Trong giao dịch bất động sản, môi giới vẫn luôn được hưởng hoa hồng. Thế nhưng ở thời điểm khó khăn như hiện tại mà môi giới vẫn làm chuyện lừa gạt khách như trên thì đúng là không chấp nhận được.
Trường hợp này đã diễn ra tại một dự án thuộc khu Đông Tp.HCM. Một khách hàng mua căn hộ đã “tá hoả” khi biết được mình bị cú lừa bởi môi giới bất động sản. Căn hộ giá 2,8 tỉ đồng (giá chủ nhà thu về) được môi giới bán lại 3,4 tỉ đồng. Được biết, đây là môi giới do một người quen giới thiệu. Chính vì sự quen biết này mà phía người mua khá tin tưởng, cho đến khi phát hiện ra sự thực.
Tìm hiểu được biết, nhiều căn hộ tại dự án này hiện đang rao bán “lỗ” trên thị trường thứ cấp. Trường hợp căn hộ giá 2,8 tỉ đồng/căn cũng nhiều lần rao bán nhưng chưa có giao dịch, đến khi gặp được vị khách muốn mua thì môi giới kê chênh 600 triệu đồng.Việc môi giới kê chênh giá hàng chục đến hàng trăm triệu đồng so với giá thu về của chủ nhà/chủ đất không phải là chuyện hiếm trên thị trường bất động sản. Tình trạng này diễn ra nhiều lúc thị trường sôi động.
Tuy nhiên, ngay cả khi thị trường yếu thanh khoản câu chuyện này vẫn diễn ra khiến nhiều người giật mình. Thị trường khó khăn kéo dài, bất động sản không còn là nghề dễ kiếm ăn của môi giới bất động sản như trước đây. Chính điều này đã tạo ra những “mánh khoé” kiếm tiền của môi giới.
Việc kê giá, thổi giá sản phẩm với hình thức “bắt tay” với chủ nhà/chủ đất để bán giá cao cho người mua âm thầm diễn ra. Với những khách hàng ít kinh nghiệm mua bán bất động sản rất dễ vướng vào mánh khoé này của môi giới. Chưa kể, trước tình hình rao bán cắt lỗ do khó khăn tài chính, nhiều sản phẩm tưởng là lỗ mà không phải như vậy.
Hiện nay không ít môi giới bất động sản dùng cách thức “lướt sóng qua tay” là mua từ chủ đất sau đó rao bán lại để ăn tiền chênh. Thậm chí lấy tiền cọc của khách hàng để cọc cho chủ đất, bản thân không mất đồng nào. Lấy cọc của khách mua 100 triệu, cọc cho chủ đất 50 triệu.
Với đất nền, môi giới có thể ăn tiền chênh từ 50-200 triệu đồng/nền, với chung cư hoặc nhà đất, số tiền chênh có thể còn cao hơn. Số tiền chênh sẽ càng lớn khi môi giới có thể mua được trực tiếp từ chủ đất muốn bán ra (hoặc cần tiền gấp). Sau khi thương lượng môi giới có thể bớt được vài chục triệu đồng/nền.
Thị trường cũng đã từng xuất hiện những môi giới rao chênh giá quá cao so với giá chủ nhà/chủ đất đưa ra khiến bất động sản khó có giao dịch. Sau thời gian bán mãi không được, môi giới vào ép chủ nhà bán với giá rẻ, rồi lướt cọc kê giá cao bán lại cho người có nhu cầu. Thậm chí, nếu không mua được môi giới sẽ rao tin xấu về bất động sản đó. Tình trạng này tuy không nhiều nhưng vẫn âm thầm diễn ra trên thị trường.
Từ câu chuyện bị môi giới kê chênh cho thấy, việc xác định giá trị căn nhà, căn hộ, mảnh đất phụ thuộc vào nhiều yếu tố. Trong đó quan trọng nhất là người mua phải nắm rõ các thông tin đã và đang giao dịch trong khu vực hoặc nhờ các đơn vị thẩm định giá chuyên nghiệp. Người mua không nên quá tin vào lời môi giới hoặc các môi quan hệ quen biết mà không có sự thẩm định riêng.
Hiện nay, bên cạnh các môi giới hành nghề chuyên nghiệp thì tình trạng môi giới làm thời vụ, vin vào sự thiếu hiểu biết của khách hàng để kê chênh giá là không hiếm. Điều này cũng phản ánh thực trạng “bát nháo” của nghề môi giới bất động sản. Khách hàng vẫn luôn là người chịu trận.