Quá ấn tượng nên Bộ trưởng Lê Minh Hoan đã đặt mua nguyên cây vải thiều tại vườn của gia đình ông Nguyễn Văn Sơn.
Trao đổi với báo chí, ông La Văn Nam, Chủ tịch UBND huyện Lục Ngạn (Bắc Giang), thông tin, vườn vải thiều may mắn được bán nguyên cây cho Bộ trưởng Lê Minh Hoan là của gia đình ông Nguyễn Văn Sơn ở xã Quý Sơn (Lục Ngạn). Khu vườn nằm trong vùng trồng vải xuất khẩu đi Nhật Bản.
Ông Vũ Văn Mến, Tổ trưởng Tổ hợp tác Sản xuất vải thiều theo hướng hữu cơ xuất khẩu sang Nhật Bản, châu Âu, Mỹ ở thôn Đồng Giao (Quý Sơn), xác nhận, mới đây Bộ trưởng NN-PTNT Lê Minh Hoan đã đặt biển sở hữu một cây vải theo mô hình “Cây vải vườn nhà” tại vườn gia đình ông Nguyễn Văn Sơn.
Không chỉ Bộ trưởng, nhiều cán bộ tỉnh Bắc Giang cũng đặt mua cây của các thành viên trong tổ hợp tác, ông Mến chia sẻ. Mức giá mọi người đặt mua từ 4-5 triệu đồng/cây. Vải sau khi chín đạt độ ngọt và thơm ngon nhất, người mua có thể lên vườn tự tay thu hái quả.
Tổ hợp tác của ông Mến hiện có 9 thành viên tham gia sản xuất theo tiêu chuẩn hữu cơ, đáp ứng yêu cầu của các thị trường khó tính như Nhật Bản, Mỹ, EU… Vụ này, Tổ hợp tác đã ký kết bán vải cho nhiều doanh nghiệp với giá dao động từ 30.000-35.000 đồng/kg.
Vụ vải thiều năm nay, ngoài việc mở rộng xúc tiến tiêu thụ, xuất khẩu vải thiều, huyện Lục Ngạn (Bắc Giang) có thêm nhiều cách làm mới nhằm nâng cao giá trị quả vải, như xây dựng các tour, tuyến du lịch sinh thái, trải nghiệm hái vải thiều hay bán vải nguyên cả cây theo mô hình “Cây vải vườn nhà”.
Ngày 4/6, tới thăm mô hình vườn vải du lịch sinh thái tại xã Giáp Sơn (Lục Ngạn), Bộ trưởng Lê Minh Hoan bày tỏ cảm xúc: “Quá tuyệt vời!”
Theo Bộ trưởng Hoan, nhắc đến nông nghiệp là nhắc đến sức ép mùa vụ. Đối với sản phẩm trái cây, sức ép mùa vụ càng lớn hơn do thời gian thu hoạch cũng như bảo quản ngắn. Ông cho rằng, để có thể hướng tới việc giảm thiểu rủi ro mùa vụ cần phải đa dạng hóa các kênh tiêu thụ nông sản.
Mô hình vườn vải du lịch sinh thái chính là một kênh tiêu thụ nông sản tại chỗ rất hiệu quả. Đây cũng là một kênh tiêu thụ rất đặc biệt khi du khách đến có thể trực tiếp trải nghiệm và cảm nhận được chất lượng trong từng trái vải, cảm nhận được trách nhiệm cao của người nông dân.
Những mô hình độc đáo như vườn vải du lịch sinh thái sẽ giải quyết sự mù mờ cho các nhà phân phối nội địa, qua đó kết nối chuỗi tiêu thụ nông sản từ vườn tới hệ thống các siêu thị và trung tâm thương mại, Bộ trưởng nhấn mạnh.
Ông Trần Văn Hành ở thôn Chão (Giáp Sơn, Lục Ngạn) là một trong những người tiên phong liên kết với doanh nghiệp xây dựng mô hình du lịch vườn vải thiều và bán vải nguyên cây ở địa phương cho du khách.
“Giữa tháng 3 mùa hoa vải thiều bung nở, vườn chính thức mở đón khách”, ông khoe. Ông Hành liên kết với doanh nghiệp lữ hành, hàng ngày đón các đoàn khách vào vườn tham quan, chụp ảnh, cắm trại. Đích thân ông, hoặc hướng dẫn viên du lịch, sẽ kể tường tận về quy trình trồng và chăm sóc vườn để tạo ra quả vải thiều chất lượng cao.
Tính đến thời điểm này, vườn nhà ông đã đón hơn 2.000 lượt du khách đếm tham quan trải nghiệm. Ngoài ra, khách du lịch còn đặt mua hơn 10 cây vải trong vườn với giá từ 10-10,5 triệu đồng/cây.
“Mỗi cây vải thiều cho sản lượng từ 150-200kg, nhưng khách vẫn mua vì trân trọng quá trình người nông dân làm ra trái vải, muốn một lần tự tay hái quả chín ăn”, ông nói.
Khách chốt mua xong, dưới gốc cây đều được cắm biển tên người sở hữu. Ngày trái chín, họ có thể lên vườn tự tay hái vải, hoặc ông thu hái và đóng thùng gửi tới địa chỉ khách yêu cầu.
“Tôi muốn làm nông nghiệp đa giá trị, không chỉ đơn thuần là trồng vải bán quả mà bán cả câu chuyện trên đồi vải. Tôi đang trồng thử nghiệm loại vải thiều cho chất lượng đặc biệt, hướng tới phân khúc cao cấp”, ông Hành tiết lộ.