Bỏ quê lên phố mưu sinh, nhiều gia đình bấm bụng bán hết đất đai ở quê nhưng rồi cuối cùng lâm cảnh nhà phố không mua được mà đất quê cũng chẳng còn.
Như câu chuyện của vợ chồng chị Thương, anh Chung ở Gia Viễn, Ninh Bình. Chị Thương làm nhân viên văn phòng, lương tháng được 8 triệu đồng. Anh Chung là nhân viên kinh doanh trong một siêu thị, thu nhập 10 triệu đồng. Cưới xong, anh chị thuê một phòng trọ bình dân ở Hà Nội với giá 4 triệu đồng/tháng, bao gồm cả tiền điện nước.
Chị Thương chia sẻ, thu nhập của vợ chồng chị cộng lại được 18 triệu đồng, nhà đi thuê lại nuôi con nhỏ đang tuổi bỉm sữa nên dù cả hai đã chi tiêu rất tiết kiệm nhưng hầu như hàng tháng chị chẳng để ra được đồng nào. Vợ chồng chị nhiều lần động viên bố mẹ bán nhà dưới quê, lấy tiền mua căn nhà nhỏ trên Hà Nội để ông bà được gần con, vợ chồng anh chị cũng khỏi phải đi đi lại lại.
Hình minh họa (Ảnh: Báo Đắk Nông)
Cuối năm 2019, qua người quen giới thiệu, vợ chồng chị tìm được một căn nhà 2 tầng rộng 40m2, mặt tiền 3m, giá 1,5 tỷ đồng. Theo giá thị trường, căn nhà đó phải có giá 1.7 tỷ nhưng vì chủ nhà có việc khẩn cần tiền nên bán rẻ. Vợ chồng chị Thương rất ưng, về bàn với bố mẹ bán nhà ở quê để dồn tiền mua. Vợ chồng chị tới đặt cọc trước 50 triệu đồng, hẹn 10 ngày sau sẽ quay lại giao tiền để lấy nhà.
Riêng đất ở quê, nằm ngay mặt đường, gần chợ, có vườn rộng phía sau nên khi chính thức rao bán, chỉ trong vòng một tuần đã có người mua với giá 1,4 tỷ. Hai vợ chồng bỏ thêm 100 triệu tiền tiết kiệm, vậy là đủ. Tuy nhiên, khi anh chị vừa bán được căn nhà dưới quê thì chủ nhà mới ở Hà Nội lại gọi điện hủy hợp đồng bán nhà.
Họ chấp nhận đền anh chị gấp đôi số tiền đặt cọc đúng như thỏa thuận, với lý do không muốn bán nữa vì đã xoay đủ tiền lo công việc rồi. Lúc bị trả lại tiền đặt cọc, vợ chồng chị khá bất ngờ và rối trí. Giờ nhà dưới quê đã bán mà nhà trên thành phố lại không mua được.
Với số tiền 1,4 tỷ đồng, vợ chồng chị có thể mua chung cư nhưng bố mẹ chồng chị Thương lại không thích nhà trên cao. Họ muốn có mảnh vườn nhỏ để trồng rau nuôi gà. Trong khi đó, mua nhà mặt đất với tầm tiền như vậy ở phố là rất khó; hoặc phải mua ở ngoại ô, rất xa trung tâm. Công ty của anh chị lại đều ở trong nội thành, mua nhà xa quá đi lại rất vất vả.
“Vợ chồng mình tính nước tạm thời quay về quê mua nhà cho bố mẹ nhưng đất quê đang sốt. Nhà cũ của ông bà đã lên giá gần 2 tỷ. Để mua được một căn nhà như thế là rất khó, vợ chồng cũng không đủ tiền”, chị Thương thở dài ngao ngán.
Hình minh họa (Ảnh: mum.cc)
Có lẽ khi biết được câu chuyện của chị Thương, những ai đang có dự định bán đất ở quê rồi lên thành phố cùng nhau sinh sống sẽ phải suy nghĩ kỹ hơn và cân nhắc nhiều hơn. Đành rằng trường hợp của chị Thương khá là đặc biệt và hiếm xảy ra, nhưng không phải là không có.Thế nên, chúng ta cần những phương án dự phòng để cả gia đình không rơi vào bế tắc.
Còn theo quan điểm của riêng em, vợ chồng thu nhập thấp, chỉ 18 triệu một tháng lại còn đang nuôi con nhỏ thì không nên mua nhà thành phố, nhất là khi phải đánh đổi hết tài sản ở quê, như vậy là họ đang vô tình chặn đi cánh cửa thoát hiểm của đời mình.
Về dài hạn, em nghĩ bỏ hết của cải ở quê để lên các thành phố lớn là một chiến lược “cực chẳng đã” chứ không có lợi ích. Dù sao một miếng đất 1,4 tỷ đồng ở quê lớn gấp nhiều lần một căn nhà chung cư ở thành phố, trừ khi chúng ta đang gom tiền buôn đất và tính kiếm tiền trong ngắn hạn.
Chưa kể bây giờ đất ở quê đã bắt đầu có giá trị, xu hướng của người thành thị là đổ về nông thôn, ngoại ô để mua đất cất nhà, vì thành phố ngày một ô nhiễm. Chúng ta nên giữ lại nhà, cứ tiếp tục cố gắng làm việc ở Sài Gòn. Sau đó, có thể lấy sổ đỏ ở quê để vay tiền mua chung cư ở thành phố.
Lại nói, một số cha mẹ ở quê bán hết đất đai lên ở cùng con cháu, vì thương con không có chỗ che mưa che nắng, vì muốn gần gũi chăm sóc cháu chắt sớm hôm, vậy là họ đánh đổi cả gia tài để lên làm quen với nhịp sống đô thị.
Rồi một ngày, các ông bố bà mẹ nông dân mới nhận ra mình sai lầm, họ không thể nào hòa nhập với nhịp sống đông đúc, thiếu đi hơi mát của cây xanh, thiếu đi không khí trong lành của gió trời. Đã thế, sống chung với con dâu hoặc con rể, những bất đồng liên tiếp xảy ra, rồi khi đỉnh điểm muốn từ mặt nhau, họ nhận ra mình chẳng có nơi nào để đi ngoài cái chung cư bé tí tẹo.
Vậy nên, cho dù hoàn cảnh nào, em vẫn khuyên các mẹ, các nàng dâu không nên bán đất ở quê. Bởi đó là tài sản cuối cùng để phòng thân, phòng khi đau ốm, phòng khi sa cơ lỡ vận có chốn mà về. Cuộc sống ở thành phố, tất nhiên khắc nghiệt lắm, ai cũng ao ước có căn nhà đi về sớm hôm, có tài sản cố định để không còn nỗi sợ nay đây mai đó, chồng vợ đi làm xa, con cái phải chuyển trường.
Nhưng nếu bản thân mình không dư dả, xin đừng cố quá, bởi không sẽ thành quá cố chứ chẳng đùa. Chúng ta sống ở đời, muốn hạnh phúc phải biết liệu cơm gắp mắm. Ở nhà thuê mà biết vun vén, biết chọn lựa chỗ uy tín, biết tiết kiềm tiền dể dành (thay vì trả lãi ngân hàng mỗi tháng), biết dùng đồng tiền để sinh lời thì tương lai nhất định sẽ khấm khá lên thôi.
Bây giờ giới trẻ thường hay bảo, mình ra trong cảnh nghèo thì đó không phải là lỗi, nhưng nếu đến cuối đời vẫn nghèo thì đó mới là lỗi của bản thân. Thu nhập thấp thì hãy suy nghĩ cách nâng cao thu nhập, khoan đèo bồng chuyện mua nhà, bởi hậu quả sẽ là những cú đau.