So với 1 năm trước thì hiện tại môi giới bất động sản vô cùng khó khăn để tìm kiếm giao dịch.
Thời hoàng kim của môi giới của hơn một năm trước đã đi qua. Đó là giai đoạn, có tháng, môi giới chốt thành công 10 giao dịch. Thậm chí, ở giai đoạn sốt đất, số lượng giao dịch chốt thành công lên tới 13 thương vụ.
Môi giới tên Thành (Hải Dương) kể lại, có buổi tối 10 giờ đêm, anh phải đi ô tô tới nhà khách để nhận cọc. Đó là thời điểm 2020-2021, sốt đất diễn ra ở nhiều khu vực Hải Dương. Giá tăng trung bình 30-50%, thậm chí một số nơi tăng tới 100%. Đặc biệt tại Cẩm Giàng, Bình Giang hay Chí Linh, những khu vực đất đấu giá cũng ghi nhận hiện tượng lượng lớn khách cọc và mua bán chuyển nhượng trên thị trường thứ cấp.
Mới bước chân vào nghề môi giới từ đầu năm 2020, anh Thành tự nhận mình may mắn vì vào đúng thời điểm. Giai đoạn sốt đất, mỗi tháng, anh Thành chốt thành công 10 giao dịch. Có tháng bán đất đấu giá trên thị trường thứ cấp, anh Thành môi giới thành công 13 giao dịch.
Mỗi thương vụ, anh Thành thu về 15-20 triệu đồng tiền hoa hồng. Từ nghề chính lái xe taxi, chỉ sau ít tháng, nhờ đầu tư “ăn theo”, góp vốn cùng bạn bè hoặc “ăn chênh” từ giao dịch đất và tiền môi giới anh Thành tích cóp khoản vốn tiền tỷ để tham gia vào kinh doanh bất động sản.
Thế nhưng, kể từ thời điểm tháng 4/2022 đến nay, anh Thành cho biết: “Thị trường chững lại. Giao dịch gần như không có”. Theo anh Thành, bất động sản không cắt lỗ, giữ nguyên giá đều không bán được. Thậm chí, chủ đất cắt lỗ 10-15% cũng không có ai mua.
“Tôi túc tắc mỗi tháng chỉ chốt được 1 giao dịch. Thế cũng là may mắn vì nhiều bạn bè của tôi còn tạm thời bỏ nghề khi vài tháng liền không có khách mua”. Tuy nhiên, môi giới này tiết lộ, số tiền thực tế thu về chỉ vài triệu đồng do anh chấp nhận biếu khách 50% tiền hoa hồng.
“Để khách chốt mua, tôi phải biếu khách trung bình 40-60% tiền hoa hồng. Ví dụ, một thương vụ bán đất giá 1,5 tỷ đồng, theo thoả thuận với chủ đất, khoản hoa hồng tôi nhận được là 20 triệu đồng. Ngoài việc “ép” chủ nhà hạ giá, tôi còn phải báo khách cho 10 triệu hoặc thậm chí 12 triệu đồng để họ chốt sớm. Được vài triệu tiền hoa hồng thời buổi này còn hơn là không có đồng nào”, anh Thành nói thêm.
Chị Hương, ở Hà Nội cho hay: “Dân bất động sản thường có cụm từ “cắt máu” để chỉ việc môi giới chấp nhận chia một phần tiền hoa hồng từ chủ nhà cho khách hàng. Bởi họ chấp nhận một phần hoa hồng thấp hơn so thoả thuận còn hơn không nhận được khoản tiền nào.
Tuy nhiên, thời điểm thị trường sốt nóng, hiện tượng này xảy ra ít, chỉ đối với một số môi giới mới vào nghề. Thế nhưng, đến hiện tại, thị trường trầm lắng, giao dịch gần như đóng băng. Muốn có tiền trang trải cuộc sống, môi giới “cắt” lại hoa hồng diễn ra nhiều hơn”.
“Mưu sinh” với nghề trong bối cảnh thị trường trầm lắng như hiện nay không phải là công việc dễ dàng đối với môi giới. Báo cáo của Hội Môi giới Bất động sản Việt Nam ghi nhận, trong 4 tháng đầu năm, hàng nghìn môi giới phải mất việc. So giai đoạn đầu năm 2022, tức khoảng 1 năm sau, lượng môi giới còn hoạt động trên thị trường dao động ở con số 30-40%.
Thu nhập của môi giới giảm là bức tranh không còn hiếm gặp khi thương vụ chốt giao dịch thành công sụt giảm trầm trọng. Thực tế, nhiều môi giới còn không đòi được khoản hoa hồng từ giao dịch đã chốt do doanh nghiệp rơi vào tình cảnh khó khăn về dòng tiền hay chính công ty đang làm việc trực tiếp mất khả năng thanh toán.
TS. Nguyễn Văn Đính, Chủ tịch Hội Môi giới Bất động sản Việt Nam cho rằng, đây là giai đoạn thách thức đối với nghề môi giới. Với môi giới chuyên nghiệp, đây lại là cơ hội để vươn lên, phát triển bền vững.