Người phố thì thích về quê còn người ở quê dù có đất đai nhà cửa rộng rãi nhưng vẫn muốn vươn ra thành phố bằng được.
Một bạn ở Bình Phước, cha mẹ có hàng chục hecta đất trồng cao su, thu nhập cũng rất khá nhưng con cái đều lên thành phố mua hoặc thuê nhà chứ không thích ở quê. Một bạn quê Bến Tre cũng vậy, nhà có vài ngàn mét vuông đất trồng sầu riêng nhưng vẫn lên thành phố thuê nhà trọ.
Một bạn ở Đồng Nai cha mẹ có ngàn mét vuông đất bỏ không nhưng không thích làm nông, đều đua nhau lên thành phố. Một bà vào Nam bán vé số hỏi ra thì bà có đất rộng nhà mấy tầng lầu ở quê.
Tất cả họ đều khá giả chứ không nghèo như nhiều người dân gốc thành phố chỉ có ngôi nhà nhỏ chen chúc nhiều thế hệ. Vấn đề là lớp trẻ bây giờ không thích làm nông, nhà ở quê càng khá giả thì càng mua thêm nhà thành phố.
Khi đất đai bây ở quê có giá cao, người ta bán bớt để lấy tiền mua nhà thành phố cho con để thoát cảnh làm nông. Vì sức hút của thành phố quá lớn nên ai ai cũng đều muốn có nhà ở đây. Việc này gây hệ lụy lớn cho hạ tầng thành phố, và giá nhà cứ tăng phi mã.
Phải giảm người vào thành phố thì mới giảm được giá nhà chứ đánh thuế bất động sản thứ hai cũng chưa chắc giá nhà hạ.
Muốn thế thì cán bộ các tỉnh phải có năng lực để kéo dân về. Nhà ở xã hội là cần thiết nhưng làm bao nhiêu cũng không thể đủ cho người nhập cư. Người trẻ gốc thành phố mà cha mẹ nghèo chỉ có thể ở trọ chứ làm sao có đất để bán mà mua nhà ở. Đó là câu trả lời vì sao dân ta gần 90% có nhà đất mà vẫn phải chen chúc ở thành phố.
Đất đai là một loại tài sản đặc biệt ít biến động , nghĩa nó không tự nhiên sinh ra và không tự nhiên biến mất (tất nhiên là có mất khi bị sạt lở, có thêm khi phù sa bồi đắp).
Thực ra Việt Nam ta không thiếu đất ở, vì gần 90% người là có đất ở dù chỉ là đất nông nghiệp. Nó chỉ sốt khi hạ tầng đường xá, cầu cống được xây nhiều hơn, các khu công nghiệp hàng ngàn hecta được xây dựng ở các vùng ven thành phố để tạo làm việc kiểu tập trung công nghiệp.
Những hoạt động này kéo theo các dịch vụ khác phát triển như trung tâm hành chính, trường học, bệnh viện, dịch vụ thương mại, bến cảng, bến xe, khu vui chơi giả trí ngày càng mở rộng ở tại một số đô thị lớn nên đất ở của người dân bị thu hẹp dẫn đến ai muốn có một chỗ an cư thì phải trả giá cao.
Càng nhiều người tập trung vào một khu vực thì giá nhà đất càng cao như Hà Nội và TP HCM. Dân số ngày càng tăng cũng là một sức ép lên hạ tầng rất lớn. Việc đánh thuế lên người có nhiều nhà đất là để tăng ngân sách dành cho cải tạo hạ tầng tốt hơn phục vụ cho tất cả thì nên làm, nhưng cần phải có lộ trình, minh bạch và công bằng thì ai cũng ủng hộ.
Việc quan trọng là phải tạo công ăn việc làm ở các vùng quê để giãn dân. Tỉnh nào kéo được dân mình về nhiều thì đó là những cán bộ có năng lực.
Tôi thấy các tỉnh phía Bắc các khu công nghiệp được mở rộng tuyển công nhân nhiều. Hy vọng giãn dân càng nhiều thì cuộc sống của dân các thành phố lớn và dân các tỉnh ngày càng dễ chịu hơn đỡ phải chịu sức ép về nhà đất nữa.