Tuy nhiên để kiếm được mức thu nhập ‘khủng’ này cũng không phải chuyện đơn giản.
Trong những năm gần đây, cùng sự phát triển của các sàn thương mại điện tử, giao hàng đã trở thành công việc khá phổ biến tại Việt Nam. Trên thực tế, không khó để bắt gặp hình ảnh các shipper ngày nào cũng bày đơn hàng như “sạp tạp hóa” dưới chân khu chung cư hay tòa văn phòng để tiện giao cho khách hàng.
Theo báo cáo năm ngoái của sàn giao dịch Việc Làm Tốt, tài xế và shipper là nhóm lao động phổ thông có mức lương cao nhất và tăng mạnh nhất (mức tăng 11,2%) trong 6 tháng đầu năm 2022.
Thống kê cho thấy mức lương trung bình của tài xế và shipper tại TPHCM trong giai đoạn trên dao động ở mức 9,5 triệu đồng/tháng. Con số này ở Bình Dương và Đồng Nai lần lượt là 10 triệu đồng/tháng và 10,5 triệu đồng/tháng.
Tuy nhiên, khi nhìn vào lượng đơn hàng lớn mà các shipper giao hàng ngày, một số người cho rằng thu nhập của họ có thể đạt mức 1-2 triệu đồng mỗi ngày. Thực hư của lời đồn này ra sao?
Shipper kiếm cả triệu đồng/ngày?
Chị Nga (Hà Nội), một shipper có 4 năm kinh nghiệm, cho biết chị là nhân viên của một đơn vị vận chuyển có tiếng. Ngày làm việc của chị bắt đầu từ 7h30 và kết thúc lúc 17h30.
Hiện tại, mỗi ngày chị Nga giao từ 60 đến 100 đơn hàng. Trong các đợt khuyến mại lớn của sàn thương mại điện tử, số lượng có thể tăng lên 200 đơn. Với những đơn hàng giao về nhà riêng, chị Nga cho biết nếu cần vẫn có thể linh động giao vào cuối tuần giúp khách.
Thông thường, chị Nga giao hàng trong bán kính 6km đổ lại của một khu vực cố định (Ảnh: Hạnh Vũ).
Thu nhập của chị dựa trên lương cứng hàng tháng và số đơn giao được. Theo chị, chi phí xăng xe, điện thoại nằm trong phần phụ cấp của lương cứng mà công ty trả cho người lao động. Tổng cộng, khoản lương cố định mà chị Nga nhận được hàng tháng là khoảng 7 triệu đồng. Cộng thêm khoản tiền từ mỗi đơn hàng giao được, tổng thu nhập mỗi tháng cũng đủ để chị trang trải cuộc sống.
Về tin đồn “shipper có thể kiếm được 1-2 triệu đồng/ngày”, chị Nga cho biết: “Các tài xế công nghệ (chở khách, giao đồ ăn) có thể kiếm được số tiền này vào những ngày cao điểm. Còn những người làm công ty vận chuyển, nhận lương cố định và số tiền của mỗi đơn như chúng tôi thì rất khó”.
Về số tiền mà shipper nhận được sau khi giao thành công mỗi đơn hàng, chị Nga nói rằng công ty thường căn cứ vào trọng lượng nhưng đa phần đơn nào cũng như đơn nào, dao động từ 3.000 đồng đến 4.000 đồng/đơn. Nếu đơn hàng nặng hơn vài kg, một số đơn vị khác sẽ tính thêm phí nhưng công ty của chị thường đặt mức cố định như trên.
Nữ shipper chia sẻ thêm về khó khăn của công việc: “Không phải lúc nào cũng có thể giao thành công trong một lần mà phải hẹn đi hẹn lại. Nhiều khách hàng nữ đi làm công ty nhưng lại đặt giao hàng về nhà, nhờ người nhà xuống lấy nên thời gian chờ lâu hơn một chút”.
Anh Khánh – một shipper khác ở Hưng Yên, cho biết mỗi ngày, anh giao khoảng 100 đơn hàng, thu nhập từ 400.000 đồng đến 500.000 đồng. Những hôm nhiều đơn, anh giao hàng tới tận tối.
Nam shipper cho biết đối với cá nhân anh, việc kiếm 1-2 triệu đồng/ngày rất khó vì giao khoảng 100 đơn hàng mới kiếm được vài trăm nghìn đồng và đã mất cả ngày.
Ngoài việc giao hàng bất kể nắng mưa, anh nói rằng việc gọi điện nhiều lần khách không bắt máy hoặc từ chối nhận hàng là những trở ngại mà anh gặp phải trong quá trình làm việc.
Cùng làm shipper như anh Khánh, anh Tuấn (Quảng Ninh) cũng nhận trên dưới 100 đơn hàng mỗi ngày, làm việc từ 7h đến 17h và kiếm được khoảng hơn 400.000 đồng. Theo anh, để kiếm được 1-2 triệu đồng/ngày, shipper cần giao khoảng 300 đơn hàng trở lên và điều đó không đơn giản nếu chỉ giao hàng trong thời gian như trên.
Anh Tuấn chia sẻ thêm rằng một số vị khách không thanh toán ngay từ lúc đặt hàng hoặc mang tiền mặt mà chuyển khoản khi nhận hàng. Đôi khi, ứng dụng ngân hàng bị lỗi, gây ra bất tiện trong quá trình thanh toán.
Thị trường giao hàng tại Việt Nam
Theo báo cáo do công ty nghiên cứu Allied Market Research (Mỹ) công bố vào giữa năm ngoái, thị trường dịch vụ chuyển phát nhanh Việt Nam được định giá 710 triệu USD vào năm 2021 và dự kiến đạt 4,88 tỷ USD vào năm 2030, đạt tốc độ tăng trưởng kép hàng năm (CAGR) là 24,1% trong giai đoạn từ năm 2022 đến năm 2030.
Báo cáo chỉ ra rằng sự bùng phát của đại dịch Covid-19 đã khiến các hoạt động của dịch vụ chuyển phát nhanh trên toàn thế giới bị đình trệ nghiêm trọng, trong đó có Việt Nam.
Tuy nhiên, việc mua sắm trên sàn thương mại điện tử bùng nổ đã tác động tích cực đến ngành dịch vụ chuyển phát nhanh tại nước ta. Khi các dịch vụ chuyển phát nhanh B2B (doanh nghiệp với doanh nghiệp) gặp khó khăn và thậm chí là ngừng hoạt động, B2C (doanh nghiệp với người tiêu dùng) đã nổi lên trong thời kỳ đại dịch nhờ sự phát triển nhanh chóng của ngành bán lẻ trực tuyến và thương mại điện tử.
Mua sắm online đã bùng nổ trong đại dịch (Ảnh: Getty Images).
Theo đơn vị nghiên cứu trên, người tiêu dùng Việt Nam là một trong những đối tượng mua sắm trực tuyến thường xuyên nhất ở khu vực Đông Nam Á. Thị trường thương mại điện tử Việt Nam đang tăng trưởng đáng kể nhờ các yếu tố như dân số trẻ, tỷ lệ sử dụng internet cao và tỷ lệ sử dụng điện thoại thông minh ngày càng tăng.
Tại Việt Nam, một số doanh nghiệp giao nhận nổi bật có thể kể đến bao gồm GHN (Giao hàng nhanh), BEST Express Vietnam (BEST Inc.), GHTK (Giao Hàng Tiết Kiệm), J&T Express, Nasco Logistics JSC, Nhất Tín Logistics, Nin Sing Logistics Company Limited (Ninja Van), Viettel Post và VNPost…