Có sổ tiết kiệm 1,3 tỷ trong tay, thu nhập hơn 40 triệu đồng/ tháng nhưng đôi vợ chồng trẻ mất hơn 3 năm đi tìm nhà vẫn không mua được.
Năm 2017, chị Minh lập gia đình. Hai vợ chồng chị thuê nhà ở quận Thanh Xuân với giá 2 triệu đồng/tháng. Tích cóp khoản tiền 500 triệu đồng, năm 2019, vợ chồng chị Minh lên kế hoạch mua nhà. Tuy nhiên, sau hơn 3 năm đi tìm nhà chị Minh vẫn đi cho thuê vì không tìm được căn nào ưng ý, quá trình tìm nhà gian nan cũng quá gian nan.
Thời gian đầu, liên hệ qua môi giới để tìm căn nhà đất trong ngõ với tài chính dưới 2 tỷ. Tuy nhiên, với tài chính này, những căn nhà đất diện tích thường dưới 30m2, nằm sâu trong ngách. Nhiều căn nhà đã xuống cấp buộc phải cải tạo lại. Sau thời gian đi xem nhà, vợ chồng chị Minh vẫn chưa chọn được căn nào ưng ý do mong muốn của gia đình tìm nhà diện tích trên 30m2, ngõ rộng.Đến năm 2020-2021, chị Minh cho biết: “Thi thoảng chúng tôi vẫn đi tìm nhà nhưng chỉ xem vài căn lại dừng”. Đến năm 2022, lãi suất cho vay mua bất động sản tăng mạnh khiến vợ chồng chị Minh lại phải tạm hoãn lại kế hoạch mua nhà. Thời điểm này, tổng số tiền tiết kiệm của hai vợ chồng lên tới 1 tỷ đồng. Nhưng tính toán nếu mua nhà 2 tỷ đồng, phải vay 1 tỷ đồng, vợ chồng chị Minh lo ngại lãi suất thả nổi lên tới 15-16% thì quá cao.
“Đến năm 2023, sau thời gian đi tìm mua nhà trong ngõ thì tài chính từ 2 tỷ đổ về chỉ có thể mua được ở khu vực như Yên Nghĩa (Hà Đông), hoặc khu vực Hoài Đức. Nếu mua ở đây thì chúng tôi sẽ phải đi làm rất xa. Sau thời gian đi xem nhà, vợ chồng tôi lại chuyển sang tính mua chung cư. Nhưng đi xem được vài dự án chung cư, chúng tôi cảm thấy bỏ ra 2 tỷ đồng cũng chỉ mua được căn chung cư ở khu vực Hà Đông hoặc nơi cách trung tâm 7-10km. Diện tích chung cư chỉ khoảng 60-70m2”, chị Minh nói thêm.
Chị Minh cho biết, tổng thu nhập của hai vợ chồng hiện tại là hơn 40 triệu đồng/tháng. Điều chị lo lắng mức thu nhập có thể biến động vì tình hình kinh tế. Chưa kể, nghĩ tới khoản nợ ngân hàng lên đến gần 1 tỷ khiến vợ chồng chị thêm băn khoăn. Trong khi lựa chọn căn nhà cách chỗ làm quá xa lại không nằm trong tiêu chí của vợ chồng chị.
Thực tế, trường hợp của chị Minh không phải là hiếm gặp. Chị Trần Thị Hằng (28 tuổi, hiện là nhân viên văn phòng, chưa lập gia đình) cũng sở hữu mức thu nhập 35 triệu đồng/tháng. Tổng số tiền tiết kiệm mà chị Hằng có 500 triệu đồng. Gia đình chị Hằng giục mua nhà, bố mẹ hỗ trợ 500 triệu đồng. Nếu mua căn chung cư 1 phòng ngủ ở khu đô thị Nam Từ Liêm, Hà Nội, chị Hằng chỉ phải vay ngân hàng thêm 500 triệu đồng, tức mỗi tháng trả khoảng 5-6 triệu đồng/tháng tiền lãi gốc. Tuy nhiên, chị Hằng vẫn chưa dám mua nhà vì sợ nợ.
Theo phân tích của một nhà đầu tư tên Phạm Anh (Giám đốc công ty bất động sản ở Hà Nội, người có 16 năm kinh nghiệm kinh doanh nhà), nếu lo ngại nợ, người trẻ sẽ rất khó mua nhà trừ khi đã có khoản đầu tư tốt hoặc gia đình cho. Anh Phạm Anh cho rằng, năm 2018, một căn hộ chung cư ở Hoài Đức chỉ có giá từ 900-1,1 tỷ đồng. Tới năm 2022, giá chung cư tăng thêm 20-30%. Nhưng tiết kiệm của người trẻ không thể theo kịp giá chung cư tăng. Đó là còn chưa kể giá nhà đất cũng tăng gần như gấp rưỡi kể từ năm 2018 đến nay.
“Nhiều người trẻ tiền ít nhưng yêu cầu lắm. Ít tiền nhưng muốn ở trung tâm hay muốn nhà rộng, trong khi lại sợ nợ. Muốn có nhà to gần trung tâm thì cần phải có chiến lược. Họ có thể bỏ hơn 1 tỷ ra mua căn chung cư vùng ven hay nhà đất vùng ven Hà Nội. 2-3 năm sau tích luỹ cộng với giá nhà đất vùng ven tăng mạnh, họ có thể dịch chuyển dần vào nội thành. Nhiều người bạn của tôi 5-7 năm về trước, ngay cả khi có 30 triệu đồng hay 100 triệu đồng, họ còn mạnh dạn mua cả nhà hơn 1 tỷ đồng. Đến nay, nhờ tích luỹ, chăm chỉ làm ăn, có người bạn còn mua được chung cư cao cấp trong nội thành. Thế nên, muốn có nhà, người trẻ phải mạnh dạn và sẵn sàng chấp nhận đánh đổi”, anh Phạm Anh nói.