Quyết tâm bỏ việc văn phòng về khởi nghiệp làm bánh dinh dưỡng từ dừa sáp, chị Lâm Ngọc Tú khiến nhiều người phải kinh ngạc.
Bỏ việc văn phòng, đi giới thiệu sản phẩm chế biến sâu từ trái dừa sáp tại hội chợ
Hiện nay, ở các tỉnh, thành vùng ĐBSCL hay ở TP.CHM, miễn nơi nào tổ chức hội chợ nông sản, chị Lâm Ngọc Tú đều đăng ký tham gia trưng bày gian hàng giới thiệu sản phẩm.
Chị Lâm Ngọc Tú (bên trái) trưng bày giới thiệu sản phẩm bánh dinh dưỡng dừa sáp cho khách. Ảnh: Huỳnh Xây
Theo tìm hiểu của phóng viên Dân Việt, gian hàng trưng bày giới thiệu sản phẩm của chị Lâm Ngọc Tú rất đa dạng, trong đó chủ yếu là sản phẩm chế biến từ dừa sáp hoặc dừa sáp kết hợp với các loại củ quả giàu dinh dưỡng khác. Tại đây, chị Tú mời khách thưởng thức miễn phí sản phẩm và tiếp thu ý kiến phản hồi. Để từ đó nắm bắt thị hiếu cũng như nhu cầu người tiêu dùng. Riêng những khách hàng thấy ngon sẽ mua đem về thưởng thức dần hoặc làm quà biếu.
“Sản phẩm của tôi rất mới, do đó đi các nơi để giới thiệu là chính, chứ không ưu tiên đến lợi nhuận” – chị Tú nói.
Năm 2023 được nhận định là một năm kinh tế đầy khó khăn, nhu cầu của người tiêu dùng được thắt chặt, việc ra mắt sản phẩm mới trong thời điểm này chắc hẳn sẽ gặp nhiều khó khăn. Tuy nhiên, theo chị Tú, bản thân vẫn phải cố gắng và tin rằng, sau những nỗ lực, sản phẩm khởi nghiệp của mình sẽ dần được nhiều người quan tâm, biết đến.
Chị Lâm Ngọc Tú thường xuyên đi tham gia các hội thảo, hội nghị, để tìm kiếm các đối tác trong và ngoài nước, với mong ước đưa sản phẩm của mình đến miền Trung, miền Bắc và xuất khẩu. Ảnh: Huỳnh Xây
Không phải là dân kinh doanh chuyên nghiệp, trước đây, chị Tú là nhân viên văn phòng làm việc ở TP.Cần Thơ. Do nhiều lần về quê chồng (huyện Cầu Kè, tỉnh Trà Vinh) thấy trái dừa sáp có giá trị dinh dưỡng cao, nhiều người tìm mua nhưng rất khó vận chuyển đi xa, giá bán không ổn định nên vợ chồng chị đã tìm cách học hỏi, xoay vốn chế biến sâu trái đặc sản này.
Từ đó, chị mạnh dạn quyết định xin nghỉ việc văn phòng, chuyên tâm vào con đường khởi nghiệp.
Về sau, các sản phẩm chế biến sâu từ trái dừa sáp đã lần lượt ra đời gồm: dừa sáp sợi, kẹo dừa sáp nguyên chất, kẹo dừa sáp hương ca cao, kẹo dừa sáp hương dứa, trái dừa sáp hút chân không, dừa sáp sấy giòn tan, sữa chua dừa sáp sấy giòn tan.
Hiện nay, các sản phẩm này đều đã đạt chứng nhập sản phẩm OCOP 4 sao, riêng sản phẩm dừa sáp sợi đang đăng ký để được xét duyệt đạt chứng nhận OCOP 5 sao.
Tâm huyết với sản phẩm bánh dinh dưỡng dừa sáp
Chị Tú cho biết, rất tâm huyết với sản phẩm bánh dinh dưỡng dừa sáp bởi sản phẩm này có sự kết hợp độc đáo giữa dừa sáp và rau củ tươi, có giá trị dinh dưỡng cao, độ ngọt tự nhiên, dùng tốt cho trẻ em trên 9 tháng tuổi, người lớn tuổi và người ăn thuần chay.
Sản phẩm bánh dinh dưỡng dừa sáp. Ảnh: Huỳnh Xây
“Bánh dinh dưỡng dừa sáp có 3 dòng sản phẩm chính gồm dừa sáp và bí đỏ, dừa sáp và khoai lang, dừa sáp và chuối. Mới ra mắt vào giữa tháng 4 nhưng đến nay đã có khoảng 10.000 hộp bánh được bán ra qua nhiều kênh phân phối khác nhau” – chị Tú thông tin.
Chi Tú nói thêm, sở dĩ bánh dinh dưỡng dừa sáp được nhiều người tiêu dùng đón nhận là do sử dụng công nghệ chế biến hiện đại, không bổ sung chất bảo quản hay phẩm màu và hương nhân tạo, đặc biệt không chiên qua dầu, không chứa cholesterol.
Ngoài ra, bánh dinh dưỡng dừa sáp giàu đạm thực vật, bổ sung nhiều canxi, bổ sung chất xơ tự nhiên và dầu thực vật (chứa trong dừa sáp) giúp hỗ trợ phòng các bệnh về tim mạch và tiêu hóa. Đặc biệt, sản phẩm dễ dàng tan nhanh trong miệng, phù hợp với xu hướng tiêu dùng sản phẩm xanh sạch và tiện lợi như hiện nay.
“Dừa sáp khi kết hợp với với củ quả khác tạo nên sự khác biệt. Vì dụ, con nhỏ trên 9 tháng tuổi, mình kêu ăn bí đỏ bé sẽ không thích ăn nhưng nếu đưa bánh thì bé sẽ thích thú và chịu ăn liền. Đây cũng là cách giúp các bé nhỏ ăn rau củ dễ dàng hơn” – Chị Tú nói thêm.
Sản phẩm bánh dinh dưỡng dừa sáp không những giúp tiêu thụ được lượng dừa sáp mà giúp tiêu thụ nông sản khác ở huyện Cầu Kè, tỉnh Trà Vinh. Thêm vào đó, giải quyết việc làm cho 25 lao động tham gia vào các khâu sản xuất, kinh doanh sản phẩm chế biến sâu trái dừa sáp.
Không chỉ tích cực tham gia hội chợ và các chương trình xúc tiến thương mại, chị Tú còn đăng ký tham gia các lớp tập huấn, khóa học kinh doanh ở TP.HCM, thường xuyên tham gia các hội thảo, hội nghị, để tìm kiếm khách hàng tiềm năng trong và ngoài nước, với mong ước mở rộng thị trường đến khu vực miền Trung, miền Bắc và xuất khẩu.
Chị Tú bật mí, tới đây, chị sẽ tiếp tục nghiên cứu cho ra thị trường nhiều sản phẩm đa dạng hơn từ dừa sáp, để tiếp tục hành trình nâng cao giá trị đặc sản quê nhà với phương châm không ngừng đổi mới và sáng tạo.
Để dễ dàng đưa sản phẩm đến với người tiêu dùng, chị Lâm Ngọc Tú cùng chồng thành lập Công ty TNHH Chế biến Dừa sáp Cầu Kè (Vicosap). Hiện công ty có cơ sở sản xuất đặt tại vùng nguyên liệu dừa sáp thuộc xã Thạnh Phú, huyện Cầu Kè, tỉnh Trà Vinh và cơ sở kinh doanh tại phường Hưng Phú, quận Cái Răng, TP.Cần Thơ.