Chủ trang trại ở Nghệ An không được thông báo trước việc cắt điện dẫn đến cả trang trại gà nghìn con lăn ra ch.ết, thiệt hại hàng trăm triệu đồng…
Trở tay không kịp vì cắt điện đột ngột
Gần một tuần trôi qua, anh Cao Văn Thìn (SN 1988, trú xã Diễn An, huyện Diễn Châu, Nghệ An) vẫn thất thần khi gần 1.000 con gà đến kỳ xuất chuồng bị chết do sốc nhiệt, thiệt hại khoảng 100 triệu đồng.
Sự cố mất điện xảy ra vào khoảng 9h sáng ngày 3/6, nhưng mãi hơn 1 giờ sau, anh Thìn mới nhận được thông báo mất điện. Thời tiết nắng nóng, nhiệt độ chuồng tăng cao khiến gà bị ngạt, sốc nhiệt và chết nhanh.
“Khoảng 9h mất điện nhưng mãi đến hơn 11h tôi mới nhận được thông báo từ phía điện lực. Trang trại đã chuẩn bị 3 máy phát điện đề phòng sự cố, nhưng hôm đó hệ thống máy bị trục trặc, không thể khắc phục kịp”, anh Thìn cho hay.
Anh Thìn chia sẻ: “Đầu tháng 3 năm nay, tôi vay gần 70 triệu đồng mua 6.000 con giống. Đến nay, gà đạt đủ trọng lượng nhưng chưa xuất bán. Gà bị chết, tôi lâm vào cảnh nợ nần”.
Biết tin trang trại gà của anh Thìn gặp sự cố, Hội thiện nguyện xã Diễn Thọ cùng làng xóm đã chung tay xử lý số gà chết, giúp anh vớt vát lại tài sản bị thiệt hại.
Túc trực 24/24 đề phòng cắt điện
Trang trại của anh Cao Văn Ba (SN 1981) cũng nuôi 12.000 con gà, trong đó 6.000 con đến dịp xuất chuồng. Để đảm bảo không khí trong chuồng trại, mỗi khi mất điện anh phải duy trì chiếc máy phát cỡ lớn để đảm bảo hệ thống quạt gió, phun sương trên mái.
“Mỗi ngày ở đây thường bị cắt điện 4-6 giờ. Mặc dù chưa thiệt hại nhưng dùng máy phát thì nguồn điện hạn chế, năng suất sụt giảm”, anh Ba chia sẻ.
Qua tìm hiểu của PV, thời gian qua, do tình trạng mất điện liên tục nên các nhà máy, cơ sở kinh doanh sản xuất, nhà hàng,… đều trang bị các loại máy phát song vẫn không đáp ứng được nhu cầu sinh hoạt thường xuyên, trong khi giá nhiên liệu (xăng dầu) tăng cao.
Dịp này ông Nguyễn Xuân Sơn (SN 1959, trú xã Diễn Kim, huyện Diễn Châu), chủ một trang trại nuôi tôm, cũng phải túc trực 24/24h ở hồ nuôi rộng khoảng 2.000m2.
Ông Sơn cho hay, mặc dù phía điện lực có thông báo mất điện theo khung giờ, nhưng ông phải liên tục túc trực ở đây phòng khi điện lưới gặp sự cố. Nếu xử lý không kịp thời thì tôm sẽ bị chết do thiếu ô xy.
“Tôi phải mua, tích trữ hàng chục lít dầu ở trang trại. Khi bị cắt điện, phải nổ máy phát ngay để duy trì dàn quạt tạo ô xy hoạt động trong hồ nuôi”, ông Sơn nói.
Bà Bùi Thị Hà (SN 1972, chủ cơ sở chế biến sứa, ruốc ở huyện Diễn Châu) cũng chuẩn bị chiếc máy phát lớn để sẵn phòng khi mất điện.
“Có máy phát nhưng cũng không đảm bảo được nguồn điện. Mỗi khi mất điện, công nhân phải nghỉ làm, sản xuất, chế biến cũng bị ngưng trệ, cơ sở thiệt hại hàng chục triệu đồng”, bà Hà cho hay.
Ông Nguyễn Văn Thành, Giám đốc công ty sản xuất thức ăn chăn nuôi Thành Đô (đóng tại KCN Thọ Lộc, huyện Diễn Châu), cho biết, mặc dù phía điện lực có thông báo cắt điện theo khung giờ nhưng việc này ảnh hưởng rất lớn đến việc sản xuất, kinh doanh.
“Hệ thống máy móc của công ty hiện đại, cho dù có máy phát điện cũng không đáp ứng được việc chạy máy thường xuyên. Mỗi khi mất điện, công nhân phải ngừng sản xuất ngay, năng suất giảm khoảng 30-40%”, ông Thành thông tin.