 2013, bà Như Loan lọt vào top 100 nữ doanh nhân Việt Nam tiêu biểu được vinh danh và nhận cúp Bông hồng vàng.
Năm 2012, bà Loan lọt top 15 người giàu nhất sàn chứng khoán Việt Nam năm 2012, nắm trong tay hàng loạt bất động sản lớn với khối tài sản khoảng 545 tỷ đồng.
Bà Loan khởi nghiệp bằng nghề chế biến, cung cấp đồ gỗ. Nhờ nghề này, bà đã có được một cơ ngơi đồ sộ, một gia sản khổng lồ từ những năm 80. Thời đó, cùng với ông Đoàn Nguyên Đức (tức bầu Đức), bà Loan là một trong hai chủ buôn gỗ lớn nhất ở tỉnh Gia Lai.
Sau một thời gian, bà Loan chuyển sang kinh doanh phân bón. Tuy nhiên, công việc làm ăn của bà gặp nhiều thăng trầm, rủi ro. Khi một khách hàng nợ tiền phân bón của bà Loan trả nợ bằng một lô đất, bà rẽ sang bất động sản. Bà Loan cùng với đối tác đầu tư vào khu đất này, mỗi bên góp 50% vốn lập ra Công ty TNHH Hoàng Anh.
Năm 1994, bà Loan bán lại cổ phần của mình và lập ra Xí nghiệp Tư doanh Quốc Cường. Năm 2007, công ty niêm yết trên sàn chứng khoán và đổi tên thành Công ty Cổ phần Quốc Cường Gia Lai, nổi tiếng trong lĩnh vực kinh doanh bất động sản.
Tham gia kinh doanh nhiều ngành nghề nhưng chủ yếu bà Loan vẫn làm giàu nhờ bất động sản. Bà đầu tư vào hàng loạt dự án bất động sản và tích lũy được khối tài sản kếch sù.
Dù chỉ tốt nghiệp THPT, nhưng trong làm ăn kinh doanh, bà Loan nổi tiếng là người tư chất mạnh mẽ, quyết đoán.
Ông Lê Phước Vũ – Chủ tịch Tập đoàn Hoa Sen
Chủ tịch tập đoàn Hoa Sen, ông Lê Phước Vũ nổi tiếng với câu nói: “Giàu nhưng phải chân chính, tài giỏi nhưng phải trung thực và thành công phải chia sẻ với cộng đồng”.
Sinh ra và lớn lên tại một vùng đất lam lũ thuộc tỉnh Bình Định, Lê Phước Vũ đã có những bước chân đầu tiên đầy gian truân.
Sau khi tốt nghiệp phổ thông tại quê nhà, ông tiếp tục học Trung cấp ngành vận tải ô tô và sau đó vào miền Nam lập nghiệp, bằng nghề làm ở đội xe khoán, rồi lái xe con…
Loay hoay tìm kế mưu sinh trong giai đoạn khó khăn chung, ông Vũ phiêu bạt từ Tây Ninh đến Sài Gòn, rồi lên Buôn Ma Thuột… Sau những ngày tháng vất vả gian truân ấy, với những nỗ lực và quyết tâm của mình, tại Sài Gòn, ông được nhận làm quản đốc phân xưởng gỗ, sau đó ông về làm quản lý cho cửa hàng vật liệu xây dựng.
Tháng 4/1994, nhận thấy sản phẩm tôn lợp rất phù hợp với nhu cầu dựng nhà của người dân và cho đấy là một cơ hội kinh doanh tốt, ông quyết định mở cửa hàng cắt tôn.
Năm 2001, sau 7 năm làm ăn, ông tích lũy vốn và thành lập Công ty cổ phần Hoa Sen và tạo nên thương hiệu Tôn hoa sen bền vững đến hôm nay.
Ngay từ những ngày đầu thành lập, Tập đoàn Hoa Sen đã thực hiện chiến lược “mua tận gốc, bán tận ngọn” thông qua hệ thống chi nhánh phân phối – bán lẻ, qua đó kiểm soát chặt chẽ chất lượng sản phẩm đến tận tay người dùng cuối cùng đồng thời nhanh chóng đưa các sản phẩm mới đến thị trường.
Chia sẻ với báo chí, ông chủ Hoa Sen cho biết, ông luôn tâm niệm: “Nếu vì bản thân tôi, tôi đã có đủ, tôi hiện vẫn làm việc 12-16 giờ mỗi ngày là để cho xã hội, đất nước giàu lên, để cùng chia sẻ với cộng đồng, chứ không phải chỉ để riêng tôi”.
Bà Nguyễn Phương Hằng – Tổng Giám đốc Công ty CP Đại Nam
Thời gian qua, bà Phương Hằng – vợ đại gia Dũng “lò vôi” trở thành tâm điểm chú ý của dư luận nhờ những màn Liverpool thu hút đông đảo người xem.
Bà Nguyễn Phương Hằng là người rất nổi tiếng trong giới doanh nhân. Bà Hằng hiện là Phó Chủ tịch Hội đồng quản trị – Tổng Giám đốc Công ty CP Đại Nam. Trong những lần livestream của mình, bà Phương Hằng cũng khoe về số nữ trang kim cương đeo trên người khiến nhiều người lóa mắt.
Có thể nói, thành quả hiện tại của đại gia Phương Hằng là do bản thân gây dựng. Do hoàn cảnh gia đình nên bà chủ Đại Nam chỉ mới học hết lớp 11 sau đó đi theo con đường kinh doanh.
Tuy nhiên, bà Phương Hằng vẫn có bằng giáo sư. Trong 1 video đăng tải trên YouTube, nữ CEO tiết lộ cùng chồng – ông Dũng “lò vôi” được trường Đại học Apollos cấp bằng giáo sư thỉnh giảng để truyền cảm hứng cho cộng đồng.
Đây là danh hiệu cao nhất mà trường Apollos trao tặng cho những doanh nhân có nhiều cống hiến trong sự nghiệp kinh doanh và hoạt động cộng đồng vì châu Á. Điều này cũng thể hiện được phần nào khả năng của nữ CEO.
Ông “Vua cá tra” Dương Ngọc Minh – Chủ tịch Thủy sản Hùng Vương
Ông Dương Ngọc Minh sinh năm 1965 ở TP.HCM, là doanh nhân giàu thứ 2 trong lĩnh vực thủy sản.
Năm 1984, ông được bổ nhiệm vào vị trí Giám đốc công ty Đông lạnh Hùng Vương, một doanh nghiệp nhà nước tại quận 6, TPHCM. Sau một thời gian hoạt động, công ty Hùng Vương nhanh chóng vươn lên vị trí hàng đầu trong lĩnh vực xuất khẩu thủy sản, giá trị hơn 30 triệu USD/năm. Năm 1995, tỷ giá USD biến động chóng mặt khiến công ty lâm vào vỡ nợ, phá sản.
Năm 2003, sau khi ra tù, thay vì chấp nhận lời mời phụ việc cho người quen, ông đã quyết làm lại từ hai bàn tay trắng. Ông vay mượn rồi mở công ty thủy sản, vẫn giữ tên Hùng Vương đã từng gắn bó với mình từ thủa ban đầu. Nhưng thay vì chọn hàng tôm, ông chuyển sang cá tra là sản phẩm chủ lực.
Đến nay Hùng Vương có 6 nhà máy chế biến cá, gồm 12 phân xưởng, công ty hoàn toàn chủ động nguyên liệu sản xuất, khả năng xử lý từ 1.000-1.100 tấn nguyên liệu/ngày.
Với những thành công đó, đại gia Dương Ngọc Minh được gọi là “vua cá tra”. Bên cạnh đó, tên ông cũng xuất hiện trong danh sách những người giàu nhất thị trường chứng khoán Việt.
Tài sản kếch xù, tiếng tăm khắp nơi nhưng ít ai biết rằng đại gia Dương Ngọc Minh không có bằng đại học. Theo thông tin ghi trên báo cáo gửi nộp Ủy ban Chứng khoán Nhà nước, ông Minh chỉ ghi vỏn vẹn mình tốt nghiệp trung học phổ thông (12/12) và có trình độ chuyên môn là nuôi trồng thủy sản.