Bị cắt điện nước, khó khăn trong việc “đi ra”, “đi vào” vì nằm trên tuyến đường đông đúc xe cộ đi lại thế nhưng 2 ngôi nhà này kiên quyết không chịu nhận đền bù.
Cụm từ “ngôi nhà đinh” (nail house) được sử dụng để chỉ những ngôi nhà, tòa nhà không chịu giải tỏa ở Trung Quốc. Gọi những căn nhà này là “nhà đinh” vì chúng giống như những chiếc đinh không thể gỡ ra. Trong quá trình đô thị hóa, hiện đại hóa ở đất nước tỷ dân, hiện tượng “nhà đinh” đã trở nên vô cùng phổ biến.
Tại huyện Ôn An, thành phố Lang Phường, Hà Bắc, Trung Quốc, có 2 căn nhà đinh vô cùng nổi tiếng. 2 căn nhà này nằm kẹp giữa 2 con đường, cản trở lối đi của người dân trong vùng.
Theo Sohu, Lang Phương không có nền kinh tế phát triển bằng thành phố Thạch Gia Trang (tỉnh Hà Bắc). Tuy nhiên, vì thành phố này tập trung khá nhiều khu dân cư và tương đối gần Bắc Kinh nên nhiều tuyến đường cao tốc đã được xây dựng giữa Bắc Kinh và Lang Phường trong những năm gần đây để thuận tiện cho việc liên lạc giữa hai nơi. Theo đó, 2 ngôi nhà đinh nổi tiếng kể trên cũng nằm trên một tuyến đường cao tốc nối liền giữa hai thành phố này.
Nằm trong diện phải di dời để thực hiện dự án mở đường, tuy nhiên 2 ngôi nhà của hộ gia đình này lại nhất quyết không chịu chuyển đi. Gia chủ cho rằng vì nhà mình nằm trên vị trí mà tuyến đường cao tốc này đi qua, do đó đã yêu cầu phía chủ đầu tư bồi thường số tiền lên đến hàng chục triệu NDT.
Tuy nhiên, sau nhiều lần thực nghiệm đo đạc, chủ đầu tư đã đưa ra kết luận rằng hai ngôi nhà đinh này chỉ có thể được bồi thường nhiều nhất là 2 triệu NDT (tương đương 6 tỷ đồng). Vì cả hai bên không tìm được tiếng nói chung, 2 ngôi nhà đinh vẫn nằm yên ở đó ngay cả khi những hộ gia đình khác nằm trong dự án làm đường đã chuyển đi nơi khác.
Vì muốn dự án được thực hiện đúng thời gian đề ra, chủ đầu tư đã nhiều lần cử người đến tận nhà gia chủ để thương lượng thế nhưng đều không có kết quả. Gia chủ vẫn giữ vững quan điểm muốn tăng số tiền bồi thường.
Cuối cùng, trước trường hợp gia chủ quá cứng đầu, chủ đầu tư đưa ra quyết định thay đổi thiết kế công trình ban đầu, “tách” tuyến đường lớn thành 2 tuyến đường nhỏ vòng qua 2 ngôi nhà đinh này. Nhờ giải pháp này mà dự án tuyến đường cao tốc nối liền 2 thành phố là Lang Phường và Bắc Kinh tiếp tục thi công thuận lợi. Hiện nay 2 căn nhà đinh này không chỉ bị cắt điện nước mà ngay cả việc ra vào mỗi ngày cũng bị ảnh hưởng vì xe cộ đi lại nườm nượp.
Cũng theo Sohu, 2 ngôi nhà đinh này không phải trường hợp duy nhất ở Trung Quốc “cản trở” việc thi công các tuyến đường trọng điểm ở đất nước này. Một ngôi nhà đinh khác rộng 40m2 ở thành phố Quảng Châu, thủ phủ của tỉnh Quảng Đông cũng từng khiến cầu cao tốc phải “tách” ra làm đôi cũng trở thành chủ đề làm dấy lên cuộc thảo luận sôi nổi của cư dân mạng.
Theo đài truyền hình Quảng Đông, khi tiến hành thi công cầu cao tốc Hải Dũng Châu, phía chủ đầu tư không thể phá ngôi nhà một tầng lợp mái ngói có diện tích 40m2 ở giữa đường do gia đình bà Liang và chính quyền không đạt được thỏa thuận đền bù. Cứ như thế, nhiều năm trôi qua, căn nhà vẫn nằm “hiên ngang” ngay giữa cầu cao tốc, gây nhiều tranh cãi trong dư luận nước này.
Gia đình bà Liang là hộ dân duy nhất trong tổng số 47 hộ gia đình và 7 công ty thuộc diện di dời vẫn còn “bám trụ” ở đó. Những hộ chuyển đi đã được các nhà chức trách đền bù bất động sản tương ứng hoặc bồi thường tiền mặt, tuy nhiên, gia đình bà Liang đã từ chối tất cả hình thức bồi thường này.
Theo đó, gia đình bà Liang được bồi hoàn 2 căn hộ cùng 1,3 triệu NDT tiền mặt nhưng người phụ nữ này muốn được bồi thường tới 4 căn hộ và 2 triệu NDT.
Chia sẻ về trường hợp của nhà bà Liang, cán bộ phụ trách Phòng Xây dựng và Nhà ở quận Hải Châu, Quảng Châu trả lời rằng: Kể từ khi bắt đầu công việc thu hồi và phá dỡ, phía chủ đầu tư và chính quyền có liên quan đã tiến hành đàm phán và liên lạc với chủ sở hữu ngôi nhà này. Công khai công việc thu hồi và phá dỡ, giải thích chi tiết các tiêu chuẩn bồi thường cho việc phá dỡ và di dời, đồng thời cung cấp các phương án bồi thường khác nhau như bồi thường bằng tiền hoặc nhà ở để chủ sở hữu tham khảo.
Thế nhưng do đàm phán bất thành với gia nhà, chủ đầu tư không còn lựa chọn nào khác là thay đổi thiết kế công trình ban đầu và cho xây các làn cầu uốn quanh ngôi nhà của bà Liang.