Lần đầu tiên kể từ năm 2015, ACB chia cổ tức bằng tiền mặt cho cổ đông. Dự kiến, cá nhân ông Trần Hùng Huy Chủ tịch ACB sẽ nhận được số tiền ‘khủng’.
Ngân hàng TMCP Á Châu (mã chứng khoán: ACB) vừa thông báo thay đổi số lượng cổ phiếu có quyền biểu quyết đang lưu hành.
Cụ thể, trong báo cáo gửi Sở Giao dịch Chứng khoán TPHCM (HoSE), ngân hàng này cho biết đã phát hành 506,6 triệu cổ phiếu để trả cổ tức năm 2022, qua đó, nâng tổng số cổ phiếu lưu hành từ 3,38 tỷ cổ phiếu lên 3,88 tỷ cổ phiếu. Vốn điều lệ tương ứng tăng từ 33.774,4 tỷ đồng lên 38.840,5 tỷ đồng.
Trước đó, ACB thông báo, ngày 2/6 là ngày đăng ký cuối cùng để thực hiện quyền trả cổ tức năm 2022 bằng tiền và cổ phiếu.
Về phương án trả cổ tức bằng cổ phiếu, với số lượng phát hành 506,6 triệu cổ phiếu, tổng giá trị phát hành theo mệnh giá tương đương 5.066 tỷ đồng với tỷ lệ 15% (cổ đông sở hữu 100 cổ phiếu được nhận 15 cổ phiếu mới). Nguồn vốn phát hành từ lợi nhuận có thể sử dụng chia cổ tức năm 2022.
Trong khi đó, ở phương án trả cổ tức bằng tiền, tỷ lệ thực hiện là 10% (cổ đông sở hữu 1 cổ phiếu được nhận 1.000 đồng). Với gần 3,38 tỷ cổ phiếu đang lưu hành, ước tính ACB sẽ phải chi khoảng 3.377,4 tỷ đồng cho đợt chia cổ tức này. Ngày thanh toán dự kiến vào 12/6.
Như vậy, sau 8 năm, cổ đông ACB mới lại được nhận cổ tức bằng tiền mặt. Lần gần nhất ACB chi trả cổ tức bằng tiền mặt là vào giữa năm 2015 với tỷ lệ 7%, (cổ đông sở hữu 1 cổ phiếu nhận được 700 đồng). Với gần 896 triệu cổ phần lưu hành khi đó, ACB đã chi hơn 627 tỷ đồng để trả cổ tức.
Theo báo cáo quản trị năm 2022, lãnh đạo ACB không phải là cổ đông lớn của ngân hàng (do tỷ lệ sở hữu cổ phần dưới mức 5%). Ông Trần Hùng Huy – Chủ tịch Hội đồng quản trị (HĐQT) – có trong tay 115,74 triệu cổ phiếu ACB (tương ứng chiếm tỷ lệ 3,43%); bà Trần Thu Thủy – Thành viên HĐQT và là mẹ của ông Trần Hùng Huy – sở hữu 40,34 triệu cổ phiếu (tương ứng 1,19% vốn điều lệ).
Các doanh nghiệp có liên quan tới ông Trần Hùng Huy là Công ty Cổ phần Đầu tư Thương mại Giang Sen sở hữu 60,72 triệu cổ phiếu ACB (tương ứng tỷ lệ 1,8%); Công ty Cổ phần Đầu tư Thương mại Vân Môn sở hữu 33,57 triệu cổ phiếu ACB (tương ứng tỷ lệ 0,99%) và Công ty Cổ phần Đầu tư Thương mại Bách Thanh sở hữu 42,27 triệu cổ phiếu ACB (tương ứng 1,25% vốn điều lệ ngân hàng).
Trong lần trả cổ tức tới đây, cá nhân ông Trần Hùng Huy sẽ nhận được 115,7 tỷ đồng tiền mặt và 17,4 triệu cổ phiếu ACB.
Bản cáo bạch của ACB công bố năm 2020 cũng như báo cáo quản trị công ty năm 2022 không ghi nhận cá nhân nào là cổ đông lớn của ngân hàng, đồng thời cũng không thể hiện cụ thể tình trạng sở hữu của các cá nhân sáng lập.
Còn nhớ, theo thông tin được ông Vũ Xuân Nam, luật sư của ông Nguyễn Đức Kiên (bầu Kiên), đưa ra tại phiên họp đại hội đồng cổ đông (ĐHĐCĐ) thường niên năm 2018 của ACB, thời điểm đó, bầu Kiên sở hữu 34,73 triệu cổ phiếu ACB, tương đương 3,38% cổ phần của ngân hàng này. Sở hữu của nhóm bầu Kiên lúc đó (theo đơn đề cử nhân sự) là 10,45% vốn điều lệ, tương đương khoảng 117,6 triệu cổ phiếu ACB vào thời điểm trên.
Ông Nguyễn Đức Kiên là một trong những cổ đông sáng lập, tuy nhiên, thời gian hạn chế chuyển nhượng cổ phiếu của cổ đông sáng lập đã hết hiệu lực theo quy định của Luật Doanh nghiệp năm 2014 nên về lý thuyết thì ông Kiên và những cổ đông sáng lập khác có thể chuyển nhượng cổ phiếu. Dù vậy, chưa có thông tin nào kể từ đó cho tới nay công khai về việc bầu Kiên đã bán bớt cổ phiếu ACB. Trong điều kiện bầu Kiên và những người liên quan vẫn giữ nguyên tỷ lệ sở hữu tại ngân hàng thì với tư cách cổ đông, nhóm ông Kiên vẫn nhận được cổ tức đều đặn qua các lần chi trả những năm qua.
Về sức ảnh hưởng của bầu Kiên đối với ACB, kể từ sau biến cố năm 2012, phía ngân hàng cũng đã dần thoát khỏi ảnh hưởng của vị đại gia này. Điển hình là tại phiên họp thường niên của ĐHĐCĐ năm 2018, ông Nguyễn Duy Hưng, đại diện cho nhóm cổ đông liên quan đến bầu Kiên, đã không được phê duyệt vào danh sách bầu thành viên HĐQT ngân hàng nhiệm kỳ 2018-2023. Bà Đặng Ngọc Lan (vợ bầu Kiên) từng giữ vị trí Phó Ban kiểm tra kiểm soát nội bộ và Chủ tịch công đoàn, nhiều năm nay cũng không còn đảm nhiệm vị trí nào tại ngân hàng.
Còn tại báo cáo tài chính hợp nhất đã kiểm toán của ACB năm 2018, khoản mục “dư nợ nhóm 6 công ty” (nợ xấu liên quan đến bầu Kiên) cũng đã không còn xuất hiện trong phần thuyết minh.
Tỷ lệ nợ xấu tại ACB những năm qua duy trì thấp. Tới cuối quý IV/2022, nợ xấu của ACB ở mức 0,74% và đến cuối quý I vừa qua là 0,84%.
Tại phiên họp cổ đông năm 2023 diễn ra hồi tháng 4, ACB lên kế hoạch tăng 17,2% lợi nhuận trước thuế lên mức 20.058 tỷ đồng, tỷ lệ nợ xấu dưới 2%. Ngân hàng này cũng dự kiến sẽ trích hơn 9.710 tỷ đồng để chia cổ tức năm 2023, tỷ lệ chia là 25% (15% cổ phiếu và 10% tiền mặt).