Bà Lê Thị Vinh đã tạo nên sản phẩm nước mắm chất lượng cao, được mệnh danh như những ‘giọt vàng’ mang lại thu nhập lớn cho gia đình và nhiều người lao động khác.
Gắn bó với nghề làm nước mắm từ năm 8 tuổi, qua bàn tay miệt mài kết hợp bí quyết từ lâu đời, bà Lê Thị Vinh (68 tuổi, thôn Trung Đức, huyện Bố Trạch, Quảng Bình) đã cho ra đời sản phẩm nước mắm với thương hiệu riêng, tiếng tăm vang xa ra ngoại tỉnh.
Mỗi năm, gia đình bà Vinh nhập về hơn 20 tấn cá cơm để chế biến nước mắm, giải quyết việc làm cho 9-10 lao động.
Bà Vinh cẩn trọng kiểm tra độ mặn của nước mắm ở từng chum.
Với kinh nghiệm gần 60 năm tâm huyết với nghề, bà Vinh luôn tuân thủ đúng các quy trình kỹ thuật để tạo ra những giọt nước mắm thơm ngon, bảo đảm vệ sinh thực phẩm.
Bà Vinh cho rằng, bí quyết cốt ở trong tâm và tùy thuộc vào bàn tay của mỗi người, trong đó, khâu chọn cá là quan trọng nhất, cá phải tươi, vừa kích thước, chủng loại, nước mắm mới có giá trị, rồi đến công đoạn ủ… Tất cả cần có sự cần mẩn, kiên trì, không vội vàng và bảo đảm vệ sinh để người tiêu dùng đón nhận.
“Tôi học làm nước mắm từ khi 8 tuổi. Nghề này tưởng chừng đơn giản nhưng rất nhọc công, đòi hỏi nhiều kỹ năng, kỹ thuật và cả sự khéo léo, cẩn thận. Gọi là nghề sản xuất truyền thống nhưng thực ra không được chủ quan mà phải thật công phu, phải tính toán tỉ mỉ từng khâu, từ chọn lựa nguyên liệu cá, cách đảo nước bối, xử lý độ mặn, kéo rút sao cho đạt chất lượng cao nhất…
Để làm ra sản phẩm thơm ngon đúng vị phải qua rất nhiều công đoạn, tuân thủ nghiêm ngặt tiêu chuẩn chọn nguyên liệu và quy cách chế biến, đồng thời cần khéo léo và sạch sẽ nhằm bảo đảm vệ sinh cho sản phẩm”, bà Vinh mở đầu câu chuyện.
Cá và muối được trộn với tỷ lệ 4:1 và được nén chặt trong các thùng chứa để bắt đầu quá trình muối cá tạo nước mắm.
Sau thành phẩm này còn trải qua công đoạn ủ lắng nữa mới có thể cho ra những giọt nước mắm cốt có màu cánh gián hoặc vàng rơm đặc trưng. Quá trình ủ phải canh chừng thời gian sao cho phù hợp thì nước mắm mới thơm ngon và bảo đảm độ đạm.
Vì không sử dụng bất kỳ một loại hóa chất nào nên nguyên liệu thải từ các loại nước mắm, ruốc còn được người dân trên địa bàn thu mua, tận dụng làm nguồn thức ăn trong chăn nuôi. Như vậy, sản phẩm từ biển được tận dụng tối đa, vừa tiết giảm chi phí, vừa bảo vệ môi trường”.
Cá ủ muối sau 12-13 tháng sẽ cho ra nước mắm.
Theo bà Vinh, bình quân mỗi tấn cá sau khi ủ lắng sẽ tạo ra hơn 600 lít nước mắm, mỗi năm cơ sở sản xuất khoảng 12.000 lít nước mắm.
Giá thành của 1 lít nước mắm dao động khoảng 45 đến 50 nghìn đồng, mỗi năm cơ sở thu về khoảng 200 triệu tiền lãi, giải quyết việc làm cho 9-10 lao động.
Với hương vị đậm đà riêng có, thương hiệu nước mắm bà Vinh đã được khẳng định. Để có được kết quả đó, người dân làng biển nơi đây đã phải vượt qua biết bao khó khăn, thử thách để giữ gìn, phát triển nghề truyền thống của quê hương.