Nhiều người nghĩ ở Hà Nội sẽ phát triển được tương lai con cái, nhưng có người lại nghĩ về quê để có thể phụng dưỡng bố mẹ.
Phần lớn những người quen sống ở Hà Nội, có công việc ổn định, thu nhập cao sẽ lựa chọn thủ đô để an cư lạc nghiệp. Ngoài ra, Hà Nội cũng là nơi lý tưởng để phát triển giáo dục, chăm sóc sức khỏe cho con cái trong suy nghĩ của nhiều người.
Anh Nguyễn Quang Đảng, 28 tuổi, ngụ tại quận Hoàng Mai, Hà Nội, cho biết, hiện tại bản thân đã tích góp được một khoản kha khá. Nếu có 1,5 tỉ đồng trong tay, anh sẽ lựa chọn mua nhà Hà Nội ở gần ngoại thành hoặc mua trả góp căn nhà nội đô giá từ 2,5 – 3 tỉ đồng.Ở khu vực gần ngoại thành như Ngọc Hồi (huyện Thanh Trì), Yên Nghĩa (quận Hà Đông), Đông Ngạc (quận Bắc Từ Liêm) giá nhà sẽ rẻ hơn. Với 1,5 tỉ đồng, anh Đảng đã có thể mua được căn nhà gần 30m2 trong ngõ, chấp nhận phải đi xa hơn nếu làm ở nội thành. Còn nếu công việc đòi hỏi phải ở trong nội thành thường xuyên, anh sẽ lựa chọn mua nhà trả góp.
Tuy nhiên, anh Đảng chia sẻ bản thân chỉ sống ở Hà Nội lúc còn trẻ, khoảng ngoài 50 tuổi, anh sẽ tính đến chuyện về quê nhà Nam Định. Vì thế, nếu kinh tế ở Hà Nội ổn định, anh sẽ dành thêm tiền để xây nhà ở quê để mỗi khi về có chỗ trú chân.
Bởi theo anh Đảng khi đã có tuổi, con người thường có xu hướng sống thảnh thơi, tránh xa sự ồn ào, tấp nập. Quê hương yên bình chính là lựa chọn lý tưởng nhất để tận hưởng tuổi già. Lúc đó, giá nhà Hà Nội đã tăng cao, anh có thể bán đi hoặc cho thuê tạo ra thu nhập thụ động hàng tháng trang trải cuộc sống.
Chị Lê Thị Vinh, 33 tuổi, cùng chồng đã quyết định dùng số tiền 1,7 tỉ đồng để mua đất, xây nhà tại một làng nhỏ thuộc quận Hà Đông, gần bến xe Yên Nghĩa, từ năm 2016. Vì làm việc tự do (freelancer) nên chị không lựa chọn nội đô để tiết kiệm chi phí cũng như có thể ở nhà rộng rãi hơn. Tuy nhiên, khách hàng chủ yếu ở Hà Nội nên vẫn phải sống ở thủ đô để dễ dàng gặp gỡ khi cần.
Bên cạnh đó, bản thân chị cũng muốn con cái có một môi trường học tập chất lượng, vui chơi đa dạng. Giáo dục ở thủ đô tuy đắt đỏ nhưng đào tạo tốt hơn bởi đội ngũ giáo viên tuyển chọn khá khắt khe. Mỗi lần đưa con cái đi chơi tại Hà Nội cũng tiện lợi hơn.
Chị Vinh nói thêm – ngày xưa khi còn ở quê, người thân gặp bệnh nặng đa số phải đưa lên thành phố, thậm chí là thủ đô mới chữa khỏi.
Ngược lại, anh Trần Ngọc Nguyên (28 tuổi, Nam Định) đã sử dụng số tiền 1,5 tỉ đồng để về quê xây một căn nhà 2 tầng khang trang. Nguyên nhân được anh tiết lộ đó là muốn sống cùng cha mẹ và không quá mưu cầu cao trong sự nghiệp.
“Dù ở Hà Nội làm được nhiều tiền hơn nhưng đổi lại cũng tiêu không ít vì chi phí đắt đỏ.
Trong khi đó, ở quê mọi thứ đều rẻ thậm chí còn có thể xin hàng xóm hoặc tự nuôi, trồng để ăn. Nếu muốn có thu nhập cao, tôi đã quyết định đi xuất khẩu lao động thay vì ở lại thủ đô làm việc” – anh Nguyên bày tỏ.
Chia sẻ về giáo dục cho con cái, anh Nguyên không quá đặt nặng cơ sở hạ tầng, vật chất khu vực và trình độ của giáo viên. Mặc dù giáo dục ở quê không tốt như thủ đô nhưng nếu con cái chăm học, tư duy tốt vẫn có thể thành tài.
Cũng vì là con một nên anh Nguyên muốn ở gần bố mẹ để chăm sóc và phụng dưỡng về sau. Vì thế, anh đã xây nhà trên chính mảnh đất bố mẹ cho, vừa không mất tiền mua đất vừa nhận được sự ngưỡng mộ từ mọi người khi có căn nhà khang trang, rộng rãi.