Ít ai biết có một dòng họ ở Việt Nam đã có 10 đời liên tục đỗ tiến sĩ mà tương lai đỗ đạt này cũng đã từng có một lời sấm truyền bí ẩn trước đó.
Đến ngày nay dù đã trải qua hàng trăm năm phát triển, cuộc sống ngày càng hiện đại nhưng những câu chuyện về tổ tiên hay ông cha ngày xưa vẫn có một sức hút kỳ lạ. Có lẽ ai cũng tò mò về cuộc sống và những câu chuyện của người xưa, như câu chuyện về một dòng họ được mệnh danh là “10 đời tiến sĩ” dưới đây là một ví dụ.
Theo đó, trong lịch sử khoa bảng Việt Nam, họ Ngô lệnh tộc ở làng Vọng Nguyệt (xã Tam Giang, huyện Yên Phong, tỉnh Bắc Ninh) được mệnh danh là dòng họ “ngũ đại liên trúng”. Đây là một trong tứ lệnh tộc ở Bắc Ninh được vua ban chữ vàng khen thưởng vì thành tích học tập tốt và đỗ đạt cao.
Việc làng có nhiều người ở nhiều đời đỗ tiến sĩ đã thu hút sự chú ý của nhiều chuyên gia sau này, nghiên cứu làm rõ lý do. Bên cạnh những kiến giải khoa học cho sự hiển đạt của họ Ngô lệnh tộc làng Vọng Nguyệt thì có có truyền thuyết của làng chép lại câu chuyện về “lời sấm” của một người Tàu bí ẩn khiến nhiều người tò mò đến tận hiện tại.
Cụ thể, câu chuyện được truyền lại kể về một thầy địa lý Tàu bí ẩn. Người này vốn từ phương xa đến ở tạm trong làng. Khi đến, người này âm thầm đi 1 vòng quan sát đất đai trong làng, sau đó đi khắp nơi rao lên một “lời sấm” rằng: “Sừng trâu, bầu giác, vườn quýt, ao Lác. Ai có tiền, có bạc thì lão bán cho”. Nhưng lúc này chẳng ai hiểu ý nghĩa của nó là gì nên chẳng có ai trong làng để ý, hỏi han.
Duy chỉ có cụ tổ họ Ngô làng Vọng Nguyệt thấy sự việc trên thì lấy làm hiếu kỳ và mời vị khách người Tàu vào nhà làm cơm thịnh soạn mời ăn. Cụ Ngô sau đó không nén nổi tò mò, hỏi thăm thâm ý bên trong lời rao đó của người khách thì ông này cười nói: “Tôi thấy ông có phúc phận, được hưởng lộc trời nên cứ quanh quẩn nơi đây. Nay ông đã có lòng hỏi đến thì tôi cũng không giấu. Ở đây có một khu đất tốt, nếu dùng nó làm nhà thờ họ thì sau này con cháu nhất định khởi đạt, vinh hiển nhiều đời. Mảnh đất này nếu không gặp được người hữu phước thì cũng chỉ như mảnh đất thường mà thôi”.
Người này sau đó chầm chậm nói rõ, hai câu sấm là “vườn quýt, ao Lác” ý chỉ một vườn quýt bỏ hoang, đằng trước là một cái ao mà người trong làng gọi là ao Lác hay ao Gáo . Trước đây ở góc ao này luôn luôn có một cây gáo rất lớn (một giống cây thuộc họ cà phê). Người dân thấy cây gáo cổ thụ liền chặt đi lấy gỗ, nhưng điều kỳ lạ là cây gáo này không bị chết mà tiếp tục mọc lên một cây gáo khác, đây đã là một điềm lạ thường.
Dưới ao Lác lại có một cái giếng tròn, rất sâu, bùn ở ao không bao giờ lấp đầy được. Từ “vườn quýt ” trông về phía Tây Bắc có nổi một cái gò lớn, tạo thành thế Huyền Vũ trong phong thủy. Bên tay phải “vườn quýt” là một ngõ dài khác chạy xuống, song song với rãnh nước kia mà tạo thành thế Bạch Hổ. Cứ như vậy, xung quanh “vườn quýt” có nhiều ngõ khác chạy đâm thẳng xuống ao Lác. Nếu trông từ dưới lên thì rất giống một bàn tay 5 ngón xòe rộng. Phong thủy gọi đó là thế long chầu, hổ phục, lại có giếng trời giữa ao như gương từ mẫu cho đời sau soi vào. Nếu dùng mảnh đất này mà lập nhà thờ, con cháu sau này tất sẽ hiển vinh.
Quả thực sau đó, dòng họ này đã có 10 đời đỗ đạt tiến sĩ. “Dòng trưởng chúng tôi phát liên tiếp 5 đời tiến sĩ. Dòng thứ cũng kế vào đó phát tiếp 5 đời tiến sĩ nữa. Tổng cộng là 10 đời” – ông Ngô Văn Hảo cho hay. Theo đó, cụ Ngô Ngọc là người đỗ khai khoa cho dòng họ Ngô lệnh tộc. Con trai thứ 2 của cụ Ngô Ngọc là cụ Ngô Nhân Hải (không rõ năm sinh, năm mất) đỗ Đệ nhị giáp tiến sĩ xuất thân (Hoàng giáp) khoa thi Mậu Thìn (1508).
Cháu nội cụ Ngô Nhân Hải là Ngô Nhân Trừng (1539-1593) đỗ Đệ nhị giáp tiến sĩ xuất thân (Hoàng giáp) khoa thi Canh Thìn (1580). Con trai trưởng của Ngô Nhân Trừng là Ngô Nhân Triệt (không rõ năm sinh, năm mất) đỗ Đệ tam giáp đồng tiến sĩ xuất thân khoa thi Đinh Mùi (1607) đời vua Lê Kính Tông.
Tuy nhiên, phải nói rằng lời sấm truyền phía trên chỉ là truyền thuyết. Chuyên gia phong thủy Nguyễn Cung Hà – Phó chủ nhiệm Bộ môn Cận Tâm lý – Trung tâm nghiên cứu tiềm năng con người cho biết: “Từ xưa tới nay, khoa học phong thủy nghiên cứu mối quan hệ giữa con người với thiên nhiên và tôi tin rằng chúng có sự ảnh hưởng lẫn nhau. Tuy nhiên, nếu cho rằng sự hiển đạt của một dòng họ là nhờ vào một thế đất tốt thì điều này rất khó xảy ra. Phong thủy chỉ là một yếu tố trong rất nhiều yếu tố hợp thành một sự kiện mà thôi.”