Phu nhân của ông Phạm Nhật Vượng – Chủ tịch Vingroup – là bà Phạm Thu Hương (sinh năm 1969), hiện là Phó chủ tịch thường trực của Tập đoàn Vingroup.
Tối 20/1/2022, bà Phạm Thu Hương xuất hiện cùng tỷ phú Phạm Nhật Vượng trong sự kiện trao giải VinFuture.
Bà Phạm Thu Hương thường xuyên có tên trong danh sách những người giàu nhất trên thị trường chứng khoán Việt Nam. Dù nắm giữ vị trí quan trọng và sở hữu khối tài sản khổng lồ nhưng bà Phạm Thu Hương chưa từng xuất hiện trước công chúng cho đến sự kiện tối qua (20/1) khi bà Hương xuất hiện cùng chồng là tỷ phú Phạm Nhật Vượng trong sự kiện trao giải VinFuture lần thứ nhất.
Bà Phạm Thu Hương tốt nghiệp Đại học Tổng hợp Quốc gia Kiev (Ukraina) với bằng Thạc sĩ Luật quốc tế. Bà đã đồng hành với ông Phạm Nhật Vượng từ những ngày đầu khởi nghiệp tại Ukraina và là một trong những nhà lãnh đạo có tầm ảnh hưởng lớn nhất của Tập đoàn Vingroup.
Bà Hương cùng ông Vượng từ Moscow (Nga) tới Kharkov (Ucraina) khởi nghiệp từ đầu những năm 90 thế kỷ 20 với dự án đầu tiên là nhà hàng tại Kharkov, đến thương hiệu mì ăn liền Mivina rồi Tập đoàn Technocom.
Sau khi về Việt Nam, bà Hương tiếp tục cùng ông Vượng phát triển kinh doanh với Tập đoàn Vingroup. Bà Hương cùng em gái là Phạm Thúy Hằng giữ 2 vị trí phó chủ tịch tại tập đoàn tư nhân số 1 Việt Nam.
Từ bạn học thành bạn đời
Những năm 1980, thông qua mối quan hệ hữu nghị tốt đẹp với các nước Đông Âu – đặc biệt là Liên Xô (cũ), Việt Nam đã gửi rất nhiều học sinh đạt thành tích học tập xuất sắc nhất sang học tập, về kinh tế – tài chính đến khoa học – kỹ thuật. Thời kỳ đó, du học Liên Xô là niềm mơ ước thoát nghèo của nhiều thanh niên Việt Nam.
Ông Phạm Nhật Vượng và bà Phạm Thu Hương (vợ ông Vượng) là hai thanh niên ưu tú thời đó. Ông Vượng theo học chuyên ngành kinh tế và địa chất tại Học viện địa chất Moscow. Bà Hương cũng rất xuất sắc khi theo học ngành Luật quốc tế tại Liên Xô. Hai người quen biết nhau qua nhóm du học sinh ở Liên Xô.
Nhớ lại thời kỳ này, ông Vượng chia sẻ: “Tôi chỉ là một người bình thường thôi. Tôi đi học ở Liên Xô, rồi ở lại làm việc. Bắt đầu khởi nghiệp thực ra là từ năm thứ 3 đại học. Ở Moscow, tại Dom 5 (khu thương xá tập trung làm ăn buôn bán của người Việt tại Nga thời đó-PV), mình cũng đi thuê một cái phòng để bán hàng nhưng buôn bán kém, cứ càng buôn càng lỗ. Sau đó mới mở cái nhà hàng tại Dom ấy luôn.
Đến đoạn sau thì nhập hàng từ Việt Nam sang. Hồi ấy buôn áo gió là đỉnh điểm, ban đầu kiếm được nhiều tiền lắm. Nhưng cuối cùng cũng lại mất sạch. Phá sản luôn ấy. Vì khi thị trường đi xuống mình phản ứng không đúng và không kịp. Sinh viên đã có kinh nghiệm gì đâu nên mới bị phá sản. Khi rời Moscow đi xuống Kharkov vẫn còn nợ 40.000 USD”.
Năm 1993, ông Vượng tốt nghiệp và kết hôn với bà Hương – người bạn gái đại học. Hai vợ chồng ông chuyển tới thành phố Kharkov, mở một cửa hàng ăn lấy tên Việt Nam Thăng Long. Theo tờ Fast Salt Times của Ukraine, cửa hàng ăn của vợ chồng ông Vượng đặt tại nhà số 5, cao tốc Aminevskoe, nơi có nhiều người Việt sinh sống vào những năm 1990.
Giai đoạn những năm 1990, do khủng hoảng kinh tế tài chính, những kệ hàng trong siêu thị Kharkov trống không và người dân buộc phải mua nhiều loại sản phẩm bằng tem phiếu. Tận dụng cơ hội, ông Vượng về Việt Nam mua một dây chuyền mỳ ăn liền hai vắt thô sơ, quay tay đưa sang Ukraine và bắt đầu sản xuất mỳ ăn liền hiệu Miniva, bán cho dân bản địa. Sản phẩm của Technocom hoàn toàn xa lạ với Ukraine nhưng lại nhanh chóng được đón nhận. Technocom ra đời ngày 8/8/1993, ngày 8/8 sau này cũng được chọn là ngày thành lập tập đoàn Vingroup.
Để có vốn kinh doanh mỳ ăn liền, vợ chồng ông Vượng chấp nhận mạo hiểm đi vay 10.000 USD từ bạn bè với lãi suất 8%/tháng. Sau đó họ còn tiếp tục vay Ngân hàng châu Âu với lãi suất 12% để mở rộng sản xuất sang các sản phẩm khác như rau thơm khô đóng gói, bột khoai tây, soup…
Sự xuất hiện của mỳ “Mivina” vào năm 1995 rất đúng thời điểm nên nhanh chóng trở nên phổ biến ở đất nước Ukraine. Chỉ trong vòng một năm, doanh số cán mốc 1 triệu gói mỳ. Đến năm 2004, mức tiêu thụ mỳ Mivina ở Ukraine đạt mức cao kỷ lục, 97% người tiêu dùng sử dụng loại sản phẩm này.
Từ cơ sở ban đầu chỉ 30 nhân công, loại mỳ này nhanh chóng trở nên nổi tiếng trên thị trường thực phẩm Kharkov, rồi phổ biến toàn Ukraine. Thương hiệu Mivina sau đó trở thành tên gọi chung cho tất cả đồ ăn nhanh ở Ukraine.
Từ thành công tại Ukraine, vợ chồng ông Vượng mở rộng nhà máy, tiếp đó đưa thương hiệu Mivina tới hơn 30 quốc gia khác trên toàn thế giới như Estonia, Litva, Latvia, Moldova, Ba Lan, Đức, Israel… Ngoài sản phẩm đầu tiên là mỳ ăn liền, họ còn sản xuất khoai tây nghiền, thành lập nhà máy chuyên sản xuất gia vị, nhà máy chuyên đóng gói, là các công ty con của Tập đoàn Technocom, tiền thân của Vingroup hiện nay.
Về hẳn Việt Nam vì lo rủi ro cho vợ con
Những năm 1997 – 1998, ông Vượng chia sẻ chỉ nghĩ kiếm được 2 triệu USD sẽ ngừng kinh doanh về hưu, nhưng như người ta thường nói thời tới không cản nổi, việc kinh doanh cứ thế đi lên.
Từ năm 2000, song song với việc điều hành công việc kinh doanh ở Ukraine, ông Vượng bắt đầu đầu tư về nước với việc mở 2 công ty bất động sản ở Việt Nam là Vinpearl năm 2000 và Vingroup năm 2002. Nhiều giai thoại kể lại, trước khi xây dựng Vinpearl Land và Vincom, ông Phạm Nhật Vượng đã đích thân sang Phuket Thái Lan để học hỏi kinh nghiệm trong lĩnh vực kinh doanh khách sạn, và sang Singapore để tìm hiểu về trung tâm thương mại.
Đảo Hòn Tre ở Nha Trang là địa điểm được lựa chọn xây dựng Vinpearl Land đầu tiên với tham vọng biến nơi này thành khu nghỉ dưỡng cao cấp. Ý tưởng này vào thời điểm đó bị nghi ngờ là “ném tiền xuống biển”. Năm 2006, Vinpearl Land Nha Trang (lúc đó có tên gọi Hòn Ngọc Việt) ra đời với 225 phòng khách sạn và tổ hợp vui chơi đa chức năng nhanh chóng trở thành địa điểm thu hút du khách nhất nhì Việt Nam, và là kiểu mẫu để sau này Vinpearl nhân rộng mô hình khắp cả nước.
Một năm sau, ông Vượng tiếp tục khai trương Trung tâm thương mại Vincom Bà Triệu – tổ hợp thương mại lớn đầu tiên ở Hà Nội. Ba năm sau, tuyến cáp treo vượt biển nổi tiếng nối đất liền Vinpearl Land Nha Trang được đưa vào vận hành và là một trong những tuyến cáp treo vượt biển dài nhất thế giới (cho đến năm 2018).
Thời điểm này ông Vượng vẫn bay qua bay lại giữa Việt Nam và Ukraine để lo cho việc kinh doanh ở cả 2 quốc gia. Đã nhiều năm, Nestle ngỏ ý muôn mua lại Technocom ở Ukraine nhưng ông Vượng luôn từ chối. Bất ngờ đến năm 2009, ông quyết định bán công ty để tập trung toàn lực về trong nước.
Chia sẻ trên Forbes Việt Nam, ông nói: “Khoảng 2008 có vụ máy bay Airbus của Air France bị rơi xuống biển không tìm được. Tôi nghĩ, mình cũng bay suốt như vậy, nhỡ máy bay rơi không tìm được thì có phải khổ vợ con không? Lúc ấy trong nước cũng nhiều việc. Tôi muốn làm hẳn mọi việc đến đầu đến đũa”.
Năm 2010, ông Vượng bán Technocom cho tập đoàn Nestle của Thụy Sỹ với mức giá không được tiết lộ. Thời điểm ông rời đi, Technocom vẫn là một tên tuổi lớn trên thị trường hàng tiêu dùng nhanh của Ukraine, có hai nhà máy ở Kharkov với doanh thu lên tới 100 triệu USD/năm. Technocom có 1.900 nhân viên, sản phẩm của công ty này được xuất sang 20 quốc gia, trong đó có Nga, các nước Baltic, Đức, Hungary, Israel, Ba Lan và Romania.
Năm 2011, 2 công ty cổ phần Vinpearl và công ty cổ phần Vincom được sáp nhập lại bằng cách hoán đổi cổ phần. Đến giữa tháng 2 năm 2012, cổ phiếu Vingroup (mã: VIC) phát hành thêm cho mục đích sáp nhập được chính thức giao dịch tại Sở Giao dịch Chứng khoán Thành phố Hồ Chí Minh.
Từ 2 dự án đầu tiên mang tính biểu tượng là Vinpearl Nha Trang và Vincom Bà Triệu, Vingroup đã lớn mạnh với tốc độ cực kỳ nhanh chóng trong suốt 2 thập niên đầu thế kỷ 21. Bên cạnh lĩnh vực trụ cột bất động sản, Vingroup đang tập trung đặt nhiều tham vọng vào lĩnh vực sản xuất xe điện. Sự thành công của Vingroup ghi đậm dấu ấn của cặp đôi quyền lực – Chủ tịch HĐQT Phạm Nhật Vượng và Phó chủ tịch HĐQT Phạm Thu Hương.
Điều đặc biệt ở bà Phạm Thu Hương đó là việc bà trực tiếp tham gia sâu vào công tác điều hành của Vingroup trong suốt giai đoạn hình thành và phát triển của tập đoàn này. Đây là sự khác biệt lớn của bà so với vợ của nhiều đại gia khác tại Việt Nam.
Bà Hương cũng có thời gian dài nằm trong top 10 người giàu nhất sàn chứng khoán Việt Nam, nhưng truyền thông gần như không thể có được hình ảnh minh họa của bà. Phải tới tối 20/1 tại lễ trao giải thưởng khoa học công nghệ toàn cầu VinFuture được tổ chức tại Nhà hát lớn Hà Nội, bà Phạm Thu Hương mới lần đầu xuất hiện công khai trước công chúng bên cạnh người chồng tỷ phú./.