Khi hệ số càng gần về 0, doanh nghiệp càng mất khả năng chi trả, gia tăng nguy cơ phá sản.
Công ty VNT được biết đến là chủ đầu tư của công viên 1.600 tỉ đồng ở Hà Nội, thế nhưng tính đến cuối năm 2022, tiền mặt doanh nghiệp còn hơn 5 triệu đồng, tổng nợ vượt tổng tài sản, đồng thời đang âm vốn chủ sở hữu hơn 200 tỉ đồng.
Như Lao Động đã thông tin, dự án xây dựng Công viên hồ điều hòa thuộc Khu đô thị Tây Nam Hà Nội do CTCP Tập đoàn Đại Dương (Ocean Group) hợp tác đầu tư với Công ty TNHH VNT (Công ty VNT – Chủ đầu tư) triển khai, thế nhưng đã hơn 13 năm được Cấp giấy chứng nhận đầu tư (năm 2010) vẫn nằm trên giấy.
Tại ngày 28.2.2022, CTCP Đầu tư Đại dương Thăng Long (Công ty con của Ocean Group) đã nhận được công văn của Công ty VNT thông báo đã tìm được đối tác về việc hợp tác dự án và hoàn trả tiền cho cho Công ty VNT để thanh toán tiền cho CTCP Đầu tư Đại dương Thăng Long.
Đồng thời, thông tin trên website của mình, Ocean Group cho biết, hiện nay, do phương án đầu tư tiếp tục với quy hoạch theo phương án Thành phố đã phê duyệt thay đổi so với phương án đấu giá ban đầu là không có hiệu quả, VNT đang đề xuất phương án thanh lí hợp đồng hợp tác đầu tư, tạo điều kiện cho đối tác chuyển nhượng dự án, hoàn trả các bên tham gia khoản tiền đã góp vào dự án này.
Như vậy, nhiều khả năng rằng Ocean Group sẽ rút lui khỏi dự án xây dựng Công viên hồ điều hòa thuộc Khu đô thị Tây Nam Hà Nội, trong khi đó, Công ty VNT sẽ tìm kiếm đối tác khác để tiếp tục triển khai dự án, thế nhưng, câu hỏi được dư luận quan tâm nhất lúc này là bao giờ dự án sẽ được khởi động?
Dù là chủ đầu tư của dự án xây dựng Công viên hồ điều hòa thuộc Khu đô thị Tây Nam Hà Nội với tổng mức đầu tư dự kiến ban đầu là 1.600 tỉ đồng, tuy nhiên, lượng thông tin cập nhật về Công ty VNT là khá ít ỏi trên các phương tiện truyền thông.
Theo tìm hiểu của Lao Động, Công ty TNHH VNT được thành lập ngày 17.4.1997, có địa chỉ trụ sở chính tại phường Thành Công, quận Ba Đình, TP. Hà Nội.
Theo cập nhật tại ngày tháng 7.2022, bà Hà Thị Bích Ngọc (SN 1987) đảm nhiệm vai trò Chủ tịch Hội đồng thành viên công ty và bà Lê Phương Liên (SN1984) giữ chức danh Giám đốc.
Tính đến cuối năm 2022, tổng tài sản Công ty VNT đạt khoảng 1.273 tỉ đồng. Bao gồm, tài sản ngắn hạn có 770 tỉ đồng. Đáng chú ý khi tiền mặt chỉ có hơn 5 triệu đồng, tiền gửi ngân hàng còn khoảng 455 triệu đồng.
Tài sản dài hạn Công ty VNT có 503 tỉ đồng, chiếm phần lớn là chi phí xây dựng cơ bản dở dang dài hạn hơn 345 tỉ đồng..
Ở bên kia nguồn vốn, tổng nợ phải trả Công ty VNT còn 1.525 tỉ đồng. Như vậy, nợ phải trả tại Công ty VNT đã vượt tổng tài sản công ty.
Trong cơ cấu nợ của Công ty VNT là toàn bộ 1.525 tỉ đồng nợ phải trả đều là nợ ngắn hạn, đồng nghĩa với hệ số khả năng thanh toán hiện thời (tài sản ngắn hạn/nợ ngắn hạn) tại Công ty VNT là 0,5.
Theo tiêu chí tài chính, hệ số khả năng thanh toán hiện thời nhỏ hơn con số 1 thể hiện khả năng trả nợ của doanh nghiệp yếu, là dấu hiệu báo trước những khó khăn tiềm ẩn về tài chính mà doanh nghiệp có thể gặp phải trong việc trả các khoản nợ ngắn hạn.
Khi hệ số càng gần về 0, doanh nghiệp càng mất khả năng chi trả, gia tăng nguy cơ phá sản.
Tổng nợ vượt tổng tài sản không phải là vấn đề duy nhất tại Công ty VNT. Tại ngày 31.12.2022, doanh nghiệp đang gánh khoản lỗ luỹ kế gần 866 tỉ đồng. Trong khi vốn góp chủ sở hữu Công ty VNT là 600 tỉ đồng, tương ứng với việc, vốn chủ sở hữu của Công ty VNT đang âm hơn 200 tỉ đồng.
Trong khi bức tranh tài chính của chủ đầu tư như trên, thì thời điểm dự án xây dựng Công viên hồ điều hòa thuộc Khu đô thị Tây Nam Hà Nội được triển khai vẫn là dấu hỏi lớn.