Năm 1994, bà Loan thành lập Xí nghiệp tư doanh (XNTD) Quốc Cường, với lĩnh vực hoạt động chính là khai thác chế biến gỗ xuất khẩu, mua bán và xuất khẩu hàng nông lâm sản và cà phê với hơn 500 lao động. Sau đó bà chuyển sang kinh doanh phân bón nhưng công việc làm ăn này gặp nhiều thăng trầm, rủi ro. Khi một khách hàng nợ tiền phân bón trả nợ bằng một lô đất, bà chủ của Quốc Cường Gia Lai đã rẽ sang bất động sản.
Năm 2005, bà Nguyễn Thị Như Loan hợp tác với XNTD Hoàng Anh (tiền thân của Tập đoàn Hoàng Anh Gia Lai ngày nay) mỗi bên góp 50% vốn thành lập Công ty TNHH Xây dựng & Phát triển Nhà Hoàng Anh. Từ đó bắt đầu hoạt động sang lĩnh vực bất động sản tại Tp.HCM, điển hình là 02 dự án Khu căn hộ cao cấp Hoàng Anh 1 & 2 và đưa lĩnh vực này trở thành mảng kinh doanh chủ lực. Ngày 21/03/2007, CTY chuyển đổi thành CTCP Quốc Cường Gia Lai với vốn điều lệ lên đến 259 tỷ đồng và chính thức niêm yết trên SCK.
HĐQT Công ty Cổ phần Quốc Cường Gia Lai (QCG) đã ra quyết định để bà Nguyễn Thị Như Loan thôi kiêm nhiệm chức danh Chủ tịch HĐQT kể từ ngày 10/8/2020. Người thay thế bà Như Loan là ông Lại Thế Hà, hiện đương nhiệm vị trí phó Tổng giám đốc QCG. Sau khi rời ghế chủ tịch, bà Nguyễn Thị Như Loan vẫn giữ chức vụ Tổng giám đốc của Quốc Cường Gia Lai. Tân Chủ tịch Quốc Cường Gia Lai Lại Thế Hà, sinh năm 1956, nguyên quán Nam Định. Ông Hà bắt đầu làm việc tại Quốc Cường Gia Lai năm 2006.
Tình hình kinh doanh của Quốc Cường Gia Lai, từ huy hoàng đến vụt tắt
Năm 2008, 2009, năm 2010 là có lẽ là những năm thăng hoa nhất của Quốc Cường Gia Lai khi liên tục đi được những bước tiến lớn trong ngành kinh doanh chủ lực bất động sản. Công ty góp vốn vào công ty Nhà Phạm Gia, mở rộng quỹ đất tại dự án Phước Kiển tăng từ 19ha lên 27,57 ha, công ty cũng nâng tỷ lệ góp vốn tại công ty bất động sản Hiệp Phú lên 55%, đầu tư tiếp vào Thủy điện rồi khai hoang trồng mới thêm trên 1.200 hecta cao su. Thời gian đó, Quốc Cường cũng lần thứ 2 mở rộng dự án khu dân cư Phước Kiển từ 27,57 ha lên 45ha. Công ty khởi công xây dựng và bán dự án căn hộ Giai Việt năm 2009.
Tăng trưởng nhanh, dự án ồ ạt, đến năm 2010, Quốc Cường Gia Lai được biết đến như một doanh nghiệp lớn phố núi với hoạt động với đa ngành nghề trong đó bất động sản là cốt lõi. Năm 2010, công ty tiếp tục mở rộng quỹ đất toàn bộ dự án Phước Kiển lên 93ha, tiếp tục tăng vốn đầu tư vào dự án Lương Định Của, quận 2 từ 55% lên 90%, khởi công dự án cao ốc Hải Âu. Thời điểm đó, Quốc Cường Gia Lai như một doanh nghiệp trẻ phát triển năng động. Trước khi lên sàn niêm yết vào tháng 8/2010, Quốc Cường đã kịp tăng vốn thêm 69 tỷ đồng thông qua phát hành riêng lẻ cho các nhà đầu tư lớn, đối tác chiến lược với giá không thấp hơn 50.000 đồng/cp vào tháng 4/2010 và phát hành cổ phiếu thưởng cho cổ đông hiện hữu tỷ lệ 2:1 tăng vốn thêm hơn 200 tỷ đồng lên 601,6 tỷ đồng.
Với những thông tin đầy lạc quan như vậy, Quốc Cường tất nhiên cũng là doanh nghiệp được thị trường chứng khoán chào đón. Lên sàn chứng khoán vào tháng 8/2010, cổ phiếu QCG tăng 7% so với giá tham chiếu chào sàn, đóng cửa ở mức giá 45.500 đồng-một mức giá mà bây giờ nhìn lại, nhà đầu tư không khỏi xót xa cho những niềm tin bất thành của mình.Nhờ thời và cũng nhờ những ánh hào quang lúc đó của mình, Quốc Cường Gia Lai cũng đã huy động được nguồn tiền hơn 926 tỷ đồng thông qua chào bán 61,36 triệu cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu tỷ lệ 1:1 giá 15.000 đồng/cp và chào bán cho cán bộ chủ chốt 1,2 triệu cổ phần với giá chào bán không thấp hơn 20.000 đồng/cp. Tổng số tiền thu được từ đợt phát hành là 926,4 tỷ đồng theo kế hoạch được sử dụng nhằm tái cấu trúc nguồn vốn Công ty, nâng cao năng lực tài chính và huy động vốn triển khai các dự án có kế hoạch triển khai trong giai đoạn năm 2010 – 2014 .
Có tiền, tưởng Quốc Cường Gia Lai sẽ như hổ được chắp thêm đôi cánh, đem lại lợi nhuận khổng lồ cho cổ đông từ những dự án lớn lao từng tốn giấy bút truyền thông một thời. Nhưng không. Năm 2009, khi công ty chưa lên sàn niêm yết, khi chưa huy động được vốn lớn từ cổ đông hiện hữu, công ty còn đạt mức doanh thu, lợi nhuận lần lượt là 328 tỷ đồng và 123 tỷ đồng. Năm 2010 là năm lên sàn niêm yết và huy động vốn lớn thì đạt doanh thu, lợi nhuận đỉnh điểm là 717 tỷ đồng và 283 tỷ đồng. Sau đó, không như người ta tưởng là hổ được chắp thêm cánh mà công ty khiến cổ đông đi từ thất vọng này đến thất vọng khác.
Doanh thu thuần giảm dần từ đỉnh 2010 còn 400 tỷ năm 2011 và 224 tỷ đồng năm 2012. Lợi nhuận cũng hết lỗ nặng 40 tỷ đến lãi bèo bọt chưa đầy 8 tỷ so với quy mô. Sang năm 2013, doanh thu của công ty tăng vọt lên 973 tỷ đồng và lợi nhuận công ty mẹ thu về đạt 15 tỷ đồng, cao gấp đôi 2012 nhưng chắc chắn, với những nhà đầu tư đã rót vốn vào Quốc Cường Gia Lai không thể hài lòng với kết quả này.
Cuối năm 2016, tồn kho của Quốc Cường Gia Lai còn gần 6 nghìn tỷ đồng, nợ phải trả 4.160 tỷ đồng trong đó nợ thuê tài chính đang loanh quanh mức 1.770 tỷ đồng. Báo chí tốn công đến thăm dự án Phước Kiển từng được kỳ vọng là “con bò sữa” sẽ giúp mang về doanh thu trên 12.000 tỷ đồng cho Quốc Cường Gia Lai và thấy khu đất này vẫn đang được nhiều người dân tận dụng nuôi bò. Nợ nần lớn chưa có cửa sáng để trả, hàng năm, công ty vẫn phải trả mấy chục tỷ đồng tiền lãi vay. Riêng năm 2016, chi phí lãi vay công ty phải trả lên đến 63 tỷ đồng. Rồi mớ bòng bong cho mượn cá nhân, phải thu phải trả cá nhân, rồi, đau đầu nhất là vay nợ ngân hàng dùng cổ phiếu QCG để làm tài sản đảm bảo… Cổ phiếu QCG hiện chỉ còn chưa đầy 5.000 đồng/cp. Chẳng biết bao giờ nhà đầu tư mới có lại được cảm xúc một thời dành trọn niềm tin cho Quốc Cường Gia Lai như xưa.
So với năm 2017 thì năm 2018 vừa qua, Quốc Cường Gia Lai đã có một năm kinh doanh khó khăn, với những con số rất đau lòng. Cụ thể, kết thúc năm 2018, tổng lợi nhuận trước thuế của công ty chỉ đạt hơn 106 tỷ đồng, giảm mạnh so với con số 508,7 tỷ đồng năm 2017. Lợi nhuận sau thuế thu nhập doanh nghiệp cũng giảm mạnh từ 405 tỷ đồng năm 2017 xuống còn 96 tỷ đồng năm 2018. Năm 2018, tổng tài sản của Quốc Cường Gia Lai là 10.602 tỷ đồng, trong khi nợ là 6.694 tỷ đồng, chiếm 60% tổng tài sản. Hàng tồn kho gần 7.458 tỷ, trong đó bất động sản dở dang lên đến 7.020 tỷ đồng, chủ yếu nằm ở chi phí đền bù giải phóng mặt bằng, tiền sử dụng đất, chi phí xây dựng…
Khoản vay ngắn hạn của doanh nghiệp trong năm qua là 173 tỷ đồng, trong khi vay dài hạn cao hơn gấp 2,4 lần, lên đến 420 tỷ đồng. Để đảm bảo khoản vay dài hạn này, công ty thế chấp nhiều tài sản: giấy chứng nhận quyền sử dụng đất của các khu đất tại Gia Lai, TP.HCM và các dự án cao su, thủy điện. Năm 2018, Quốc Cường Gia Lai vướng vào vụ lùm xùm mua hụt 30 ha đất công của Công ty Tân Thuận tại Phước Kiển, huyện Nhà Bè và bị thành phố yêu cầu thu hồi.
Bên cạnh đó, còn có siêu dự án Phước Kiển rộng hơn 90ha sang nhượng cho Sunny Island. Công ty này đã cấp hơn 2.880 tỷ đồng cho Quốc Cường Gia Lai trả nợ đồng thời đàm phán nhận chuyển nhượng dự án nói trên. Đầu năm 2018, các cổ đông sáng lập của Sunny Island đã bán toàn bộ cổ phần của mình tại doanh nghiệp này, cũng có các cổ đông mới đổ 1.000 tỷ đồng vào cho Sunny Island nhưng danh tính không được tiết lộ.
Đáng chú ý, ông Nguyễn Ngọc Thủy – Tổng giám đốc Công ty cổ phần kinh doanh địa ốc Him Lam khi đó đã trở thành đại diện pháp luật của Sunny Island thay ông Chang Ly (một trong các cổ đông sáng lập) đồng thời là Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc của Sunny Island. Hiện tại, ông Thủy đã là Chủ tịch của Him Lam Land.
Cả 12 dự án rộng 150ha của Quốc Cường Gia Lai đều bị tạm dừng triển khai, chỉ có một dự án rộng 3.000 m2 tại quận 7 có thể thực hiện. Thế nhưng, theo bà, dự án lại đang bị các cơ quan, ban ngành gây khó dễ khiến chậm triển khai. Chốt phiên giao dịch ngày 12/4/2019, thị giá của QCG trên sàn chỉ là 6,4 nghìn đồng, chỉ “nhỉnh” hơn cốc trà đá một chút xíu. Trước những khó khăn trên, bà Loan cho biết, nếu không vì cổ đông, không bị nợ ngân hàng, không vì 3.000 cán bộ nhân viên thì bà đã tự tử. Bà Loan cũng chia sẻ: “Nhà tôi có đồng nào tôi vét hết cho doanh nghiệp sử dụng. Tôi vay bạn bè tiền cho doanh nghiệp sống. Xe của tôi đi, nhà tôi ở cũng mang thế chấp để góp tiền cho doanh nghiệp hết rồi. Cả 12 dự án đang đứng im, tôi chỉ muốn khóc”.
Theo dữ liệu mà Người Đồng Hành cho biết, từ năm 2018 đến 2020, QCGL không có doanh thu. Lợi nhuận thuần liên tục âm. Năm 2021, doanh thu đạt 2,5 tỷ đồng còn lợi nhuận thuần âm 21,8 tỷ đồng. ROA (lợi nhuận trên tài sản) và ROE (lợi nhuận trên vốn chủ sở hữu) lần lượt âm 0,88% và 2,98%.
Đầu năm 2019, bà Loan chuyển quyền đại diện theo pháp luật cho con trai. Ông Nguyễn Quốc Cường đồng thời đảm nhận chức danh tổng giám đốc. Cùng với đó, Chánh Nghĩa Quốc Cường tăng vốn điều lệ từ 428 tỷ đồng lên 708 tỷ đồng, trong đó 576 tỷ đồng góp bằng giá trị quyền sử dụng đất, tương ứng 81,4%. Thời điểm này, QCGL không rót thêm tiền vào việc tăng vốn nên tỷ lệ sở hữu giảm về 18,6%. Đầu năm 2020, QCGL công bố hoàn tất chuyển nhượng toàn bộ 18,6% vốn tại Chánh Nghĩa Quốc Cường với giá 132 tỷ đồng. Như vậy, bà Loan và QCGL không còn liên quan tới Chánh Nghĩa Quốc Cường.
Tại thời điểm 30/6/2021, tổng tài sản của Quốc Cường Gia Lai hơn 9.922 tỷ đồng, giảm 4% so với thời điểm đầu năm. Nợ phải trả của công ty là 5.657 tỷ đồng, giảm nhẹ so với đầu năm. Trong đó, nợ vay ngân hàng 454 tỷ đồng gồm vay 100 tỷ ngân hàng Liên doanh Việt Nga và vay 354 tỷ đồng ngân hàng TMCP Ngoại thương. Cụ thể, trong số các cá nhân cho công ty vay nợ, đứng đầu là Tổng giám đốc Nguyễn Thị Như Loan (cựu Chủ tịch). Bà Loan đã cho Quốc Cường Gia Lai mượn số tiền lên đến hơn 97 tỷ đồng. Con gái bà Loan là Nguyễn Ngọc Huyền My cũng cho công ty của mẹ mượn 11 tỷ đồng. Song song đó, Chủ tịch HĐQT Quốc Cường Gia Lai Lại Thế Hà cho công ty vay gần 47,5 tỷ đồng. Con gái ông Hà – bà Lại Thị Hoàng Yến cũng có Quốc Cường Gia Lai vay 73,5 tỷ đồng.
Các khoản phải trả, phải nộp với các bên liên quan của Quốc Cường Gia Lai (Nguồn: BCTC QCGL)
Hiện, chủ nợ lớn nhất đang cho Quốc Cường Gia Lai mượn tiền là CTCP Bất động sản Hiệp Phúc 423 tỷ đồng, Công ty TNHH xây dựng và kinh doanh Nhà Phạm Gia gần 153 tỷ đồng. Bất động sản Hiệp Phúc – tiền thân là CTCP Quốc tế An Vui từng thuộc sở hữu của Quốc Cường Gia Lai với tỷ lệ nắm giữ là 90% vốn. Năm 2020, Quốc Cường Gia Lai đã thoái vốn, giảm tỷ lệ sở hữu tại công ty này xuống còn 34%. Hiện bà Nguyễn Thị Như Loan – CEO của Quốc Cường Gia Lai vẫn là đại diện pháp luật của BĐS Hiệp Phúc.
Tổng giám đốc Như Loan hiện trực tiếp sở hữu 37% cổ phần Quốc Cường Gia Lai. Cộng với cổ phần của các con và người thân, gia đình bà Loan nắm giữ 55% vốn điều lệ, giữ quyền chi phối doanh nghiệp.